Phát hiện này diễn ra trong quá trình điều tra đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, một khu vực nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng.
Loài chuột này được phát hiện ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình và chính thức bổ sung vào danh sách các loài thú mới tại Việt Nam.
Chuột đá Trường Sơn có tên khoa học là Laonastes aenigmamus, lần đầu được các nhà khoa học quốc tế tìm thấy ở khu bảo tồn đa dạng sinh học Hin Nậm Nô, Lào năm 2005.
Các nhà khoa học đã so sánh đặc điểm hình thái của loài chuột này với các mẫu hóa thạch thuộc họ Diatomyidae, và kết luận đây là loài sống sót duy nhất của họ thú cổ.
Với ngoại hình giống loài chuột, loài này dài khoảng 26cm, nặng 400g và có đuôi dài với lớp lông rậm đặc trưng. Chúng sống chủ yếu trên các mỏm núi đá vôi và thức ăn ưa thích là lá cây, cỏ, các loại hạt, và đôi khi là côn trùng.
Sự tồn tại của chuột Trường Sơn là một ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng “hiệu ứng hồi sinh” (Lazarus effect), khi một loài tưởng chừng đã tuyệt chủng xuất hiện trở lại.
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa khoa học lớn đối với việc nghiên cứu sự đa dạng sinh học của Việt Nam, mà còn nâng cao giá trị bảo tồn của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một trong những khu vực có hệ sinh thái phong phú bậc nhất thế giới.