Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Jonathan Haidt bắt đầu cuốn sách nổi tiếng của mình The Anxious Generation (Thế hệ lo lắng) bằng một hình ảnh đồ họa cho thấy sự gia tăng đột ngột và rất lớn các đợt trầm cảm nặng ở thanh thiếu niên sau những năm 2010, giai đoạn mà ông gọi là "sự thay đổi lớn của tuổi thơ".
Ông giải thích rằng, sự gia tăng nhanh chóng của mạng xã hội và việc sử dụng điện thoại thông minh trong giai đoạn này, cùng với sự suy giảm hoạt động vui chơi trong thời thơ ấu, đã gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Lo lắng, trầm cảm và tự làm hại bản thân xảy ra ở nhiều nước phương Tây, trong đó những người sinh sau năm 1995 bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ giới hạn ở thế giới phương Tây. Nhiều nghiên cứu ở Indonesia nêu bật những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

The Jakarta Post trích dẫn số liệu cho thấy, năm 2023, Khảo sát sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia Indonesia phát hiện, khoảng 35% thanh thiếu niên của nước này, tương đương hơn 15 triệu người phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần.
Một nhà nghiên cứu cho biết, việc tiếp xúc nhiều với nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, bao gồm cả bắt nạt trên mạng, cũng góp phần gây ra vấn đề này.
Không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều quốc gia cân nhắc hạn chế việc sử dụng mạng xã hội đối với thế hệ trẻ. Úc đi đầu khi thông qua luật cấm mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi vào tháng 11/2024.
Ngay sau đó, chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch tương tự của mình.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia cho thấy, tỷ lệ sử dụng Internet tại quốc gia 280 triệu dân này đã đạt gần 80% vào năm ngoái, đồng thời lưu ý rằng, gần một nửa trẻ em dưới 12 tuổi có thể truy cập Internet.
Tổng thống Prabowo Subianto đầu tháng này đã đưa ra thời hạn 2 tháng cho Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số để hoàn thành hướng dẫn tạm thời về bảo vệ trẻ em trực tuyến như một bước đệm hướng tới luật pháp quốc gia.
Quy định sắp tới sẽ bao gồm việc hướng dẫn phụ huynh về việc hạn chế con em sử dụng Internet và các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ cho phép người dùng chưa đủ tuổi truy cập vào nền tảng mạng xã hội của họ.
Trong khi kế hoạch hạn chế mạng xã hội ở trẻ vị thành niên được công chúng, đặc biệt là phụ huynh, hoan nghênh, thì các cơ quan chức năng nên thực hiện chính sách sắp tới một cách thận trọng hơn.
Quy trình xác minh mạng xã hội có thể trở nên nghiêm ngặt hơn trong tương lai, khi người dùng được yêu cầu xuất trình sự kết hợp của ID hợp lệ và thông tin hồ sơ chi tiết, cũng như dữ liệu sinh trắc học. Điều này dễ dẫn đến việc sử dụng sai và khai thác dữ liệu.
Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng các vụ tấn công mạng trong những năm qua. Vào tháng 6/2024, một cuộc tấn công ransomware lớn nhắm vào một trong hai trung tâm dữ liệu quốc gia tạm thời gây ra sự gián đoạn trên toàn quốc đối với các dịch vụ công được kết nối với trung tâm này.
Thông tin cá nhân của hàng triệu người Indonesia cũng được báo cáo là đã bị tin tặc đánh cắp và bán trực tuyến.
Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân năm 2022 yêu cầu thành lập một cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người kiểm soát và xử lý dữ liệu không tuân thủ, nhưng chính phủ đang ‘loay hoay’ trong việc thành lập cơ quan này.
Cần làm gì để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên?
Theo The Jakarta Post, việc hạn chế mạng xã hội không nên là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần mà trẻ em đang phải trải qua trong thời đại kỹ thuật số. Trên thực tế, đây chỉ là sự khởi đầu.
Nhà tâm lý học Haidt nhấn mạnh thêm trong tác phẩm của mình rằng, giống như tất cả các loài động vật có vú, con người, trong trường hợp này là trẻ em, cần vui chơi ngoài trời để rèn luyện não bộ và chuẩn bị cho tuổi trưởng thành.
Câu hỏi đặt ra là, Indonesia đã phát triển đủ không gian ngoài trời an toàn và đầy đủ cho trẻ em khám phá chưa? Câu trả lời dễ dàng và đơn giản: Không.
Trong khi không gian mở hoặc thiên nhiên có thể dễ tiếp cận ở các vùng nông thôn, thì điều đó không hoàn toàn đúng với các thành phố đông dân như Jakarta và các vùng đệm của nó.
Lấy Nam Tangerang - một thành phố ở Banten làm ví dụ, thành phố có hơn 1,4 triệu người này có chưa đến 10 không gian mở miễn phí, với hàng chục không gian khác nằm 'sau hàng rào' - buộc cha mẹ phải trả tiền cho việc giải trí của con cái mình.
Nếu chính phủ nghiêm túc trong việc bảo vệ phúc lợi của thế hệ trẻ bằng cách hạn chế quyền truy cập của họ vào lĩnh vực kỹ thuật số, thì cũng nên nghĩ ra cách khuyến khích trẻ hoạt động trong thế giới thực - và xây dựng các cơ sở thân thiện với trẻ em là một trong số đó – theo The Jakarta Post.