Chờ...

Người Trung Quốc đang thay đổi quan niệm chăm sóc cha mẹ già

TRUNG QUỐC - Li Xiangkai bị họ hàng gọi là bất hiếu khi gửi người mẹ 85 tuổi vào viện dưỡng lão, nhưng anh không hối hận.

Theo anh Li, “Ở đó, người già sẽ có nhiều thứ để làm”. Anh dẫn chứng các hoạt động hát, múa và làm sản phẩm thủ công của mẹ anh ở viện dưỡng lão. Chị em Li từng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc mẹ khi bà bị gãy xương.

Năm ngoái, mẹ anh Li đã đồng ý vào viện dưỡng lão để được chăm sóc chuyên biệt.

Anh chia sẻ “Việc chăm mẹ mỗi ngày không có nghĩa là hiếu thảo”. “Quan trọng, chúng tôi muốn tạo cho bà môi trường tốt để sống hạnh phúc”.

Mẹ Li là một trong những khách hàng của ngành dịch vụ chăm sóc người già ở Trung Quốc, ngành có các lựa chọn chăm sóc có giá cả phải chăng nhưng hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên được đào tạo.

Screen-Shot-2024-10-03-at-11-3-7623-3811-1727930182
Hoạt động trong viện dưỡng lão ở Trung Quốc - Ảnh: CNA

Các cơ sở tư nhân gần nơi mẹ Li sống rất đắt đỏ trong khi viện dưỡng lão công chi phí thấp hơn nhưng phải chờ nhiều tháng để đăng ký.

Ở nông thôn, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Hãng thông tấn Xinhua cho rằng chỉ có 1,7 triệu giường cho hơn 100 triệu người già.

Truyền thống người Trung Quốc rất coi trọng hiếu thảo, việc chăm sóc người già là một phần thể hiện sự hiếu thảo, đang là mối quan tâm lớn. Số người trên 60 tuổi đã lên đến 297 triệu vào cuối năm ngoái, chiếm hơn 1/5 dân số. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 402 triệu vào năm 2040.

90% người cao tuổi được gia đình chăm sóc, 7% được chăm sóc từ cộng đồng và 3% sống trong viện dưỡng lão, theo Ủy ban Y tế Quốc gia.

Các con số trên mô tả mô hình "9073" mà các chuyên gia đánh giá sẽ không bền vững. Chính sách một con áp dụng từ năm 1980 đến năm 2015 đã khiến những đứa con tăng gấp đôi gánh nặng, chăm sóc không chỉ hai bên phụ huynh mà còn bốn ông bà.

Những người con đang gánh áp lực khi vừa laà lực lượng lao động, vừa đóng thuế, vừa chăm sóc người phụ thuộc. Nhà nghiên cứu Zhao Litao ở Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng trách nhiệm chăm sóc người già nên được xã hội hóa.

Ngày trước, viện dưỡng lão là lựa chọn cuối cùng cho người già không có con, không có khả năng sống độc lập hoặc là nơi tập trung của người có con cái không hiếu thảo.

Thành kiến đối với viện dưỡng lão nặng đến mức khi chính quyền Thượng Hải công bố kế hoạch xây dựng 200 viện dưỡng lão vào năm 2020, người dân đã phản đối, lo ngại ảnh hưởng giá bất động sản hoặc mang lại xui xẻo.

"Nhiều người vẫn coi viện dưỡng lão là nơi mà người ta chờ chết", Feng Sheng, chủ tịch tập đoàn dịch vụ chăm sóc người cao tuổi Changyou, nói.

Người già ở nông thôn phải tự chăm sóc bản thân bởi con cái đã di cư.

Tuy nhiên, tình hình đã khác. Người trẻ Trung Quốc đang sẵn sàng vào viện dưỡng lão hơn. Huang Tian Hui, người độc thân và chủ quán bar ở Thượng Hải, dự định sẽ làm vậy khi anh không còn đủ khả năng tự chăm sóc bản thân. Bạn bè của Huang Tian Hui đã gợi ý vào cùng viện dưỡng lão để "già đi cùng nhau".

Tương tự, Li và vợ bàn nhau sống ở một cơ sở chăm sóc tốt trong những năm tháng cuối đời để họ không gây rắc rối cho con cái.

Để thực hiện nguyện vọng, họ sẽ phải chuẩn bị trước tài chính.

Ở các đô thị lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, chi phí sinh hoạt trong một viện dưỡng lão tư nhân có thể lên đến 2.600 USD mỗi tháng với yêu cầu ký hợp đồng ít nhất một năm.

Ngành dịch vụ chăm sóc người già còn gặp khó khăn trong việc thu hút nhân viên. Theo Trung tâm nghiên cứu về Lão hóa Trung Quốc, hiện có khoảng 500.000 nhân viên chăm sóc ở khắp cả nước nhưng trên thực tế, họ cần ít nhất 6 triệu người. Người trẻ làm công việc này thường nản chí bởi công việc vất vả và thành kiến xã hội.

Bài toán chăm sóc người già trở nên cấp thiết hơn với 300 triệu người 50-60 tuổi sẽ rời khỏi lực lượng lao động trong thập kỷ tới. Chính phủ Trung Quốc đã nâng tuổi hưu và yêu cầu thiết lập các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản trước năm 2025. Dịch vụ bao gồm việc thăm nom, chăm sóc cho người già sống một mình, khó khăn về tài chính.

Screen-Shot-2024-10-03-at-11-3-9495-1770-1727930182
Xia Hui chăm sóc bố mẹ ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: CNA

Trong khi đó, những người thuộc thế hệ trước như Xia Hui, 60 tuổi, vẫn đang nặng gánh gia đình. Bà đã nghỉ buôn bán hồi tháng 2 năm ngoái để về Thượng Hải chăm sóc bố mẹ trong khi chồng vẫn ở Bắc Kinh làm trụ cột chính trong gia đình.

"Tôi thật sự không còn thời gian gặp gỡ bạn bè", Xia nói. Mẹ Xia 88 tuổi và bố 90 tuổi. Bà thường xuyên chịu đựng tâm trạng thất thường và những lời chỉ trích liên tục từ của bố về những điều nhỏ nhặt. Có lần, Xia bùng nổ và dọa gửi bố đến viện dưỡng lão khiến ông rất buồn.

"Tôi có ý nghĩ này nhưng không dám giao bố mẹ cho người khác", bà nói. Bố mẹ Xia vẫn nghĩ rằng các viện dưỡng lão là nơi họ sẽ bị đối xử tệ bạc.