Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chỉ số UV ở mức gây hại rất cao, đề phòng tia cực tím “ăn da”

VOH - Chỉ số tia cực tím (UV) ở TPHCM trong ngày 14/5 và 3 ngày tới ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, người dân cần đề phòng.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (14/5) chỉ số tia cực tím (UV) tại Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao. Tại TPHCM là 8.2, tại Cần Thơ và Cà Mau là 9.5.

Dự báo trong 3 ngày tới, chỉ số UV tại Nam Bộ tiếp tục duy trì ở mức nguy cơ gây hại rất cao. Vì vậy, người dân chú ý áp dụng các biện pháp bảo vệ cơ thể khi ra đường.

Các chuyên gia cho biết, tia cực tím không hoàn toàn có hại. Nó có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống như giúp tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết hay chữa một số bệnh ngoài da. 

Tuy nhiên, nếu con người ở ngoài trời tiếp xúc với bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao (thường từ 10h  - 15h hằng ngày) thì sẽ rất nguy hại. 

Tia UV có 3 loại:

  • UVA (có bước sóng 315 - 380nm): có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da.
  • UVB (có bước sóng 280 - 315nm): gây say nắng, tổn thương làm đen da.
  • UVC (có bước sóng 100 - 280nm): gây ung thư da nhưng đã có tầng ô-zôn chặn lại.

Trong 3 loại  tia UV, con người thường tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%). Ngoài ra, tia UV không chỉ xuất hiện khi trời nắng mà có mặt vào mọi thời điểm trong ngày dù trời có mây hay mưa. 

Phòng tránh tia cực tím “ăn da” 1
Dự báo trong những ngày tới, Nam Bộ liên tục có chỉ số tia UV ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao - Ảnh: NLD

Theo PGS-TS-BS Lê Thái Vân Thanh (Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), ánh nắng mặt trời với thủ phạm chính là tia tử ngoại có thể gây ung thư da, chưa kể một số bệnh da thường gặp và tăng cao do tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời là viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay do ánh nắng.

Ngoài ra, còn có các bệnh liên quan đến thẩm mỹ da do bị tác động lâu dài của ánh nắng mặt trời như sạm da, rám má, lão hóa da… hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể.

Trong thời điểm tia UV ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, người dân nên hạn chế ra ngoài, nhất là vào thời điểm chỉ số UV tăng cao.

Nếu phải ra ngoài trong thời điểm này, nên:

  • Đội nón vành rộng (nên chọn mũ có chiều rộng vành hơn 2,5cm, phủ được 2/3 khuôn mặt) hoặc dùng dù;
  • Đeo kính râm;
  • Đeo khẩu trang (nên chọn khẩu trang vải dày, dệt chéo và phủ kín mặt; khẩu trang màu đen, sậm có tác dụng chống nắng 90%, khẩu màu sáng có tác dụng chống nắng 60%);
  • Mặc quần áo dài tay, quần áo chống nắng;
  • Thoa kem chống nắng (dùng kem chống nắng trước khi ra ngoài 15 - 20 phút);
  • Sử dụng viên uống chống nắng;
  • Cố gắng tránh nắng dưới bóng râm.

Lưu ý, làn da của trẻ non nớt, dễ bị tổn thương hơn, trẻ em lại thích vui chơi ngoài trời nên cha mẹ cần chú ý phòng tránh tác hại của tia UV.

Bình luận