Sự việc bắt đầu khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh menu của quán, trong đó phần mô tả món trà tắc giá 37.000 đồng bị cho là có ý mỉa mai khách hàng.
Quán viết: "Chúng tớ biết không phải ai cũng dư giả, hay đôi lúc chỉ vì bạn cậu gọi qua đây để tâm sự, thì dù gì đi chăng nữa chúng tớ làm nghề cũng làm nghề dịch vụ không có gì là free. Hãy gọi khi tài chính hạn hẹp, hãy gọi khi chỉ cần lấy chỗ ngồi. Chúng tớ không bao giờ đánh giá, hay nói đúng hơn là dù bất kì bối cảnh nào."

Nhiều người dùng mạng xã hội phản ứng gay gắt, cho rằng cách diễn đạt này mang tính phân biệt đối xử và xúc phạm khách hàng. Họ cũng chỉ ra rằng giá 37.000 đồng cho một ly trà tắc không hề rẻ, thêm vào đó ly trà đào giá 40.000 đồng lại không có mô tả tương tự.
Nhiều người nhận xét giọng điệu của quán như “ban ơn” cho khách hàng mặc dù họ đã phải trả một số tiền không hề nhỏ.

Trước làn sóng chỉ trích, quán phải tạm khóa trang Facebook trong một ngày. Đến ngày 19/9, quán đăng bài xin lỗi trên Facebook và Threads, thừa nhận "văn phong và cách diễn đạt kém cỏi". Quán giải thích rằng họ không có ý mỉa mai, mà chỉ muốn thể hiện sự đồng cảm với khách hàng.
Tuy nhiên, lời xin lỗi này không được đón nhận tích cực. Nhiều người cho rằng quán vẫn chưa nhận thức được vấn đề cốt lõi và chỉ xin lỗi cho có. Một bình luận được nhiều người đồng tình chỉ ra "Vấn đề không nằm ở cách diễn đạt mà nằm ở tư duy quán. Cốc 20k người ta vẫn có thể gọi vì sở thích chứ không phải vì nó rẻ. Mà cốc của quán tận 37k là rẻ dữ chưa. Người nghèo không uống cốc trà tắc 37k đâu mà cần quán “đồng cảm”."
Mặc dù quán khẳng định sẽ tiếp tục duy trì món "Chỉ tắc" và thiết kế lại menu, nhiều người dùng mạng vẫn kêu gọi tẩy chay. Sự việc này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn từ cẩn trọng trong kinh doanh và truyền thông, đặc biệt là khi đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như tài chính cá nhân.