Trải dài trên hành trình 38 năm cảm nhận hơi thở cuộc sống, tuy bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng tình yêu thương dành cho mình và cho người của Huỳnh Thanh Thảo (sinh năm 1986) chưa bao giờ có một "vết sẹo" dù chỉ rất nhỏ.
Đó là câu chuyện nghị lực của cô giáo "tí hon" 65cm với biệt danh Én Nhỏ trong một lần trải lòng cùng Host Huỳnh Như - VOH.
Cuộc đời của chị Thảo gặp nhiều khó khăn ngay từ khi chào đời do bị mắc chứng xương thủy tinh, chịu ảnh hưởng từ chất độc da cam, nhưng bằng tất cả nghị lực, chị đã vượt qua và tiếp tục hành trình sống tích cực, lan tỏa của minh...
Thư viện mini Cô Ba: Nơi gieo mầm yêu thương
Ngược dòng thời gian về 15 năm trước, tại nơi mẹ chị bán hàng, hướng về góc phòng, chị Thảo xin mẹ cho ngồi lại để tiện xem hàng quán phụ bà và mong ước sẽ tạo nên một tủ sách cho các em nhỏ đến đọc, nâng cao kiến thức.
Khởi đầu với lượng sách hơn 50 quyển xin được từ các cửa hàng tạp hóa, tuy trạng thái không còn nguyên vẹn nhưng chị vẫn cảm thấy rất biết ơn và trân quý những ai gửi tặng lại số sách này.
Từ những con chữ đầu tiên qua quá trình tích lũy năm 14 tuổi, Huỳnh Thanh Thảo mở lớp học tình thương để dạy chữ cho các em nhỏ. Đến năm 2009 sau rất nhiều điều hữu duyên, thư viện mini Cô Ba được ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của chị Thảo.
"Qua làn sóng phát thanh, tôi được một nhà mạnh thường quân gửi tặng dàn máy vi tính. Tuy đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa biết chú ấy tên gì, nhưng với tôi nhà hảo tâm này đã mang đến cuộc đời mình một cơn gió mát lành, mở ra chân trời mới, những điều tươi sáng hơn", chị Thảo nhớ lại và chia sẻ.
Kể từ đó chị Thảo được kết nối với cộng đồng nhiều hơn, thông tin, kiến thức cũng không quá khó để nắm bắt và rồi thư viện mini Cô Ba được thành lập.
Tính đến thời điểm hiện tại, "đứa con tinh thần" của Én Nhỏ chính thức trải qua hành trình 15 năm với nhiều cung bậc cảm xúc. Ngày 7/3/2009 là cột mốc đánh dấu sự hiện diện của thư viện mini Cô Ba trên "mảnh đất màu mỡ tình thương". Sau nhiều năm vận hành, chị vẫn khẳng định: "Tôi đi con đường này là đúng".
Từ ngày thư viện mở cửa, các bạn nhỏ đến đây đọc sách ngày một nhiều hơn. Hành động nghĩa tình của cô giáo "tí hon" được nhiều người biết đến bởi tính nhân văn và sự chung tay của cộng đồng cũng giúp Én Nhỏ rất nhiều trên hành trình gieo mầm yêu thương.
Bắt đầu vận hành với vài quyển sách, nhờ mọi người chung tay góp sức, nay thư viện đạt gần 4.000 đầu sách. Huỳnh Thanh Thảo mong muốn thư viện không chỉ là nơi để đọc sách mà còn là nơi mọi người trao cho nhau những giá trị sống thật đẹp.
Huỳnh Thanh Thảo bộc bạch: "niềm hạnh phúc nhất của tôi là thư viện này không chỉ đến để đọc sách như mọi người thường suy nghĩ mà còn có những hoạt động như tổ chức sinh nhật 3 tháng 1 lần cho các bạn độc giả nhằm gắn kết tình bạn, chia sẻ niềm vui cuộc sống.
Tôi nghĩ rằng đối với các em khá giả, tổ chức một buổi tiệc sinh nhật là chuyện bình thường, còn đối với các em khó khăn còn không biết sinh nhật của mình là ngày nào, thậm chí các em chưa bao giờ được ăn bánh kem.
Tôi muốn khi các em đến đây sẽ cảm nhận thư viện là ngôi nhà nhỏ, tôi như một người bạn lớn của các em, tôi sẽ lắng nghe các em nói và chia sẻ với các em. Chỉ cần yêu thương, mọi thứ sẽ dễ dàng 'nhân lên' một cách diệu kỳ".
Đúng như những gì Én Nhỏ suy nghĩ, không biết các bạn nhỏ bên ngoài như thế nào nhưng khi bước vào "ngôi nhà tri thức" lại ngồi quây quần ấm áp và chúc mừng sinh nhật cho nhau, từ đó tình bạn giữa các em ngày càng khăng khít hơn.
Ngoài các em khó khăn sẽ hoàn toàn miễn phí sách đọc, còn những em có điều kiện tốt hơn sẽ góp 500 đồng một quyển cho mỗi lần đọc sách. Chị Thảo cho hay dù đối với các bạn số tiền này chẳng quá lớn lao nhưng lại làm nên sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của các em.
Các bé sẽ tự quyên góp chút yêu thương vào chú heo mang tên "heo tình bạn, vạn niềm vui". Thỉnh thoảng, thư viện khui heo để mua bút chì, bút mực, tập trắng cho những bạn nhỏ khó khăn. Đặc biệt hơn, người tặng chính là các em khá giả - người đã góp yêu thương và tặng lại cho các bạn khó khăn.
Én Nhỏ chia sẻ thêm chị không muốn hướng các bé đến khuôn khổ chuẩn mực bằng những lời nói mang tính giáo điều, chị Thảo chỉ mong sao những "mầm non của tương lai" sẽ tự thực hiện hóa hành động nhân văn xuất phát từ ý nghĩ thật tâm chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó là giá trị đích thực mà cô giáo sinh năm 1986 muốn trao gửi cho các em.
Chứng kiến và đồng hành cùng từng "bước chân" của Huỳnh Thanh Thảo, bạn bè luôn dành cho cô gái Én Nhỏ 2 từ "nghị lực" vì dù cho phải đối mặt với sức khỏe và thể trạng kém may mắn hơn mọi người nhưng chị vẫn luôn cố gắng vận động học bổng cho các em khó khăn. Nhìn những gì chị Thảo làm, những người xung quanh như được truyền thêm rất nhiều động lực, tinh thần lạc quan để tiến về phía trước.
"Thế giới của tôi lung linh lắm!"
Men theo lối đi vào căn nhỏ nơi có những "hạt mầm yêu thương" luôn được vun vén, hầu hết những ai từng gặp gỡ và tiếp xúc với Huỳnh Thanh Thảo đều cho rằng chị là cô gái rất mạnh mẽ.
Thế nhưng, đối với chị, hình bóng của đấng sinh thành luôn hiện hữu trong tâm trí và trái tim của cô gái bị khiếm khuyết, họ là những người mạnh mẽ nhất. 40 năm qua, ba mẹ chị đã không ít lần phải "gồng" mình lên, dũng cảm để đối mặt với nỗi đau và dư luận xã hội.
Én Nhỏ nghị lực trải lòng rằng khi sinh ra một người con không được vẹn nguyên, chính ba mẹ là người đau lòng nhất. Vào khoảng thời gian 8 tháng tuổi, ba mẹ nhận biết con mình có sự bất thường và đưa con đi khám để chẩn đoán bệnh tình. Không nằm ngoài dự đoán, bác sĩ kết luận chị bị mắc chứng xương giòn.
Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, hơn ai hết, mẹ và cả ba là người hiểu rõ nhất hành trình đón thiên thần nhỏ chào đời và nuôi nấng lớn khôn chẳng hề dễ dàng, nay con bị khiếm khuyết, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
Tuy là thế nhưng chị Thảo rất may mắn vì ba mẹ đã chấp nhận đối mặt với những điều tiến để chăm nom chị, nuôi nấng chị trưởng thành. "Bản thân tôi hiểu sâu sắc điều đó và tôi lựa chọn hướng nhìn tích cực để hồi đáp lại những người đã không xem trọng ba mẹ mình. Chính vì thế, tôi luôn nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện bản thân và mong sao ba mẹ sẽ vơi đi nỗi buồn này", cô giáo "tí hon" tâm sự.
Chẳng có điều gì khiến Én Nhỏ chùn bước và sống trong những nỗi bận tâm vô hình. Là những trái tim kết nối, là những con tim đồng điệu, ắt hẳn khi trò chuyện cùng với chị, ai cũng sẽ cảm mến cô gái này bởi nguồn năng lượng tích cực và khiếu hài hước lạc quan.
"Trong giấy tờ, tôi là học sinh. Tôi làm đơn gia nhập vào Hội Da Cam, xin công nhận mình là người khuyết tật, chứ để vậy là tôi không có chịu đâu", chị Thảo dí dỏm chia sẻ.
Huỳnh Thanh Thảo vui vẻ kể thêm: "Mẹ tôi bật cười nói giấy tờ để mình là người bình thường thì nên mừng, tự nhiên đòi đổi thành người khuyết tật làm gì. Tôi mới nói với mẹ rằng nếu như bản thân đang khỏe mạnh bình thường mà để khuyết tật thì tôi không đồng ý. Nhưng với thực tế, tôi phải nhìn nhận chính mình có khiếm khuyết.
Tôi xin vào Hội Da Cam rồi tham gia hoạt động Đoàn. Tôi lăn xả với mọi hoạt động không phải dành cho người khuyết tật. Tôi tham gia Đoàn và làm bài thu hoạch như bao người nhưng mấy anh chị lại lo sợ cho sức khỏe của tôi không được đảm bảo. Thế là tôi nói rằng tôi sẽ chăm nom cho chính mình ổn thỏa.
Tôi cố gắng làm mọi việc để mong sao ba mẹ nhìn nhận đúng về mình và không còn thấy mặc cảm nữa. Khuyết tật đâu phải là mong muốn hay tội lỗi của ai, nếu không có sự lựa chọn khác thì mình tự lựa chọn cho chính cuộc đời của mình. Chỉ cần tử tế mà sống là đủ!".
Trong thế giới của một người phụ nữ nghị lực, quan niệm người bình thường làm được thì chị cũng sẽ làm được gần giống như họ bằng cách riêng của chị luôn được ưu tiên hàng đầu. Thấm đẫm nỗi đau nhiều lần gãy xương, Én Nhỏ buộc phải nằm bất động nhưng lòng cô luôn mở ra một thế giới của niềm vui, của sắc màu hạnh phúc.
"Những lần đó tôi sẽ nghe radio, nghe các bài hát và nhẩm hát theo và suy nghĩ tích cực. Không bao giờ tôi để mình rơi vào nỗi đau tôi đang mang, tôi sẽ lấn át bằng những cái khác. Người ta khuyên - tôi cũng nghe, khen - tôi cũng nghe, ghét - tôi cũng nghe nhưng mà tôi sẽ sàng lọc lại", chị Thảo bồi hồi kể lại.
Thế giới của chúng ta như thế nào? Màu sắc vẫn đủ đầy hay chỉ giản đơn một màu xám nhờ nhạt. Sẽ đôi lần chúng ta cảm thấy cô đơn trong chính không gian này, chẳng có nổi một người bạn để sẻ chia niềm vui hay nỗi buồn. "Hồi đó, tôi không có bạn", Én Nhỏ bộc bạch.
Thế giới của cô gái 65cm tưởng chừng như rất tẻ nhạt nhưng trong thế giới này "tôi vui lắm, vui theo cách của tôi". Người bạn đầu tiên và cũng là người bạn đặc biệt của chị là một chiếc radio được cậu Út mua tặng vào năm 1999. Thế giới của Thảo bỗng dưng khác đi, nhộn nhịp hơn, sống động hơn, yêu thương nhiều hơn nữa.
Huỳnh Thanh Thảo chia sẻ hồi xưa mỗi lần có chương trình trên các đài radio đều có mặt chị theo một cách không ai ngờ tới.
Én Nhỏ bày tỏ: "Hồi đó tôi không có bạn, mỗi lúc lên sóng đài tôi chỉ có cách tự tặng bài hát cho chính mình nhưng không thể nói Thảo tặng Thảo nên tôi nói rằng Huỳnh Thanh Thảo tặng cho bạn Én Nhỏ và tự ghi lời chúc cho mình. Lâu dần, thính giả nghe đài biết được hoàn cảnh, câu chuyện của tôi và từ đó tôi có nhiều bạn hơn, được kết nối nhiều hơn với các anh chị Biên Tập Viên và khán thính giả.
Thế giới của tôi lung linh lắm! Radio, những người bạn qua đài và sách báo đã góp phần làm nên Huỳnh Thanh Thảo như ngày hôm nay. Chính những hạt mầm này đã gieo sức sống cho Én Nhỏ ngày một phát triển".
Hành trình 38 năm bôn ba "sương gió" và 15 năm trao gửi yêu thương đến các em nhỏ của Huỳnh Thanh Thảo và thư viện mini Cô Ba chưa dừng lại ở đó và sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thật đẹp và những giá trị thật thơm cho đời.
Thương chúc Én Nhỏ vạn điều tốt đẹp nhất. Thế giới của chúng ta càng "lung linh" hơn khi có những "hạt mầm yêu thương" được gieo xuống và vun vén mỗi ngày.