Những công cụ AI như ChatGPT, Grammarly hay các phần mềm chuyên ngành như Westlaw Edge và Lexis đang giúp những người trẻ tiết kiệm thời gian, giảm khối lượng công việc và tự động hóa những nhiệm vụ lặp lại.
Abigail Carlos, một chiến lược gia truyền thông 26 tuổi làm việc tại Warner Bros. Discovery, chia sẻ rằng việc áp dụng AI giúp cô giảm một nửa khối lượng công việc. Từ việc phân công nhiệm vụ cho nhân viên, viết bài đăng trên mạng xã hội, cho đến chỉnh sửa hồ sơ LinkedIn, AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong công việc của cô.
Cô nói: "AI giúp tôi làm việc nhẹ nhàng nhưng vẫn hiệu quả, giúp tôi tập trung vào những công việc quan trọng hơn."

Tương tự, Monique Buksh, một sinh viên luật kiêm trợ lý pháp lý ở Australia cũng nhận thấy AI giúp cô tiết kiệm thời gian đáng kể. Buksh sử dụng các công cụ AI để tra cứu pháp lý, tìm kiếm án lệ, và soạn thảo tài liệu chính thức. Nhờ đó, cô có nhiều thời gian hơn để thảo luận chiến lược và phát triển kỹ năng chuyên môn.
Một khảo sát của Google năm 2024 cho thấy 93% người thuộc thế hệ Gen Z sử dụng ít nhất hai công cụ AI mỗi tuần. Họ không chỉ dùng AI cho công việc hành chính, mà còn áp dụng trong việc giải quyết vấn đề và sáng tạo nội dung.
Thế hệ này trưởng thành trong một thế giới công nghệ, do đó việc sử dụng AI đối với họ trở nên tự nhiên và dễ dàng hơn nhiều so với các thế hệ trước.
Những nghiên cứu mới cho thấy việc sử dụng AI ngày càng phổ biến ở môi trường làm việc, đặc biệt trong giới trẻ.
Theo báo cáo của Microsoft và LinkedIn, 71% nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên có kỹ năng sử dụng AI hơn là kinh nghiệm truyền thống. Các công ty đang tìm kiếm nhân viên không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà còn thành thạo công nghệ này, đặc biệt là ở các cấp thấp trong tổ chức.
Tuy nhiên, cũng có những lo ngại liên quan đến việc lạm dụng AI trong công việc. Một khảo sát từ TalentLMS cho thấy, 40% Gen Z thừa nhận rằng việc quá phụ thuộc vào AI có thể khiến họ bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ công việc thực tế. Ngoài ra, có những nghiên cứu cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào AI có thể làm giảm khả năng tư duy phản biện và giảm kỹ năng giao tiếp giữa người với người.
Chuyên gia Erica Keswin cho biết, trong đại dịch, nhiều nhân viên Gen Z đã không có cơ hội trao đổi trực tiếp với cấp trên và đã chuyển sang sử dụng AI để giải đáp các thắc mắc. Điều này tạo ra một sự thiếu hụt trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp và khả năng linh hoạt trong công việc.
Deborah Golden, giám đốc đổi mới sáng tạo tại Deloitte cũng nhận định rằng dù AI có thể giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác và sáng tạo giữa con người với nhau. Cô khuyên các công ty và nhân viên nên biết khi nào cần tận dụng AI và khi nào cần sự can thiệp trực tiếp của con người để duy trì sự linh hoạt và phát triển kỹ năng mềm.