Nhân Ngày Quốc tế bảo vệ Voi 12/8, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đã trồng xong những cây cuối cùng trong tổng số hơn 8.540 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 17ha rừng nghèo kiệt tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.
Đây là nỗ lực nhằm bảo vệ một trong những quần thể Voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam. Hoạt động trồng rừng cũng góp phần cải thiện chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của người dân miền Đông Nam Bộ nói chung, người dân TPHCM nói riêng. Voi - loài động vật trên cạn lớn nhất hiện nay, đang đứng bên bờ tuyệt chủng.
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, cả nước hiện chỉ còn khoảng 50-100 cá thể Voi hoang dã sinh sống trong các khu rừng ngoài thiên nhiên. Trong đó, tại Đồng Nai còn một quần thể Voi lớn nhất Việt Nam với số lượng là khoảng 16-21 cá thể. Sự suy giảm diện tích và chất lượng rừng, nạn săn bắt, tiêu thụ trái phép đã đẩy loài Voi đến bờ tuyệt chủng. Trên thế giới, trong vòng 10 năm qua, số lượng cá thể Voi hoang dã đã giảm tới 62%. Voi có thể bị tuyệt chủng trong thập kỷ tới nếu chúng ta không hành động.
Trong suốt mùa hè này, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng 8.500 cây gỗ bản địa giúp phục hồi 17ha rừng nghèo tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai thuộc Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu người dân tại TPHCM và các tinh Miền Đông Nam Bộ. Rừng Đồng Nai còn là nơi sinh sống của một trong những quần thể Voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam. Việc trồng làm giàu rừng Đồng Nai giúp cải thiện chức năng sinh thái rừng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, cải thiện năng suất mùa vụ, tăng cường sức khỏe, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo môi trường sống an toàn cho Voi và các loài động vật hoang dã quý hiếm như Bò tót, Hồng hoàng...và đặc biệt là tạo ra nguồn tài nguyên dự trữ cho tương lai.
Hơn 8.500 cây thuộc 10 loài cây gỗ lớn bản địa gồm: Chiêu liêu, Dâu da, Ươi, Dầu, Gõ đỏ, Bằng lăng, Huỷnh, Sao đen, Cẩm lai, Muồng anh đào đã được trồng. Các khu rừng sẽ được Gaia chăm sóc, giám sát trong vòng 4 năm nhằm đảo bảo cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Báo cáo giám sát khu rừng sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị tài trợ khu rừng.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Hiếm có loài sinh vật nào lại tình cảm và thông minh như Voi. Trong rừng, Voi cũng là một trong những loài sinh vật chủ chốt, giúp duy trì các quá trình sinh thái ở rừng. Việc bảo vệ Voi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần duy trì sự phát triển bền vững và cân bằng của khu rừng, từ đó phát huy các chức năng sinh thái rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Gaia rất vui nhận được sự đồng hành tuyệt vời từ hơn 1700 người lớn, em nhỏ đến từ các gia đình, doanh nghiệp. Mỗi chuyến đi trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên cùng Gaia các nhân viên và gia đình doanh nghiệp còn thêm hiểu và yêu rừng, yêu cây hơn, từ đó khích lệ các sáng kiến lao động sản xuất thân thiện với môi trường cũng như lối sống xanh bền vững, vì một Việt Nam xanh hơn”.
Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng và phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Bạch Mã... đóng góp trực tiếp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chức năng sinh thái rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 và bảo tồn các loài hoang dã quý hiếm.