Cơ quan y tế đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa, trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 19/10 với hai học sinh lớp 7 có triệu chứng mắc bệnh thủy đậu. Đến ngày 21/10, số ca mắc trong lớp đã tăng lên 14 học sinh. Những em này đã được cho nghỉ học và cách ly tại nhà, đồng thời được cán bộ y tế hướng dẫn điều trị.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, cơ quan y tế địa phương đã tiến hành các biện pháp khử khuẩn môi trường học đường và tại nhà của các bệnh nhân để ngăn chặn sự lây lan của virus. CDC Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi, điều tra dịch tễ và giám sát chặt chẽ các ca bệnh để đảm bảo việc kiểm soát dịch không trở nên phức tạp hơn.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình, bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu thường dễ bị nhiễm nhất.
Bệnh lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus. Vì khả năng lây nhiễm cao, thủy đậu thường dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là trong môi trường học đường.
Bệnh thủy đậu thường thương lành tính nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại những di chứng lâu dài.
Đặc biệt, với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu, virus có thể truyền sang thai nhi, gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, bao gồm tình trạng thủy đậu bẩm sinh.
Hiện nay, CDC Quảng Bình khuyến cáo người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ em, cần chú trọng đến việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng ngừa lây nhiễm.
Khi có các triệu chứng như sốt cao, nổi mụn nước, đau nhức cơ thể, người dân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.