Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cấm điện thoại trong trường học, muộn còn hơn không!

VOH - Câu chuyện cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học vẫn còn rất “nóng”. Hai luồng ý kiến tranh luận giữa ủng hộ và không đồng tình tiếp tục diễn ra.

Đáng mừng khi có thêm nhiều trường đã gia nhập bên “cấm sóng”. Phụ huynh càng vui hơn bởi nhà trường giúp con mình bớt "nghiện" điện thoại, mất tập trung và ảnh hưởng xấu đến việc học.

Hiệu quả từ việc cấm điện thoại

Nhiều quốc gia khác đã cấm điện thoại từ lâu. Nước ta dù muộn cũng còn hơn không, hi vọng rồi đây trường học sẽ trở thành một “môi trường không điện thoại”.

Tại một số trường tạm “chia tay” với thiết bị di động, giờ ra chơi các em vui đùa cùng nhau, hoặc chơi những môn thể thao có tính vận động nhẹ. Đứng quây quần với nhau trên hành lang lúc trời mưa, “chém gió” trực tiếp mà không cần trợ giúp của điện thoại.

Nét hồn nhiên của tuổi học trò trở lại thật đáng yêu, nhờ ban giám hiệu của trường quyết liệt “nói không” với điện thoại.

dien-thoai-071024
Trường THCS Lương Định Của thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh - Ảnh: Hà Hương

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) cho biết: “Những tiết học cần sử dụng đến điện thoại thông minh, giáo viên sẽ thông báo trước và học sinh được dùng điện thoại trong tiết học này. Giờ giải lao, sân trường nhộn nhịp nhờ những trò chơi vận động thể chất bổ ích, lành mạnh thu hút đông đảo học sinh tham gia”.

Tại Trường THCS Hiệp Phú (TP Thủ Đức), khi không còn chiếc điện thoại “cám dỗ” bên cạnh, các em tập trung vào những hoạt động tập thể sôi nổi, vui nhộn.

Ông Bùi Văn Thương – một phụ huynh tại phường Hiệp Phú vui vẻ cho biết: “Con tôi đang học lớp 8 trường này, nhờ không sử dụng điện thoại trong trường nên cháu đã hình thành thói quen tốt, siêng năng đọc sách, tham gia các môn thể thao phù hợp”.

Em Phạm Phúc Nhã - học lớp 7A1, Trường THCS Long Trường, TP Thủ Đức bày tỏ: “Chúng em có nhiều thời gian để sinh hoạt tập thể cùng nhau. Vừa giúp thư giãn tinh thần, lại vừa tăng cường sự giao tiếp, giúp thắt chặt tình bạn”.

Tại các trường nội trú, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại một khoảng thời gian ngắn, sau khi ôn bài buổi tối đến trước giờ đi ngủ. Có người nhận xét giống như môi trường quân ngũ cũng không sai. Kết quả học tập mới là cơ sở để chứng minh thuyết phục nhất.

Mới đây, em Nguyễn Kim Ngân (Bình Dương) - học sinh trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông - một ngôi trường nội trú tại TPHCM đã trở thành thủ khoa đầu vào của trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), với điểm trúng tuyển phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT khối A1 là 29,05.

Ngân cho biết, trường có quy định chỉ được dùng điện thoại vào cuối tuần, do đó, suốt 3 năm học học nội trú, Ngân rất ít dùng điện thoại hay mạng xã hội. Nhờ đó, Ngân có ‘toàn thời gian’ cho việc học ở lớp và tự học.

Kết quả, nhờ trở thành thủ khoa đầu vào, Ngân nhận được học bổng toàn phần của trường Đại học Quốc tế, điều mà Ngân vô cùng hạnh phúc vì ‘giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho ba mẹ của em’.

Cho tới nay, nhiều giáo viên và phụ huynh đều có nhận xét tương đồng nhau về những mặt tích cực từ nỗ lực “cai” điện thoại. Trên lớp các em tập trung hơn, thời gian dành cho smartphone trước đây giờ đã được đầu tư cho học tập. Tìm tòi, nghiên cứu và tăng cường độ tương tác nên tư duy đã cải thiện đáng kể.

Tâm sự trực tiếp và vui chơi với nhau, còn giúp học sinh thắt chặt tình đoàn kết. Các em quan tâm đến bạn bè nhiều hơn và sống có trách nhiệm hơn. Điều mà thế giới “ảo” không thể so sánh được.

Cần nhân rộng việc ‘cấm điện thoại’ trong trường học

Hiện nay, không ít trường quản lý lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng học sinh “dán mắt” vào điện thoại trong giờ học.

Thật khó thông cảm khi trong hội trường hay lớp học, cảnh “trên nói dưới lướt mạng” vẫn diễn ra, dù trước đó bộ phận phụ trách chương trình đều đã quán triệt, nhắc nhở.

Có trường học còn làm gắt hơn khi tạm giữ điện thoại hoặc bảng tên, cuối ngày, học sinh - sinh viên ở lại để giải trình. Hôm sau tái phạm sẽ bị mời ra khỏi lớp và tất nhiên không có tên ở phần điểm danh.

dien-thoai-071024-1
Học sinh dùng điện thoại trong giờ học ở trường sẽ bị phân tâm, giảm tương tác với môi trường xung quanh.

Khi không ‘cấm điện thoại’, giờ giải lao, học sinh - sinh viên đứng túm năm, tụm ba khá đông dọc lối đi, nhưng không khí rất “im lặng”, không nói chuyện với nhau vì ai cũng mải mê “lang thang” trên mạng.

Lạm dụng công nghệ số đã khiến người ta quên đi cả hai chữ xã giao. Điều nghịch lý nằm ở thư viện của trường rất rộng rãi, mát mẻ song chẳng mấy người vào đọc sách.

Do đó, việc dụng hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học là cần thiết, không chỉ với học sinh phổ thông, mà còn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề.

Việc ‘cất’ điện thoại trong 45 phút không phải quá dài. Đối với các tiết học chú trọng trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và học sinh, sẽ không cần đến sự hiện diện của điện thoại. Học sinh sẽ không bị chi phối, phân tán suy nghĩ, giáo viên cũng có thêm động lực và hạnh phúc khi thấy mình được tôn trọng.

Bình luận