Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nạn nhân bị bạo lực học đường dễ có nguy cơ tự tử

(VOH) - Một nghiên cứu mới được đưa ra ngày 5/3 cho biết, những học sinh từng bị bạo lực trong những năm đi học có nguy cơ tự tử cao hơn so với học sinh không bị bạo lực.

Một nhóm nghiên cứu chung do Giáo sư Park Ae-ri tại Đại học Quốc gia Sunchon và Giáo sư Kim Yu-na tại Đại học Yuhan đứng đầu đã chỉ ra rằng, những sinh viên đại học từng trải qua bạo lực học đường có khả năng tự tử cao gấp 2,6 lần so với những sinh viên chưa từng bị bạo lực học đường.

bạo lực học đường
Hình ảnh trong bộ phim “The Glory”  - xoay quanh nhân vật nữ bị bạo lực tàn khốc thời niên thiếu và cô có ý định trả thù những người đã lạm dụng mình. (Netflix)

Phát hiện này được đưa ra trong một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 9/2020, dựa trên 1.030 người tham gia trong độ tuổi từ 19 - 27. Trong số đó có 516 nam và 514 nữ. 

Những người tham gia được hỏi liệu họ có từng chịu bất kỳ hình thức bạo lực học đường nào từ bạn học trong những năm học tiểu học/trung học và liệu họ đã từng cân nhắc hoặc có ý định tự tử hay chưa.

Bạo lực học đường được nhóm nghiên cứu định nghĩa là bất kỳ hành vi tấn công hoặc quấy rối thân thể nào giữa các học sinh hoặc do học sinh nhắm vào bạn học của mình (bao gồm tống tiền, tấn công tâm lý, trêu chọc hoặc chế nhạo bạn bè đồng trang lứa…).

Đọc thêm: Bạo lực học đường - giải pháp sư phạm hay luật?

Nghiên cứu cho thấy, 34% những người tham gia cho biết họ đã từng bị bạn bè đồng trang lứa lạm dụng bằng lời nói, bắt nạt và bạo lực thể xác trong những năm thơ ấu.

Trong số những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường, 54,4% nói rằng họ đã từng cân nhắc đến việc tự tử trong khi 13% trả lời rằng họ đã từng cố gắng tự kết liễu đời mình.

Đối với 677 người tham gia nghiên cứu chưa từng bị bạo lực hoặc bị bắt nạt, 36,2% cho biết từng có ý định tự tử, trong khi 5,2% (35 người tham gia) cho biết đã từng cố tự tử. Điều này cho thấy tỷ lệ có hành vi tự tử thấp hơn so với những người không từng bị bắt nạt hoặc bạo lực học đường.

Nghiên cứu cũng cho thấy, bất kỳ hình thức bạo lực hay bắt nạt học đường nào cũng có thể góp phần khiến nạn nhân bị trầm cảm nặng.

Tại Hàn Quốc, thủ phạm bạo lực học đường dưới 14 tuổi không bị xử lý hình sự theo Luật hình sự; những người từ 10 đến 14 tuổi có thể được bảo vệ theo Đạo luật vị thành niên.

The Glory (Vinh quang trong thù hận) là phim trực tuyến mới nhất của một trong những ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc, Song Hye Kyo. Phim gồm 8 tập, đang đứng đầu Netflix Việt Nam về số lượt xem.

The Glory gây sốt vì chủ đề nhức nhối - bạo lực học đường. Một số tình tiết của The Glory được biên kịch Kim Eun Sook viết ra dựa trên chuyện có thật ở Hàn Quốc năm 2006. Điều này càng tăng giá trị phản ánh xã hội của bộ phim.

Bình luận