Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quảng Ngãi: Sạt lở đe dọa nhà dân và trụ sở cơ quan, văn phòng, trường học

QUẢNG NGÃI - Các huyện miền núi Quảng Ngãi đang sống trong nỗi lo sạt lở đất, lũ quét. Không chỉ nhà dân mà nay trường học, trụ sở hành chính cũng đang đối mặt với nguy cơ mưa lũ.

Hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở

Theo thống kê rà soát, địa bàn 5 huyện miền núi có hơn 1.800 hộ dân với hơn 7.300 nhân khẩu đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất và thiên tai.

Sạt lở núi, khiến nhiều cơ quan Nhà nước ở huyện Sơn Tây bị hư hỏng nghiêm trọng
Sạt lở núi, khiến nhiều cơ quan hành chính ở huyện Sơn Tây bị hư hỏng nghiêm trọng

Tại huyện miền núi Sơn Hà, hiện có 2 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi. Những điểm sạt lở này đang đe dọa trực tiếp trường học, nhà ở, cũng như tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão.

Theo cơ quan chức năng ở huyện Sơn Hà, sau các đợt mưa lớn gần đây, ngọn núi Mang Kà Muồng tại thôn Nước Tang xuất hiện một vết nứt dài khoảng 60m. Vết nứt này nằm ở độ cao 30m và cách khu dân cư chỉ 50m. Nếu xảy ra sạt lở, khoảng 1.500m³ đất đá có thể vùi lấp tuyến đường ĐH77, đe dọa khu dân cư, trường mầm non và công trình nhà văn hóa thôn Nước Tang.

Thời gian gần đây, vết nứt ở núi Mang Kà Muồng ngày càng sâu hơn, bà con rất sợ, đặc biệt là vào mùa tựu trường, học sinh đi học trở lại.

Theo kiểm tra của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi nhận định, vết nứt ở núi Mang Kà Muồng đang có dấu hiệu lan rộng. Trước mắt, khi có mưa bão, UBND xã Sơn Bao sẽ tổ chức di dời học sinh Trường mầm non Hướng Dương (nằm dưới chân núi) đến nơi an toàn, đồng thời vận động người dân sơ tán sang nhà dân an toàn hơn trong thời gian có bão, mưa lớn.

Đến cả cơ quan, trụ sở, văn phòng hành chính cũng bị sạt lở đe dọa

Trong giai đoạn 2011-2016, nhiều công trình và trụ sở hành chính mới tại huyện Sơn Tây được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, mỗi khi mùa mưa đến, lượng đất đá từ ngọn núi phía sau liên tục tràn xuống, đe dọa các trụ sở như Liên đoàn Lao động huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nhà công vụ.

Tại LĐLĐ huyện Sơn Tây bị thiệt hại nặng nhất, đất đá từ ngọn núi phía sau đã trôi vào phòng làm việc, sân, nhà giữ xe, nhà vệ sinh…

Lãnh đạo LĐLĐ huyện Sơn Tây - cho biết: “Trụ sở cơ quan được khởi công vào năm 2015 và đưa vào sử dụng năm 2016. Do cơ quan nằm ngay dưới chân ngọn núi cao, vào mùa mưa, sạt lở núi rất nghiêm trọng, đất đá cuốn vào cơ quan với khối lượng rất lớn. Có 3 phòng làm việc bị đất tràn vào, riêng nhà vệ sinh đã không sử dụng được suốt 3 năm qua vì bị đất vùi lấp”.

Tình trạng sạt lở không chỉ gây hư hại cơ sở vật chất các cơ quan mà còn khiến các cán bộ, công chức và người lao động tại đây vô cùng lo lắng, bởi ngọn núi phía sau có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, đặc biệt khi mưa lớn kéo dài.

Năm 2018, UBND huyện Sơn Tây bổ sung 10 tỉ đồng để giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện khẩn cấp việc kè chống sạt lở các cơ quan khu vực trung tâm hành chính.

Dù đã xây dựng kè, gia cố bằng rọ đá, đào bạt mái taluy giảm tải và xây dựng hệ thống mương, cống thoát nước, tình trạng sạt lở vẫn không ngừng tái diễn vào mùa mưa. Nhiều đoạn mái taluy đã bị bể nát do đất sạt trôi. Ngọn núi cao phía sau các cơ quan này có nền đất yếu, tơi xốp, làm cho việc kiểm soát sạt lở càng trở nên khó khăn.

Lãnh đạo UBND huyện Sơn Tây - cho biết: “Mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Sơn Tây xác định khu vực núi có 5 cơ quan Nhà nước đang làm việc nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao. Vì vậy, khi có mưa lớn, toàn bộ cán bộ của các cơ quan này sẽ di chuyển về trụ sở cũ để làm việc. Khi nền địa chất tại khu vực sạt lở ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành trồng cây để chống sạt lở, điều này sẽ hiệu quả hơn”.

Bình luận