Chờ...

Xe đạp đi vào làn đường ô tô sẽ bị xử lý như thế nào?

VOH - Đạp xe đang dần trở thành môn thể thao ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên nhiều người đạp xe lại "lờ đi" các quy định giao thông.

Các hội nhóm đạp xe ngày càng xuất hiện nhiều, thu hút đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi tham gia.

Từ hoạt động nhỏ lẻ vài ba người, hiện tại đã hình thành các nhóm đạp xe lên đến vài chục người. Thời gian hoạt động luyện tập của các nhóm này thường là vào sáng sớm hoặc chiều tối.

phat-hang-loat-nguoi-di-xe-dap-vao-lan-o-to-tren-duong-vo-nguyen-giap-76b053d69f0d406b8acf004387f01e35
Nhiều người đạp xe quay đầu lại khi phát hiện CSGT - Nguồn: Vietnamnet

Khi luyện tập, do số lượng người tham gia khá động, các nhóm chọn các cung đường rộng rãi. Dần dần xuất hiện tình trạng nhiều nhóm đạp xe lấn vào làn đường cho ô tô, hay chạy cả lên cao tốc để không bị giao thông đông đúc cản trở.

Sự ngang nhiên vi phạm ngày càng phổ biến, thường xuyên thấy nhất ở TPHCM và Hà Nội, hai địa phương có phong trào đạp xe rầm rộ.

Một số đoạn đường các làn xe đều cho phép ôtô chạy vận tốc cao, dù vậy, nhiều “cua-rơ” vẫn thản nhiên đạp xe vào, vô tư đi ra giữa đường, thậm chí lạng lách, vượt đèn đỏ, dàn hàng 2, hàng 3 hết sức nguy hiểm. Có cả việc các tay đua nghiệp dư có hành vi ngang ngược, chặn đầu xe ô tô, buông lời lăng mạ, dọa nạt tài xế.

Những hành vi này thể hiện sự coi thường pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã nhiều xử lý và nhắc nhở, cảnh báo các trường hợp người đi xe đạp thể thao đi sai làn đường, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

csgt-1-795
Người điều khiển xe đạp thể thao lưu thông vào làn đường dành cho ô tô - Ảnh: PC08

Hành vi điều khiển xe đạp thể thao đi vào làn đường dành cho xe ô tô có quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm:

- Điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp máy.

- Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

- Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

- Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên.

- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Ngoài ra, theo quy định, người điều khiển xe đạp thể thao cũng sẽ bị xem là vi phạm và có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, nếu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường.

- Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô.

- Đi vào khu vực cấm; đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Việc tập luyện thể thao, trong đó có bộ môn đạp xe, rất đáng khuyến khích vì giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe, sự dẻo dai, giúp tinh thần sảng khoái, trí óc minh mẫn hơn. Tuy nhiên, việc rèn luyện thể thao cần đi kèm với đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định, luật lệ khác liên quan. Người đạp xe thể thao cần lưu ý tuân thủ các quy định giao thông. Điều này đảm bảo an toàn cho người lái xe và các phương tiện khác trên đường.

Người chơi cần hình thành ý thức và trách nhiệm cá nhân để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, cũng như xây dựng hình ảnh thể thao văn minh.