Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam. Các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới, nên nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe doạ. Bên cạnh đó, năm nay, với các tỉnh thành phía Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, thì sốt xuất huyết rất đáng lo ngại dù mưa vẫn chưa rộ mùa. Khả năng một mùa dịch sốt xuất huyết xảy đến, tình hình sẽ còn rất phức tạp, đe dọa sức khỏe từ trẻ nhỏ cho đến người lớn, kể cả nhóm người nguy cơ cao.
Trong bối cảnh các nước trong đó có các quốc gia khu vực Châu Á đang gia tăng số ca mắc do biến thể phụ BA.5 thì tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã tăng cường các biện pháp giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi tình hình sốt xuất huyết vẫn còn đang nóng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì nỗi lo càng lớn trong bối cảnh Covid hiện hữu, đặc biệt là sự xuất hiện các biến thể phụ của Omiron lây lan nhanh hơn.
Sốt xuất huyết dù là dịch bệnh thường quy, xảy ra theo chu kỳ nhất là khi mùa mưa đến, tuy nhiên, năm nay sốt xuất huyết đã diễn tiến rất đáng ngại. Điều này đã được các bác sĩ chuyên về ngành nhiễm cảm thấy bất thường, khi năm nay có sự đột biến về số ca, về các trường hợp nặng. Đúng như dự báo của các chuyên gia, khi năm nay bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh D2, sẽ tương ứng với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng tăng, số tử vong tăng. Và khi so sánh, đối chiếu số liệu về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay thật sự báo động. Nếu so với cùng kỳ, tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn 210%. Số trường hợp tử vong cũng tăng đáng ngại, trong đó có cả trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố Khóa X, Giám đốc Sở Y tế Thành phố - Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng - đã bày tỏ nỗi lo, trước nguy cơ có thể xảy ra dịch chồng dịch. Ngành y tế nhận định, tuy dịch Covid-19 đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua, tuy nhiên do các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới, nên nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe doạ tiềm tàng. Và trong bối cảnh các biến thể phụ xuất hiện, thì dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang bùng phát mạnh ở phía Nam trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh khi số mắc và tử vong tiếp tục tăng.
Trước tình hình này, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch. Theo Sở Y tế, giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định cả 2 dịch bệnh này đều có giải pháp phòng ngừa, vấn đề là làm thế nào công tác phòng chống dịch cần được triển khai quyết liệt hơn, bền bỉ hơn, đồng bộ hơn. Cụ thể là cần đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại gồm mũi 3 và mũi 4. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin đến từng hộ gia đình, ngành y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học... và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Thứ hai đó là cần triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết. Đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn cách phòng chống sốt xuất huyết đến từng hộ gia đình.Cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết, và rất cần phát huy bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Thành phố đối với Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19 áp dụng vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Thứ ba về hệ thống điều trị, sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết. Và sau cùng, giải pháp thứ tư, đó là sẵn sàng tái hiện các bài học kinh nghiệm về tính sáng tạo và hiệu quả trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố khi cần thiết.
Có thể thấy, trong các giải pháp đưa ra, để thực hiện đạt hiệu quả thực sự thì rất trông chờ vào sự ý thức, phối hợp từ phía người dân. Bởi vì như chúng ta thấy, để tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 và mũi 4 đạt mục tiêu, cũng như làm sao công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng hiệu quả, thì ngành y tế không giữ vai trò quyết định mà đó là sự chung tay, trách nhiệm từ cộng đồng. Phải có sự phối hợp, thực hiện một cách đồng bộ, triệt để thì mới có thể hoàn thành được hai mục tiêu này. Trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm của mỗi người giữ một vai trò vô cùng quan trọng hỗ trợ cùng ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng cùng lúc nhiều dịch bệnh ập đến. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phương châm này luôn rất hữu ích khi chúng ta nhận diện vấn đề một cách căn cơ, thấy được những rủi ro phía trước có thể xảy đến, từ đó quyết tâm hành động, chung tay kiểm soát, ngăn ngừa không cho dịch bùng phát.