Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science.
Hóa thạch này được ngư dân phát hiện khi đánh bắt cá tại eo biển Bành Hồ và được cho là hóa thạch hoàn chỉnh nhất từng được xác định thuộc về loài người Denisovan.
Giáo sư Enrico Cappellini từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đồng tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, dù một mẫu xương hàm của người Denisovan đã được phát hiện trước đó tại Tây Tạng, phát hiện mới nhất đã củng cố thêm bằng chứng về đặc điểm xương hàm nổi bật cùng hàm răng khổng lồ của loài người cổ này.
Ông Cappellini nhận định: “Giờ đây chúng ta đã có hình ảnh đầy đủ hơn. Tất nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nếu có cả hóa thạch hộp sọ và các phần còn lại của bộ xương, nhưng đây vẫn là một bước tiến đáng kể”.

Việc xác định niên đại hóa thạch gặp nhiều khó khăn do không thể sử dụng các phương pháp truyền thống. Các nhà khoa học ước tính, mẫu vật hóa thạch này thuộc về một trong hai thời kỳ băng hà mà khi đó eo biển Bành Hồ từng nằm trên mực nước biển, trong khoảng 10.000 đến 70.000 năm trước hoặc từ 130.000 đến 190.000 năm trước.
Dù các nhà khoa học không thể tách chiết ADN từ mẫu vật, họ đã thành công trong việc chiết xuất protein, từ đó giải trình tự và xác định chính xác rằng hóa thạch này thuộc nhánh người Denisovan trong cây tiến hóa loài người.
Các đoạn protein trong men răng liên quan đến nhiễm sắc thể Y, cho thấy cá thể này là nam giới.
Ông Takumi Tsutaya, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Sokendai (Nhật Bản), đồng tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, dù nhóm nghiên cứu chỉ có thể ước tính hình dạng xương hàm và răng của người Denisovan từ kết quả của nghiên cứu này, nhưng nhóm có thể khẳng định rằng, xương hàm của cá thể nam Denisovan này rất chắc khỏe, còn răng hàm thì lớn hơn so với người Neanderthal và người hiện đại Homo sapiens.
Người Denisovan cho đến nay vẫn là một bí ẩn lớn của ngành nhân chủng học, khi các bằng chứng về họ chủ yếu chỉ là những mẫu xương và răng rời rạc, chưa từng có bộ xương hoàn chỉnh nào được phát hiện. Vì vậy, mỗi hóa thạch mới được xác nhận đều đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ hình dáng cũng như môi trường sinh sống của loài người cổ này.
Cho đến nay, các hóa thạch của người Denisovan đã được xác nhận tại 3 địa điểm, bao gồm phần xương hàm thu được tại eo biển Bành Hồ (Đài Loan), răng và mảnh xương ngón tay nhỏ từ một hang động tại Siberia (Nga), cùng xương hàm và mảnh xương sườn tại hang đá vôi Baishiya trên cao nguyên Tây Tạng (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), nơi nhiệt độ có thể xuống tới -30 độ C.
Ngoài ra, một chiếc răng hàm được tìm thấy tại hang Cobra ở Lào cũng được cho là thuộc về người Denisovan, dựa trên đặc điểm hình thái.
Ông Cappellini nhận xét rằng, đây là những môi trường khí hậu hoàn toàn khác biệt, từ môi trường lạnh giá ở Siberia đến độ cao khắc nghiệt ở Tây Tạng. Ông cho biết, dù chưa thể đưa ra kết luận về khả năng nhận thức của người Denisovan, nhưng rõ ràng họ có thể thích nghi với nhiều điều kiện sống đa dạng.