Theo NASA, xác suất va chạm hiện tại là 3,1%, tương đương 1/32. Mặc dù tỷ lệ này không cao, nhưng nếu xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, được so sánh với sự kiện tiểu hành tinh khiến khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm.
Thiên thạch 2024 YR4 được phát hiện vào ngày 27/12/2024 và đang được theo dõi chặt chẽ. NASA ước tính kích thước của nó từ 40 đến 90 mét. Dựa trên tính toán hiện tại, thiên thạch này có thể va chạm với Trái Đất vào ngày 22/12/2032.
Ngày 27/1, NASA đã đưa 2024 YR4 vào danh sách nguy cơ sau khi xác suất va chạm vượt 1%, kích hoạt cảnh báo từ Mạng lưới cảnh báo Tiểu hành tinh Quốc tế (IAWN).
Hành lang rủi ro bao gồm các khu vực như Đông Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Biển Arap, châu Phi, Nam Á và một phần Nam Mỹ. Những nơi này tập trung nhiều đô thị lớn như Mumbai, Chennai, Lagos và Bogotá. Nếu va chạm xảy ra, vụ nổ sẽ tương đương 7,7 megaton thuốc nổ TNT, tạo ra một hố sâu 914 mét và gây thiệt hại khủng khiếp.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, dù xác suất va chạm tăng, hiện tại chưa cần đưa ra cảnh báo khẩn cấp. Cộng đồng thiên văn học toàn cầu đang theo dõi sát sao tình hình. Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ được điều chỉnh để quan sát thiên thạch 2024 YR4 trong tháng tới, cung cấp dữ liệu quan trọng về quỹ đạo của nó.
Nếu rủi ro vượt quá 10%, IAWN sẽ đưa ra cảnh báo chính thức, kêu gọi các quốc gia có lãnh thổ nằm trong khu vực nguy hiểm chuẩn bị ứng phó. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để đưa ra giải pháp phòng thủ kịp thời, đảm bảo an toàn cho Trái Đất.