Úc thành công tạo phôi chuột túi bằng thụ tinh trong ống nghiệm

ÚC - Các nhà khoa học Úc đã thành công tạo phôi chuột túi thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) lần đầu tiên, một bước tiến có thể hỗ trợ bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Nghiên cứu đã được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Công nghệ Phôi Quốc tế vào tháng trước và bản tóm tắt đã được công bố trên tạp chí Reproduction, Fertility and Development.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Queensland đã tạo ra phôi chuột túi xám phương Đông bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), một kỹ thuật phổ biến trong IVF ở người, trong đó một tinh trùng được tiêm trực tiếp vào trứng trưởng thành.

Tiến sĩ Andres Gambini, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, công nghệ này có thể giúp bảo tồn đa dạng di truyền của các loài thú có túi đang bị đe dọa, như gấu túi (koala), quỷ Tasmania và gấu túi mũi trần phương Bắc.

nha khoa hoc Uc (1)

Hai nhà khoa học Patricio D Palacios và Andres Gambini từ Đại học Queensland. - Ảnh: The Guardian.

Đến nay, nhóm đã tạo ra hơn 20 phôi chuột túi bằng phương pháp ICSI, thu thập tinh trùng và trứng từ những con chuột túi chết gần đây tại các bệnh viện động vật hoang dã.

Theo ông Gambini, chuột túi xám phương Đông là loài phù hợp để thử nghiệm IVF do nguồn vật liệu di truyền dồi dào, quần thể của chúng vẫn duy trì số lượng lớn, thậm chí dư thừa ở một số khu vực.

Khác với thụ tinh nhân tạo, ICSI không yêu cầu số lượng lớn tinh trùng còn sống. Điều này đặc biệt quan trọng với những loài như gấu túi, khi tinh trùng của chúng suy giảm chất lượng sau khi đông lạnh.

Ông Gambini cũng khẳng định, nhóm nghiên cứu chưa có kế hoạch tạo ra chuột túi con từ phôi IVF, do số lượng loài này vẫn dồi dào, nhưng sẽ tập trung hoàn thiện công nghệ, hiểu rõ hơn về sinh lý sinh sản để áp dụng phương pháp này cho các loài thú có túi khác.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng, mẫu di truyền từ những động vật chết vì bị săn mồi, bệnh tật hoặc va chạm với xe cộ có thể được lưu trữ dưới dạng phôi đông lạnh, từ đó mở ra cơ hội cho các nhà bảo tồn đưa sự đa dạng di truyền vào các hệ sinh thái.

Tiến sĩ Gambini cho biết: "Chúng ta cần sự biến đổi di truyền trong một quần thể để đảm bảo quần thể đó tồn tại lâu dài và có thể thích nghi với môi trường".

Ông cũng nhấn mạnh rằng, phương pháp IVF sẽ không phải là giải pháp duy nhất để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, mà chỉ là "một công cụ bổ sung trong bộ công cụ bảo tồn" của các nhà nghiên cứu, bên cạnh những phương pháp như giám sát quần thể, quản lý sinh sản và bảo vệ môi trường sống.

Úc được mô tả là quốc gia dẫn đầu thế giới về tình trạng tuyệt chủng các loài động vật có vú, với 38 loài đã biến mất kể từ khi bị thực dân hóa.

Bình luận