Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đạp xe đạp có tác dụng gì cho sức khỏe?

(VOH) - Một trong những môn thể thao dễ tập và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe đó là đạp xe đạp. Dưới đây là những tác dụng của việc đạp xe đạp buổi sáng mỗi ngày.

Đạp xe đạp là môn thể dục được nhiều người lựa chọn và thực hiện để rèn luyện thân thể. Có thể nói, đây là lựa chọn hữu ích để bạn khởi động một ngày mới khỏe mạnh. Vậy đạp xe đạp có lợi ích gì?

1. Đạp xe đạp có tác dụng gì?

Tác dụng của đạp xe đạp không chỉ giúp hình thành cơ bắp, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng tuần hoàn máu mà còn giúp bạn giảm stress hiệu quả. Từ trẻ em đến người cao tuổi đều có thể đi xe đạp để tăng cường sức khỏe.

Dưới đây là những lợi ích của đạp xe đạp mỗi ngày:

dap-xe-dap-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-1

Tăng cường sức khỏe cho cả gia đình bằng cách đạp xe đạp mỗi ngày (Nguồn: Internet)

1.1 Củng cố xương và cơ

Thường xuyên đạp xe đạp sẽ giúp tăng cường cơ chân, các khớp hông và khớp gối. Khi các cơ bắp được thường xuyên hoạt động sẽ tăng cường sự dẻo dai và sức chịu đựng, từ đó giúp xương luôn chắc khỏe. Với tư thế đạp xe đúng cách sẽ kích thích các đốt sống ở lưng giúp giảm nguy cơ gây đau cột sống và cơ thắt lưng.

1.2 Giúp giảm cân hiệu quả

Một trong những tác dụng tuyệt vời của đạp xe đạp đó là đốt cháy năng lượng dư thừa nhanh chóng. Các chất béo trên toàn bộ cơ thể sẽ sớm được loại bỏ nhờ cholesterol xấu được giảm đáng kể, giúp cơ thể săn chắc và thon gọn hơn. Một giờ đạp xe có thể đốt cháy một lượng calo đáng kể.

1.3 Tăng cường sức khỏe tim mạch

Trong khi đạp xe, tim sẽ đập nhanh hơn tốc độ bình thường, giúp thúc đẩy tim khỏe mạnh vì tim bơm máu nhanh hơn, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe của tim.

1.4 Giảm căng thẳng

Nếu muốn giảm căng thẳng hãy thử đạp xe đạp mỗi ngày. Đạp xe đạp giúp ngừa căng thẳng, trầm cảm và lo lắng. Nếu tập thường xuyên có thể điều trị tình trạng sức khỏe tâm thần vì đạp xe mang lại niềm vui và hiệu quả tích cực cho cơ thể.

1.5 Giúp phòng ngừa ung thư

Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc đạp xe thể dục buổi sáng giúp bạn ngăn ngừa ung thư. Cụ thể tại Phần Lan, các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ những người đạp xe đạp thường xuyên sẽ giảm 30% nguy cơ ung thư, đặc biệt bệnh ung thư vú ở phụ nữ. 

1.6 Kiểm soát bệnh tiểu đường

Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị rất nhiều bệnh như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh về da, giảm thị lực, bệnh thận và rất nhiều bệnh khác. Tiểu đường có thể được kiểm soát bởi hoạt động thể lực, trong đó có đạp xe. Đạp xe có lợi cho bệnh nhân tiểu đường vì khi vận động, glucose trong các tế bào sẽ đốt cháy dần, glucose trong máu sẽ được các tế bào hấp thụ, chuyển hóa thành các năng lượng hữu ích.

1.7 Dễ ngủ hơn

Những nghiên cứu của trường đại học Georgia đã chỉ ra rằng: Khi tiến hành nghiên cứu những người tham gia đều cho thấy kết quả đáng mừng, những người càng đạp xe thường xuyên thì ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn.

Khi bạn đạp xe nghĩa là cơ thể bạn phải liên tục hoạt động. Điều này hoàn toàn có lợi vì khi đó, cơ thể sẽ tự sản xuất ra lượng lớn endorphin  - chất dẫn truyền thần kinh trong não có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, là chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, giúp giảm căng thẳng và làm chậm quá trình lão hóa.

dap-xe-dap-co-tac-dung-gi-cho-suc-khoe-voh-1

Đạp xe đạp mỗi ngày giúp bạn dễ ngủ hơn (Nguồn: Internet)

1.8 Tăng cường vận động của ruột

Đạp xe đạp là bài tập làm tăng tốc độ thở và nhịp tim, giúp kích thích sự co lại của cơ ruột và có thể giúp ngừa ung thư ruột.

Như vậy, với 8 tác dụng đạp xe đạp được kể trên, bạn có lý do để sắm cho mình một chiếc xe đạp và sẵn sàng tập luyện mỗi ngày.

2. Một số lưu ý khi đạp xe đạp tập thể dục

  • Uống nước trước khi luyện tập, nếu có thể, trước khi tập khoảng 1 – 2 tiếng, hãy ăn một bữa nhẹ để giúp cơ thể có đủ năng lượng cho buổi tập.
  • Thực hiện các bài tập khởi động để tránh căng cơ, sai khớp hay chấn thương không đáng có.
  • Chuẩn bị một bộ quần áo thể thao vừa vặn, thấm hút mồ hôi.
  • Trong khi đạp xem, cố gắng giữ được lưng thẳng nhưng thoải mái, đừng quá gồng mình hay gượng ép.
  • Hãy dành 10 phút đầu đạp nhẹ nhàng để khởi động và làm nóng cơ thể, giúp cơ thể có thời gian thích nghi với cường độ mạnh khi luyện tập.
  • Không nên đạp xe quá lâu (hơn 1 tiếng đồng hồ) vì sẽ gây hại cho sức khỏe. Do khi ngồi đạp xe lâu, các dây thần kinh bị chèn ép, máu không lưu thông được, gây tăng khả năng tắc nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến những hậu quả khó lường.
Bình luận