Một người mắc bệnh tiểu đường cho biết, mặc dù đã uống thuốc hạ đường huyết theo chỉ định của bác sĩ nhưng lượng đường trong máu luôn không ổn định và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
Chuyên gia dinh dưỡng sau khi tìm hiểu về lịch sử ăn uống và phát hiện ra rằng người này có ăn nhiều trái cây hàng ngày.
Chuyên gia dinh dưỡng đề nghị người này ngừng ăn trái cây, thay thế vào đó là ăn ớt chuông hay còn gọi là ớt ngọt, một loại rau xanh có chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và giúp ổn định đường huyết.
Sau khi nghe theo lời đề nghị của chuyên gia dinh dưỡng, lượng đường trong máu của người mắc bệnh tiểu đường này đã ổn định và không còn cảm thấy dễ mệt mỏi nữa.
Hãy cẩn thận với hàm lượng đường cao trong trái cây ngon ngọt
Lưu Thuần Quân, chuyên gia dinh dưỡng có nhiều năm kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, ngày nay công nghệ lai tạo giống cây trồng rất phát triển, nhân giống thành công nhiều loại trái cây rất ngon, hàm lượng đường của những trái cây này cũng tăng lên rất nhiều.
Do trái cây rất ngon ngọt, nên một số người ăn rất nhiều trái cây mà vô tình không nhận ra, khiến lượng đường trong máu của họ tăng cao. Đồng thời, kéo theo chất béo trung tính cũng sẽ tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến cholesterol, khiến việc kiểm soát “tam cao” bao gồm huyết áp cao, đường huyết cao và mỡ máu cao trở nên khó khăn hơn.
Chuyên gia Lưu Thuần Quân cho biết thêm, đặc biệt nhiều người có vấn đề về đường huyết mắc phải sai lầm khi cho rằng “ăn trái cây không ngọt lắm cũng không sao”.
Nhưng trên thực tế, có rất nhiều loại trái cây ăn vô không ngọt lắm nhưng lại chứa hàm lượng đường rất cao. Trong đó có ổi, thứ trái cây mà ai cũng cho là trái cây lành tính, ăn an toàn nhất, nhưng thực ra nó cũng là một trong những loại trái cây nguy hiểm nhất.
Chuyên gia Lưu Thuần Quân giải thích rằng, trước đây người ta nói ổi có hàm lượng đường thấp, chỉ có khoảng 5 gram đường trên 100 gram ổi, nhưng hiện nay có nhiều loại ổi cải tiến giống, đặc biệt là ổi Đài Loan, ổi trân châu ruột đỏ và nhiều loại khác nữa, có từ 6,8 đến 7 gram đường trên 100 gram ổi.
Mặc dù nghe ổi chứa hàm lượng đường có vẻ không cao, nhưng nhiều người ăn cả trái nặng 200 đến 300 gram mỗi lần thì tổng hàm lượng đường hấp thụ không hề thấp.
Chỉ một khẩu phần trái cây cũng có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên
Bởi vì trái cây có chứa đường, nói chung, chỉ cần 5 gram carbohydrate sẽ ảnh hưởng đến tăng lượng đường trong máu, và một khẩu phần trái cây có khoảng 60 calo và chứa 15 gram đường (hay còn gọi là carbohydrate), cho nên ăn một khẩu phần trái cây chắc chắn sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Nếu ngừng ăn trái cây từ 1 đến 2 ngày, lượng đường trong máu sẽ được cải thiện đáng kể.
Vì vậy, chuyên gia Lưu Thuần Quân thường khuyến cáo những bệnh nhân kiểm soát lượng đường trong máu kém trước tiên nên ngừng ăn trái cây và sau khi ngừng ăn trái cây trong 1 hoặc 2 ngày, lượng đường trong máu sẽ bắt đầu được cải thiện. Còn nếu như tiếp tục sau khi ngừng ăn trái cây từ 1 đến 2 tuần, sẽ giúp lượng đường trong máu ổn định hơn nhiều.
100 gram ớt chuông mỗi ngày sẽ hấp thụ đủ vitamin C cần thiết, giúp ổn định đường huyết
Lấy ớt chuông đỏ, vàng và xanh hay còn gọi là ớt ngọt làm ví dụ, hàm lượng vitamin C của chúng trung bình là 120 mg trên 100 gram. Theo khuyến nghị của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu vitamin C hàng ngày của mỗi người trên 12 tuổi là 100 mg, nghĩa là mỗi ngày mọi người chỉ cần ăn khoảng một trái ớt chuông cỡ nắm tay là hấp thụ đủ vitamin C cần thiết.
Trong đó, ớt chuông xanh có hàm lượng chất xơ rất cao, chứa 3 gram chất xơ trên 100 gram, ớt chuông đỏ và ớt chuông vàng có khoảng 2 gram chất xơ, chúng cũng rất giàu hàm lượng chất xơ. Chuyên gia dinh dưỡng đề nghị người bệnh tiểu đường ngừng ăn trái cây, thay thế vào đó là ăn ớt chuông, một loại rau xanh có chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giúp ổn định đường huyết.
Ngoài ra, ớt chuông rất giàu polyphenol, là thực phẩm rất tốt để nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong cơ thể. Chuyên gia Lưu Thuần Quân khuyến cáo, những bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường kém không nên ăn quá nhiều trái cây, nếu muốn ăn thì phải kiểm soát lượng trái cây ăn vào, chẳng hạn như chỉ nên ăn một khẩu phần trái cây tương đương nửa trái chuối, nửa chén nho (khoảng 13 trái), nửa chén trái kiwi...
Nếu lượng đường trong máu tiếp tục không ổn định và kiểm soát kém, ngoài việc uống thuốc đúng giờ, những người bị tiểu đường cũng có thể thử “ngừng ăn trái cây” để giúp ổn định lượng đường trong máu tốt hơn.