Chờ...

Phát triển bền vững: Tìm kiếm lăng kính phù hợp đánh giá hoạt động ESG của doanh nghiệp

VOH - Thiên nhiên tái sinh kỳ diệu nơi cánh rừng Net Zero đất Mũi; PTSC cần hơn 70.000 tỷ đồng đầu tư năng lượng tái tạo ngoài khơi

Thiên nhiên tái sinh kỳ diệu nơi cánh rừng Net Zero đất Mũi

Nằm sâu trong khu vực lõi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cánh rừng Net Zero Vinamilk do Vinamilk đồng hành cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau triển khai khoanh nuôi xúc tiến tái sinh từ tháng 8/2023. Dự án có diện tích 25 hecta, với mục tiêu tái sinh 100.000-250.000 cây xanh trong 6 năm (2023-2029).

Chưa đầy 9 tháng kể từ ngày dựng hàng rào khoanh nuôi, cánh rừng đã đón hơn 71.000 “cư dân” đầu tiên. Đó là những cây mắm đen nảy mầm từ hạt của những cây mắm “mẹ” rụng hồi tháng 8 năm ngoái.

Đến thời điểm hiện nay, hơn 71.000 cây mắm con đã mọc lên, cao 40-50cm. Ông Nguyễn Văn Sự, Trưởng phòng Khoa học Kĩ thuật và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, mật độ cây mắm tái sinh tại cánh rừng Net Zero Vinamilk khá dày. Đi thuyền từ xa, đã có thể dễ nhận ra khu vực cánh rừng Net Zero Vinamilk nhờ những đàn chim nhạn, chim cót… hàng trăm con bay lượn, náo nhiệt cả một khu vực.

Theo kinh nghiệm khoanh nuôi rừng ngập mặn nhiều năm qua, bà Huyền Đỗ - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết, đây là tín hiệu rất vui. Bởi các đàn chim, cò tìm về cho thấy thảm thực vật và hệ sinh vật rừng đang phát triển tốt.

Hàng năm, Vinamilk, Gaia và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ cùng triển khai các công tác như gia cố hàng rào khoanh nuôi, theo dõi sát sự phát triển của cây, phòng ngừa các rủi ro như dịch bệnh, thời tiết bất lợi… để đảm bảo sự tái sinh của cánh rừng đạt được mục tiêu đề ra sau 6 năm.

Chưa đầy 10 tháng từ ngày triển khai, hệ sinh thái nơi khoanh nuôi cánh rừng Net Zero Vinamilk tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã tái sinh một cách kì diệu. Bên trong hàng rào bảo vệ 25ha rừng, hơn 71.000 cây mắm con đã cao 40-50cm, trở thành bãi sinh sản cho tôm cá, thu hút những đàn chim cót, chim nhàn… trở về làm tổ.

Đây là một trong những hành động cụ thể của Vinamilk nhằm hướng đến mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050.

2

Báo cáo ESG: tìm kiếm lăng kính phù hợp đánh giá hoạt động ESG của doanh nghiệp

Đây là một phần của Diễn đàn ESG 2024 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), phối hợp với Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham (GGSC), Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững tổ chức, với chủ đề “Từ ý tưởng đến hành động”. Diễn đàn thu hút hơn 200 người, là doanh nghiệp và chuyên gia về phát triển bền vững, ESG trong nước và quốc tế.

Việc thực hành ESG được tích hợp vào các hoạt động vận hành kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, việc có một công cụ đánh giá và đo lường các hoạt động ESG hay rộng hơn là phát triển bền vững là rất quan trọng.

Tại buổi hội thảo, bà Allinnettes Go Adigue, Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương Tổ chức Global Reporting Initiative (GRI), chia sẻ hiện nay đã có một số bộ tiêu chuẩn đánh giá hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp trên quốc tế. Trong đó, có tiêu chuẩn GRI về báo cáo phát triển bền vững, các bộ tiêu chuẩn IFRS S1 và IFRS S2 của Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) và tiêu chuẩn Báo cáo Bền vững của Châu Âu (ESRS).

Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó Chủ tịch Tiểu Ban Phát triển Xanh GGSC của EuroCham, chia sẻ việc lập báo cáo phát triển bền vững ngày càng trở nên quan trọng tại các doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới và Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần minh bạch trong công bố thông tin cũng như nâng cao năng lực thu thập và xác minh dữ liệu, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin được cung cấp. Cùng với đó là cần sự chung tay phối hợp với các cơ quan quản lý, các định chế tài chính, các công ty kiểm toán trong việc thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện ESG và lập báo cáo phát triển bền vững.

PTSC cần hơn 70.000 tỷ đồng đầu tư năng lượng tái tạo ngoài khơi

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) lên kế hoạch tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2024 - 2030 lên tới 70.640 tỷ đồng.

PTSC định hướng sử dụng lượng vốn này để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, bao gồm làm tổng thầu EPC và tham gia phát triển điện gió ngoài khơi.

Thời gian qua, PTSC trúng nhiều gói thầu lớn thuộc chuỗi dự án phát triển mỏ khí Lô B, các dự án chế tạo chân đế điện gió, trạm biến áp ngoài khơi thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi; tham gia chào thầu đối với các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi.

3

Không phải thiếu năng lượng, IEA cảnh báo thế giới sẽ “ngập” trong “dầu thừa” chỉ trong vài năm nữa

IEA nêu chi tiết trong báo cáo thị trường dầu mỏ trong trung hạn, lượng năng lượng dư thừa – không được sử dụng do đã đủ nguồn cung, có thể tăng trong những năm tới đến mức tương đương với thời kỳ đại dịch.

Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và bắt đầu giảm vào năm sau đó, đạt 105,4 triệu thùng/ngày vào năm 2030, khi việc triển khai công nghệ khai thác năng lượng sạch đã được tăng tốc. Trong khi đó, công suất sản xuất dầu dự kiến sẽ tăng lên gần 113,8 triệu thùng/ngày, được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất ở Mỹ và châu Mỹ.

Nhu cầu dầu trên toàn cầu vào năm 2030 vẫn được IEA dự báo tăng 3,2 triệu thùng/ngày kể từ năm 2023. Đà tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn từ các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổng nguồn cung dầu hiện nay dự kiến sẽ cao hơn, đạt mức trung bình 102,9 triệu thùng/ngày trong năm nay và 104,7 triệu thùng/ngày vào năm sau. Các quốc gia không thuộc OPEC+ vẫn có khả năng dẫn đầu về nguồn cung toàn cầu, khi sản lượng dự kiến tăng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

Sản lượng của OPEC+ dự kiến giảm 740.000 thùng/ngày trong năm nay nếu nhóm này tiếp tục cắt giảm sản lượng và sau đó tăng thêm 320.000 thùng vào năm tới.