Lý do được đưa ra là nhu cầu mua hàng từ bên ngoài tiếp tục yếu, khiến xuất khẩu không phục hồi như dự định. Điều này ảnh hưởng tới lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và việc làm. Tuy nhiên, ADB nhận định kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sáng hơn.

Vậy năm 2023 này, kinh tế Việt Nam gặp thuận lợi và khó khăn gì? Đâu là điểm nghẽn và đâu là điểm sáng? Để giải đáp các câu hỏi trên, VOH có trao đổi với chuyên gia kinh tế độc lập Phan Thế Hải.
*VOH: Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 là 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023 là 3,22%. Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh giá cả thế giới biến động mạnh, chỉ số CPI như trên là tương đối hợp lý, đáng khích lệ. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Phan Thế Hải: Nếu nhìn tầm 10 năm trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng của nước ta thường khá cao. Có năm lên đến 18%, rồi 10% hoặc 9%. Hay các năm qua cũng trên dưới 4%. Bình quân 11 tháng đầu năm 2023 khoảng 3,22%, theo tôi là tương đối thấp. Chính phủ cũng đặt mục tiêu khoảng 4%. Điểm tích cực là giúp bình ổn giá cả, không biến động mạnh ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đây cũng là thành công của Chính phủ. Nhưng nó đồng thời phản ánh tình trạng người dân giữ tiền, chưa mua sắm và tiêu dùng nhiều. Hoặc người dân không có đủ tiền để mua sắm như các năm trước. Ngoài ra, nó cũng phản ánh điều báo chí đã nêu nhiều trong thời gian qua, là chúng ta chưa giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đề ra, dẫn đến sức mua của thị trường bị ảnh hưởng. Sức tiêu thụ hàng hóa tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP. Theo tôi, con số CPI vừa qua nói lên rằng, bên cạnh yếu tố tích cực, thì nền kinh tế chưa phục hồi đủ mạnh như mong muốn.
*VOH: Trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế, tương đương 68% so với năm 2019, lúc Covid-19 chưa bùng phát. Đây được xem là cơ bản thành công, đóng góp cho tăng trưởng GDP. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Phan Thế Hải: Những năm gần đây, nhất là trước khi Covid-19 bùng phát, du lịch là lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Việt Nam đang muốn học tập mô hình của Thái Lan, khi du lịch đóng góp trên dưới 30%. Năm 2022, bất chấp Covid-19 còn ảnh hưởng, du lịch cũng đóng góp tới 18% GDP cho xứ chùa vàng. Nếu so sánh số khách đến nước ta 11 tháng đầu năm 2023 với cùng kỳ năm 2019, thì rõ ràng là chưa đạt yêu cầu. Có những khách sạn ở Phú Quốc thời gian gần đây, công suất phòng chỉ đạt 30%. Như vậy nghĩa là rất nhiều cơ sở vật chất chưa tận dụng hết, du lịch chưa tạo ra đòn bẩy về việc làm. Tuy nhiên nếu nhìn tổng thể, thì con số 11,2 triệu lượt khách cũng chưa hẳn là thất bại. Chúng ta biết năm nay kinh tế nhiều nơi khó khăn, như châu Âu, Trung Quốc, hay Nhật Bản, dẫn đến số lượng người đi du lịch ít hơn. Hoặc khách du lịch nhất là từ châu Âu và Hoa Kỳ, có xu hướng ưu tiên các điểm đến ở gần, giảm đi tới những nơi xa như châu Á. Dù sao tôi cũng tin rằng, chúng ta còn rất nhiều điều cần làm nếu muốn cất cánh ngành du lịch.
*VOH: ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2%. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả 5,2% cũng khó đạt được. Thậm chí Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận, GDP 2023 chỉ khoảng 5%, tức thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Vậy theo ông, đâu là khó khăn chủ đạo?
Ông Phan Thế Hải: Theo tôi, dự báo của ADB và nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sát với thực tế. Một trong những trụ cột cho tăng trưởng GDP của nước ta là xuất khẩu. Tuy nhiên các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc đang gặp khó khăn. Hàng sản xuất nội bộ họ còn dùng không hết, dư thừa, nên giảm nhập khẩu là điều đương nhiên. Bên cạnh đó hai cuộc chiến ở Đông Âu và Gaza, khiến giá cả vận chuyển tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, kinh tế thế giới đảo lộn. Nhiều bạn hàng xuất nhập khẩu quan trọng của chúng ta nằm trong vòng xoáy đó. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công, chuyển đổi số, cải cách hành chính, hay nâng cấp cơ sở hạ tầng, chúng ta làm tương đối chậm. Tất cả đều kéo giảm tăng trưởng GDP.
*VOH: Trong 11 tháng đầu năm 2023, mặc dù xuất khẩu giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước (322,5 tỷ USD), nhưng thặng dư thương mại lại đạt hơn 25 tỷ USD. Điều này nói lên những điểm tích cực và tiêu cực gì của nền kinh tế thưa ông?
Ông Phan Thế Hải: Thặng dư thương mại là điểm tích cực hiếm hoi của nền kinh tế. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên dưới 30% cơ cấu GDP. Phần lớn là những đơn vị sản xuất hàng hóa tập trung vào xuất khẩu. Ngoài ra, chúng ta cũng mạnh trong một số ngành nghề cụ thể, như xuất khẩu nông sản. Do đó, thặng dư thương mại thời gian qua là điều hết sức bình thường.
Thặng dư thương mại giúp chúng ta nhiều lợi ích. Ví dụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra nhiều việc làm hơn và tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Số tiền này cũng có thể dùng để chủ động mua sản phẩm và dịch vụ mà nền kinh tế đang cần, đầu tư cơ sở hạ tầng hay trả nợ nước ngoài. Bên cạnh đó còn giúp giảm lạm phát bằng cách tăng nguồn cung ngoại tệ, cũng như cải thiện cán cân thanh toán.
Tuy nhiên như tôi có đề cập, thặng dư thương mại là điểm tích cực ít ỏi trong toàn bộ bức tranh kinh tế Việt Nam 2023. Chúng ta vẫn đang đối mặt nhiều vấn đề, từ bên ngoài như nhu cầu mua hàng của thế giới thấp, đến bên trong như giải ngân đầu tư công yếu, chậm chuyển đổi số, chậm cải cách hành chính, chậm phát triển công nghệ và chậm nâng cấp cơ sở hạ tầng.
*VOH: Xin cảm ơn ông!