Chờ...

Năm 2024: Áp lực lạm phát sẽ không lớn

VOH - Ngày 4/1, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích rõ hơn diễn biến, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường giá cả năm vừa qua, đồng thời, nhìn nhận toàn diện những cơ hội và thách thức đặt ra cho thị trường, giá cả thời gian tới để đưa ra các kịch bản điều hành lạm phát năm 2024.

lạm phát
Hội thảo diễn ra vào sáng 4/1 tại Hà Nội - Ảnh: vneconomy

Phân tích về diễn biến lạm phát năm 2023, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nêu rõ, từ số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 có thể chia thành hai giai đoạn.

Trong nửa đầu năm 2023, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2% vào tháng 6/2023.

Nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm so với cùng kỳ là tổng cầu trong nửa đầu năm 2023 rất yếu, thể hiện qua việc GDP tăng trưởng rất thấp, quý 1/2023 tăng 3,41%, quý 2/2023 tăng 4,25%. Bên cạnh đó, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, đặc biệt là giá dầu cũng có xu hướng giảm mạnh, thậm chí tăng trưởng âm sau khi đạt đỉnh giữa năm 2022.

Điều này còn do ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng cung tiền thấp trong năm 2022 (3,85%) và nửa đầu năm 2023 (2,53%), trong khi lãi suất cho vay thực vẫn neo ở mức cao (6,9% vào tháng 6/2023).

Nửa sau của năm 2023, bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện (tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn), lạm phát có xu hướng gia tăng do một loạt các cú sốc từ phía cung như CPI tăng đột biến trong các tháng 8-9 (tăng 0,88% trong tháng 8/2023 và 1,08% trong tháng 9/2023).

Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm nên lạm phát trung bình năm 2023 cũng chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là khoảng 4,5%.

Xem thêm: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Năm 2024 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%

Dự báo lạm phát năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, áp lực lạm phát sẽ không lớn, đồng thời ông đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024.

Ở kịch bản cao (kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định), CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng. Lạm phát trung bình năm 2024 sẽ ở mức 3,5%.

Trong kịch bản thấp (kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020), CPI trung bình năm sẽ ở mức 2,5%.

Trong kịch bản trung bình (kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ), CPI trung bình cả năm sẽ ở mức 3,0%.