Theo Bộ Công thương, hiện nay, thị trường hàng hóa sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, hàng may mặc… tăng nhưng mức tăng không cao như mọi năm.
Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên thị trường luôn dồi dào, giá cả không có biến động lớn.

Tại Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với tết năm 2023. Tại TPHCM, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1/2024 trên cả nước ước đạt khoảng 524.115,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 12/2023 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2023 do trùng với Tết Nguyên đán Quý Mão nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tương đối cao, đạt 13,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 7,3% với sự gia tăng của nhóm lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; các nhóm còn lại tăng 1,5-2,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,2%; du lịch lữ hành tăng 18,5% và dịch vụ khác tăng 11,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1/2024 tăng 5,8% so với tháng 1/2023.