Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ăn gì cho thai nhi tăng cân đúng tiêu chuẩn trong 9 tháng thai kỳ?

Để bé yêu khỏe mạnh và tăng cân đều đặn trong 9 tháng thai kỳ là vấn đề được nhiều mẹ quan tâm. Vậy ăn gì cho thai nhi tăng cân? Dưới đây là một chế độ tốt cho cân nặng thai nhi mẹ bầu nên tham khảo.

Có rất nhiều mẹ bầu thường không quan tâm đến cân nặng của bản thân mà chỉ nghĩ ăn gì cho thai nhi tăng cân nhanh. Thế nhưng, các mẹ cần hiểu rằng cân nặng thai nhi sẽ phụ thuộc vào chất lượng bữa ăn của người mẹ. Các mẹ không nhất thiết phải ăn nhiều như quan điểm 'có thai thì phải ăn cho hai người', mà cần đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể khi mang thai. 

Ngoài ra, yếu tố tinh thần ở người mẹ rất quan trọng. Khi mẹ bầu có tâm lý thoải mái, vui vẻ, ăn uống ngon miệng thì em bé cũng sẽ hấp thu tốt hơn những dưỡng chất dinh dưỡng từ người mẹ.

1. Những nguyên tắc giúp thai nhi tăng cân đều đặn

Để giúp bé yêu có thể phát triển khỏe mạnh và cân nặng đạt mốc tiêu chuẩn thì mẹ bầu cần phải nắm được những nguyên tắc cơ bản sau:

  • Trong 9 tháng mang thai, mẹ bầu có thể dựa vào chiều cao và cân nặng của mình để tăng cân cho phù hợp (thông thường mẹ bầu chỉ nên tăng trong khoảng từ 9 – 14kg). Không cần thiết phải tăng cân quá nhiều vì có dẫn đến béo phì, tiểu đường thai kỳ hoặc gây ra những biến chứng sản khoa, khó sinh nở.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước để đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Nếu thai nhi nhẹ cân so với tiêu chuẩn thì có thể do thiếu protein và đạm, mẹ bầu nên bổ sung những chất này nhiều hơn.
  • Mẹ bầu cần phải có một lối sống lành mạnh, năng động để thai nhi có thể phát triển một cách tối ưu nhất về thể chất lẫn tinh thần, từ đó có thể giúp bé tăng cân nhanh.

an-gi-cho-thai-nhi-tang-can-dung-tieu-chuan-trong-9-thang-thai-ky-VOH

Chế độ ăn uống đủ dưỡng chất giúp thai nhi tăng cân đều đặn (Nguồn: Internet)

2. Chế độ dinh dưỡng mẹ bầu cần ăn để giúp thai nhi tăng cân nhanh

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhu cầu cần được cung cấp các chất dinh dưỡng nhiều hơn, do lúc này các chất dinh dưỡng sẽ được ‘chia sẻ’ sang cho bé. Nếu mẹ bầu muốn bổ sung dinh dưỡng để thai nhi tăng cân đúng chuẩn thì cần phải có một chế độ ăn đầy đủ các dưỡng chất dưới đây:

2.1 Chất béo

Chất béo có vai trò quan trọng giúp não bộ và hệ thần kinh của thai nhi khỏe mạnh. Đây cũng là một dưỡng chất quan trong giúp thai nhi tăng cân nhanh, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Mẹ bầu cần bổ sung khoảng 70 – 80gr chất béo trong bữa ăn của mình. Có rất nhiều thực phẩm giàu chất béo như: trứng, pho mát, bơ... đặc biệt là Omega-3 có rất nhiều trong hải sản, các loại cá như cá hồi.

Tuy nhiên, những loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa đã qua chế biến như thịt rán, khoai tây chiên... thì mẹ bầu cần hạn chế ăn.

2.2 Sắt và canxi

Đây là 2 dưỡng chất cực kỳ quan trọng cho sự phát triển về cân nặng lẫn chiều cao của bé trong giai đoạn thai kỳ và sau khi sinh. Sắt mang oxy đến mô và tế bào để hỗ trợ sự phát triển não. Canxi giúp hình thành xương và răng của bé.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, vào những tháng cuối thai kỳ chị em cần bổ  sung khoảng 1500mg canxi và 27mg sắt mỗi ngày. Ngoài sữa và các chế phẩm từ sữa thì hải sản, các loại tôm, tép nhỏ cũng rất giàu canxi. Bên cạnh đó, gan động vật, thịt bò, bí đỏ lại rất giàu chất sắt.

Lưu ý: Mẹ không nhất thiết phải cần uống sữa dành riêng cho bà bầu, mà có thể thay bằng các loại sữa tươi không đường trong suốt giai đoạn thai kỳ.

2.3 Vitamin và chất xơ

Acid folic là loại vitamin nhóm B cần thiết trong giai đoạn đầu mang thai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) và Viện Y tế Công Cộng của Hoa Kỳ đã khuyến cáo, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên bổ sung 0.4 – 0.6 mg acid folic mỗi ngày (dù có kết hoạch mang thai hay không).

Cơ thể mẹ bầu được cung cấp đủ acid folic sẽ làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Các thực phẩm giàu acid folic là: bánh mì ngũ cốc, các loại rau lá xanh, các loại đậu, chuối, cà chua, trái cây như cam, bưởi, quýt...

Các vitamin, đặc biệt là vitamin A, C và vitamin D rất cần thiết cho cơ thể vì có thể hỗ trợ sự phát triển và trưởng thành của cơ quan và hệ xương của thai nhi, nâng cao hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể để chống lại sự nhiễm trùng, đồng thời giúp phát triển thị giác thai nhi.

Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón, đặc biệt là ngừa bệnh trĩ khi mang thai.

an-gi-cho-thai-nhi-tang-can-dung-tieu-chuan-trong-9-thang-thai-ky-1-VOH

Phụ nữ trong giai đoạn mang thai nên ăn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ (Nguồn: Internet)

Do vậy, chị em cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc, khoai mì… vào chế độ ăn của mình hàng ngày.

Hiện nay trên thị trường có bán khá nhiều loại vitamin dạng viên uống. Tuy nhiên, các vitamin khi dùng quá liều có thể sẽ gây ra dị tật thai nhi, do đó, chị em không nên tự ý bổ sung các vitamin bằng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn bổ sung bất kỳ loại vitamin nào bằng dạng viên uống.

2.4 Tinh bột

Trung bình, mỗi ngày mẹ bầu cần khoảng 2.300 – 2.400 calo. Trong đó, tinh bột, đường sẽ chiếm 65 – 75% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Chính vì thế, chị em cũng cần bổ sung lượng tinh bột vừa đủ cho cơ thể mỗi ngày.

Chị em có thể ăn từ 1 - 2 chén cơm, tùy theo nhu cầu năng lượng. Ngoài cơm, thì bún, phở, miến, ngũ cốc, các loại khoai… cũng là những nguồn tinh bột phong phú.

3. Mẹ bầu ăn như thế nào cho thai nhi tăng cân nhanh?

Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu nên ăn đầy đủ 3 bữa/ngày, ngoài ra cần ăn thêm 2 - 3 bữa phụ.

3.1 Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ

Ở những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu không cần nhiều năng lượng. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải đảm bảo đủ chất đạm và những vi chất thiết yếu, đặc biệt là axit folic, sắt, … Trong đó, axit folic cần đảm bảo đủ dự phòng dị tật ống thần kinh và phân chia hình thành tổ chức tế bào thai nhi.

Mẹ nên bổ sung trứng, sữa, ngũ cốc nguyên cám và các loại rau xanh có màu đậm như rau bina, rau muống, súp lơ xanh…

3.2 Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Giai đoạn giữa thai kỳ, bé đã hình thành đủ các bộ phận trong cơ thể. Đây là thời gian để phát triển hệ thần kinh và các cơ quan xúc giác, thị giác, thính giác.

Để tốt cho con, mẹ nên ăn nhiều thức ăn có canxi và sắt. Mẹ có thể uống sữa hoặc các loại thuốc bổ hoặc vitamin tổng hợp để phát triển thai nhi, ăn thực phẩm đa dạng nhưng cần hạn chế tinh bột và đồ ngọt.

3.3 Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

Giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển mạnh mẽ, tăng cân nhiều nhất, do đó, mẹ cần chú ý đến chất lượng dinh dưỡng trong từng bữa ăn, chú ý uống đủ lượng nước để ngừa tình trạng thiếu nước ối, giảm bớt lượng muối trong bữa ăn để hạn chế nguy cơ bị phù chân tay

Bên cạnh đó, các chị em cũng cần lưu ý đến tình trạng tiểu đường thai kỳ, những chị em nào được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hãy trao đối với bác sĩ để được hỗ trợ và đưa ra một kế hoạch ăn uống cho cả mẹ và bé điều khỏe mạnh.

Bình luận