Chờ...

9 điều nên biết để bớt ‘lo sốt vó’ bà bầu ăn đậu xanh được không

(VOH) – Sở hữu vô vàn dưỡng chất quý giá lại là nguyên liệu của nhiều món ngon, song các mẹ bầu vẫn khá ‘e dè’ khi thêm đậu xanh vào thực đơn. Vậy thực hư thế nào, liệu bà bầu ăn đậu xanh được không?

Đậu xanh vốn không phải là loại hạt quá đắt đỏ hay khó tìm kiếm, thậm chí đã rất thân thuộc với thế giới ẩm thực Việt. Thế nhưng để mẹ bầu có thể thật sự an tâm bổ sung các món ăn từ đậu xanh trong thai kì, bài viết dưới đây sẽ giải đáp những băn khoăn thường gặp của mẹ về loại đậu này nhé! 

1. Bà bầu ăn đậu xanh được không?

Khi mang bầu ăn đậu xanh được không hay bầu 3 tháng đầu ăn đậu xanh được không có lẽ là những thắc mắc rất phổ biến mà nhiều mẹ bầu mong muốn tìm được “đáp án” chính xác. Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng ở bất cứ giai đoạn nào của thai kì, bà bầu vẫn được ăn đậu xanh, chỉ cần chú ý chế biến đúng cách và đủ liều lượng.  

9-dieu-nen-biet-de-bot-lo-sot-vo-ba-bau-an-dau-xanh-duoc-khong-voh-0
Bà bầu có thể ăn đậu xanh trong thai kì song phải đảm bảo đúng cách và với liều lượng hợp lý (Nguồn: Internet)

2. Bà bầu ăn đậu xanh tốt cho sức khỏe thế nào?

Tuy có kích thước khá “khiêm tốn” song hạt đậu xanh luôn thuộc nhóm các loại đậu bổ dưỡng, cung cấp đa dạng chất chống oxy hóa, khoáng chất cùng nhiều vitamin thiết yếu như vitamin B, vitamin C hay vitamin E. Chính vì thế, tăng cường ăn thêm đậu xanh khi mang thai sẽ mang đến cho bà bầu những lợi ích sức khỏe tuyệt vời này:

2.1 Bổ sung năng lượng

Giống như đậu đen hay đậu đỏ, đậu xanh cũng chứa hàm lượng protein khá lớn, trung bình 200g đậu có khoảng 14.2g protein. Do đó, vào các bữa ăn phụ trong ngày, bầu có thể ăn chè đậu xanh hoặc uống sữa đậu xanh để bổ sung năng lượng hoạt động đấy.

2.2 Thanh nhiệt, giải độc cơ thể

Đối với y học cổ truyền, đậu xanh nằm trong nhóm dược liệu có vị ngọt, tính mát nên được tận dụng để hỗ trợ giải độc cơ thể, rất phù hợp với những người có thân nhiệt cao như bà bầu.

Xem thêm: Mách bạn 4 loại nước uống giải nhiệt, thải độc tốt cho cơ thể

2.3 Kích thích tiêu hóa

Đậu xanh được đánh giá là loại hạt rất giàu chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan pectin. Dưỡng chất này khi vào đường ruột sẽ trở thành nguồn “thức ăn” tuyệt vời cho các lợi khuẩn, đảm bảo vận hành tốt hệ tiêu hóa và giảm thiểu tình trạng táo bón thai kì.

2.4 Ngăn ngừa tiểu đường thai kì

Không chỉ góp phần nuôi dưỡng những vi khuẩn có lợi cho hệ sinh thái đường ruột, hấp thu lượng chất xơ từ đậu xanh còn giúp mẹ bầu kiểm soát tốt tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu. Từ đây mẹ có thể chủ động điều hòa đường huyết ổn định, hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường thai kì

9-dieu-nen-biet-de-bot-lo-sot-vo-ba-bau-an-dau-xanh-duoc-khong-voh-1
Bà bầu ăn đậu xanh có thể chủ động kiểm soát đường huyết ổn định (Nguồn: Internet)

2.5 Duy trì cân nặng hợp lý

Như đã chia sẻ, các món ăn từ đậu xanh sẽ mang đến cho bà bầu lượng protein khá lớn để mẹ luôn cảm thấy khỏe khoắn và dồi dào năng lượng. Bên cạnh đó, nhờ tiếp nạp protein từ đậu xanh, mẹ cảm thấy no lâu hơn, đồng thời có thể cắt giảm cơn thèm các món ăn vặt – tác nhân dễ khiến mẹ tăng cân mất kiểm soát.

Xem thêm: Mức tăng cân hợp lý khi mang thai cho mẹ bầu bình thường – thiếu cân – thừa cân

2.6 Kiểm soát huyết áp ổn định

Đậu xanh là một trong những thực phẩm khá lành mạnh dành cho các đối tượng dễ có nguy cơ bị tăng huyết áp đột ngột như phụ nữ mang thai.

Theo đó, lượng khoáng chất kali được tìm thấy trong đậu xanh (tương đương khoảng 15% nhu cầu hàng ngày của cơ thể) có khả năng đào thải muối natri dư thừa, giảm tích trữ nước cũng như giảm áp lực lên thành mạch máu, giúp điều hòa huyết áp ổn định.

2.7 Phòng chống bệnh truyền nhiễm

Có thể nói rằng hạt đậu xanh nhỏ bé nhưng lại chứa vô vàn chất chống oxy hóa mạnh, điển hình phải kể đến như flavonoid, axit phenolic hay axit cinnamic. Những hoạt chất này đều là những “chiến binh” bảo vệ mẹ bầu khỏi sự tấn công của mầm bệnh, hạn chế tối đa tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Xem thêm: Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải nếu phòng tránh không đúng cách

2.8 Hỗ trợ sự phát triển não bộ thai nhi

Axit folic (vitamin B9) trong đậu xanh giúp phát triển bào thai, cụ thể nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trái tim, não và hệ hô hấp của trẻ sơ sinh. Axit folic cũng có tác dụng ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

2.9 Dưỡng da mịn màng

Nếu như mẹ đã từng biết đến các liệu pháp làm đẹp từ bột đậu đỏ thì có lẽ mẹ cũng không nên bỏ qua công dụng chăm sóc sắc đẹp của bột đậu xanh. Mẹ có thể xay bột đậu xanh rồi pha uống hoặc tận dụng bột làm mặt nạ dưỡng da hữu hiệu.

3. Một số món ngon từ đậu xanh dành cho bà bầu

Bên cạnh những món ăn truyền thống như chè đậu xanh hay sữa đậu xanh, mẹ có thể kết hợp đậu xanh với một số nguyên liệu dễ tìm kiếm khác để “đổi vị” cho thực đơn hàng ngày.

9-dieu-nen-biet-de-bot-lo-sot-vo-ba-bau-an-dau-xanh-duoc-khong-voh-2
Bà bầu có thể chế biến đậu xanh thành rất nhiều món ngon độc đáo (Nguồn: Internet)

Mẹ hãy thử tham khảo các gợi ý dưới đây xem sao nhé:

  • Ủ giá đỗ
  • Cháo đậu xanh
  • Nước đậu xanh rau má
  • Bánh đậu xanh kén
  • Xôi đậu xanh
  • Canh đậu xanh củ sen
  • Canh bí đỏ đậu xanh
  • Chả đậu xanh chay

Xem thêm: 13 công thức món ngon từ đậu xanh giúp bạn 'khoe tài' bếp núc

4. Những lưu ý cần biết khi bà bầu ăn đậu xanh

Không thể phủ nhận rằng bổ sung các món ăn từ đậu xanh vào chế độ dưỡng thai sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên để tận dụng hiệu quả những lợi ích tuyệt vời ấy, mẹ đừng quên thực hiện theo các khuyến cáo sau:

4.1 Tránh ăn quá nhiều

Muốn hấp thu tối đa nguồn chất dinh dưỡng từ đậu xanh, điều quan trọng nhất mẹ nên chú ý đó là tránh ăn quá nhiều loại hạt này liên tục mỗi ngày. Mỗi bữa dùng khoảng 150g đậu xanh và từ 2 – 3 lần trong tuần là hợp lý.

4.2 Không ăn đậu xanh sống

Các thực phẩm sống thường không phù hợp với thể trạng của phụ nữ mang thai, đậu xanh sống cũng vậy. Vì thế, tốt nhất mẹ hãy chế biến đậu xanh thành các món ăn và thưởng thức nhé.

4.3 Hạn chế ăn khi bị tiêu chảy

Hạt đậu xanh có tính hàn mát nên trường hợp bị lạnh bụng hoặc đang điều trị chứng tiêu chảy, mẹ cần tạm dừng sử dụng đậu xanh.

Hy vọng rằng sau khi đã tìm hiểu những tác dụng của đậu xanh với sức khỏe cùng với các hướng dẫn sử dụng an toàn trên đây mẹ bầu sẽ an tâm lựa chọn loại đậu này để bồi bổ nhé.