Tiêu điểm: Nhân Humanity

5 lợi ích bất ngờ khi bà bầu ăn vú sữa

(VOH) – Phần lớn các loại trái cây đều rất có lợi cho sức khỏe mẹ bầu. Vậy vú sữa có tốt cho phụ nữ mang thai không, bà bầu ăn vú sữa được không... câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây.

Sau Tết, tầm tháng 2, tháng 3 hàng năm chính là thời điểm vú sữa chín rộ cây. Đây là dịp để mọi người có thể thưởng thức loại quả thơm ngọt này. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khi mang lại lo lắng vì không biết liệu trong giai đoạn thai kỳ, ăn vú sữa có được không?

1. Bà bầu có nên ăn vú sữa?

Nhiều người cho rằng quả vú sữa có tính nóng, nhiều mủ và có vị chát nên bà bầu ăn vú sữa sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, thực tế điều này chỉ đúng khi bà bầu ăn vú sữa ăn luôn cả phần sát lớp vỏ bên ngoài. Chính vị chát của lớp ngoài gần phần vỏ là “thủ phạm” khiến bà bầu bị táo bón và điều đó sẽ không có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé yêu trong bụng.

Vú sữa là loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Trong 100g vú sữa có đến 86.5g nước, 9.4g carbohydrate, 68mg canxi, 32g photpho, 5mg vitamin C... và rất nhiều những chất dinh dưỡng khác.

5-loi-ich-bat-ngo-khi-ba-bau-an-vu-sua-voh-0
Vú sữa chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Do đó, nếu ăn vú sữa, bà bầu chỉ phần thịt, không ăn quá sát phần vỏ bên ngoài thì vú sữa vẫn là một loại trái cây ngon, bổ dưỡng và có lợi cho mẹ bầu. Cụ thể:

1.1 Ngừa thiếu máu và loãng xương

Sắt và canxi là 2 chất cực kỳ quan trọng và cần thiết trong thai kỳ và đây cũng là 2 chất mẹ bầu cần phải bổ sung trong suốt quá trình mang thai, bởi chúng có thể giúp mẹ bầu thoát khỏi tình trạng thiếu máu, phòng ngừa loãng xương, đồng thời giúp cho hệ xương răng của thai nhi được phát triển toàn diện.

Trong một quả vú sữa (chỉ tính phần thịt) có chứa khoảng 14.65mg canxi và 2.33mg sắt. Vì vậy, vú sữa là một nguồn cung cấp sắt và canxi tự nhiên tốt cho sức khỏe mẹ bầu.

1.2 Cung cấp gluxit cho cơ thể

Gluxit có thể cung cấp 60 – 70% nguồn năng lượng phục vụ cho hoạt động của con người mỗi ngày. Gluxit có nhiều trong vú sữa. Vì thế, bà bầu ăn vú sữa sẽ giúp cơ thể có thêm nhiều năng lượng. Đồng thời, nhóm chất dinh dưỡng này cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn.

1.3 Hạn chế táo bón

Hàm lượng chất xơ trong vú sữa tương đối cao nên có thể giúp mẹ bầu giải quyết được chứng táo bón khi mang thai. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bà bầu không ăn phần nhựa mủ sát vỏ vú sữa. Hơn nữa, bà bầu ăn vú sữa còn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và khỏe mạnh hơn.

1.4 Duy trì đường huyết

Chất xơ trong quả vú sữa còn có tác dụng trong việc hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

1.5 Giảm triệu chứng cảm thông thường

Bà bầu ăn vú sữa có thể giúp đẩy lùi các triệu chứng cảm lạnh khó chịu như ho, đau họng, mệt mỏi....từ đó, nâng cao sức đề kháng trong giai đoạn mang thai.

Ngoài tốt cho sức khỏe, bà bầu ăn vú sữa cũng rất có lợi cho làn da. Bởi trong quả vú sữa chứa nhiều nước và các loại vitamin khác nhau như vitamin C, vitamin A, B, B2... những vitamin này có thể giúp cho làn da sáng đẹp và căng mịn.

Xem thêm: Tranh thủ vú sữa đang vào mùa, làm ngay những món ăn ngon miệng, lạ mắt nhưng cực kỳ bổ dưỡng

2. Những lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn vú sữa

Có thể thấy, bà bầu ăn vú sữa được không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bạn dùng loại quả này ra sao. Nếu ăn đúng, sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe, nếu ăn không đúng cách sẽ không tốt cho thai kỳ của mẹ.

5-loi-ich-bat-ngo-khi-ba-bau-an-vu-sua-voh-1
Bà bầu ăn vú sữa đúng cách để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe (Nguồn: Internet)

Do đó, bà bầu ăn vú sữa cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 100 – 200g vú sữa, không nên ăn quá nhiều vú sữa cùng lúc.
  • Tránh ăn phần nhựa mủ gần vỏ để giảm nguy cơ bị táo bón.
  • Mẹ bầu bị táo bón nên ngừng ăn vú sữa, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ, trái cây tính mát để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Như vậy, vú sữa là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai khi ăn vú sữa hãy chú ý để liều lượng dùng hợp lý để không gây hại cho sức khỏe cũng như sự phát triển của bé yêu trong bụng.

Bình luận