Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được mẹ ‘làm điệu’ bằng cách bấm lỗ tai để trở nên xinh đẹp hơn. Việc bấm lỗ tai cho bé ngay từ khi còn nhỏ gần như trở thành thói quen của hầu hết các gia đình có con gái nhỏ tại các nước châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam.
Bấm lỗ tai có thể thực hiện ở bất cứ lứa tuổi nào của bé, tuy nhiên, các bà mẹ cho rằng việc cho bé bấm sớm như vậy là bởi ở giai đoạn này bé dễ quên nỗi đau nhanh hơn và không có cảm giác đau đớn là mấy.
Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ điều không hề biết rằng việc bấm lỗ tai cho bé dù là nhỏ hay lớn đều cũng sẽ tiềm tàng rất nhiều mối nguy hiểm. Do đó, các bà mẹ cần có kiến thức đúng đắn và chính xác hơn về việc làm đẹp này cho con gái yêu để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tai và những đau đớn cho trẻ.
1. Thời điểm nào là phù hợp để bấm lỗ tai cho trẻ ?
Với sự mong manh của mình, các bé gái sơ sinh sẽ rất dễ bị tổn thương dù chỉ là một "cú chích" nhỏ. Bởi lúc này hệ miễn dịch của bé còn rất yếu ớt nên bé vẫn còn rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng nếu như dụng cụ bấm lỗ tai không sạch sẽ.
Chính vì thế, các chuyên gia thường khuyên mẹ chỉ nên bấm lỗ tai khi bé đủ ít nhất 6 tháng tiêm phòng để giúp con giảm khả năng bị uốn ván cũng như các bệnh nhiễm trùng do máu khác gây ra.
Chỉ nên bấm lỗ tai khi bé đủ ít nhất 6 tháng tiêm phòng đầy đủ (Nguồn: Internet)
Khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu đáng kể nào nói về thời điểm cho việc làm đẹp này ở trẻ. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để bấm khuyên tai cho trẻ vẫn là khi các bé có thể nhận biết và chăm sóc vết thương ở lỗ tai một cách độc lập nhất.
2. Sau khi bấm lỗ tai cho bé chuyện gì sẽ xảy ra ?
Thông thường, các bé gái sẽ được bấm lỗ tai bằng một chiếc máy bấm cầm tay, sau khi dùng lực dập xuyên qua dái tai của bé, lỗ tai được bấm và cố định bằng chiếc khuyên nhỏ.
Xỏ lỗ tai chính là việc thâm nhập vào da, làm rách da và tạo vết thương trên tai của trẻ, do đó, sau việc làm này có thể dẫn đến:
- Bé bị chảy máu.
- Có thể bị dị ứng khi kim xuyên vào da.
- Tai bé có thể bị biến dạng nếu việc bấm lỗ diễn ra ở phần trên của tai.
- Nhiễm trùng tạo thành mủ.
- Lỗ bấm phát triển sẹo lồi.
Trẻ bấm lỗ tai cần được chăm sóc vết thương tại vùng bấm tai cẩn thận (Nguồn: Internet)
Một số dấu hiệu giúp cha mẹ phát hiện con bị nhiễm trùng sau khi bấm lỗ tai mà cha mẹ cần phải hết sức lưu tâm:
- Lỗ bấm có mủ màu vàng, chảy dịch.
- Sưng, tấy đỏ.
- Bị đai và ngứa rát vị trí bấm khuyên tai.
Nếu cha mẹ thấy bé có những dấu hiệu này không khỏi sau 2 ngày tự điều trị tại nhà, các triệu chứng tăng nặng kèm theo sốt, thì hãy ngay lập tức đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.
2.1 Những lưu ý khi bấm lỗ tai cho con
Những lưu ý cha mẹ cần nắm rõ để việc bấm tai cho trẻ được diễn ra an toàn:
- Nếu bé có cơ địa sẹo lồi thì không nên bấm lỗ tai cho con hoặc chỉ bấm lỗ tai khi trẻ đủ 11 tuổi.
- Trẻ bị tim bẩm sinh cũng được khuyến cáo nên cân nhắc kĩ trước khi bấm lỗ tai bởi nếu bị nhiễm trùng sẽ gây hại nhiều đến sức khỏe của bé.
- Sử dụng khuyên tai bằng vàng nếu có thể bởi những trang sức bằng vàng làm giảm khả năng gây ra phản ứng dị ứng và viêm nhiễm ở lỗ tai.
- Khi thực hiện bấm lỗ tai cho trẻ tuyệt đối không tự ý thực hiện tại nhà, hãy đưa bé đến những cơ sở y tế để thực hiện việc bấm tai để đảm bảo vệ sinh, an toàn.
- Bôi kem kháng sinh cho bé dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, chăm sóc và vệ sinh tai cho trẻ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Đã có rất nhiều trường hợp cha mẹ tự ý bấm khuyên tai cho trẻ gây ra những hậu quả đáng tiếc, do đó các bậc cha mẹ cần phải hết sức thận trọng trong việc ‘làm đẹp’ cho bé yêu nhà mình nhé!