Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu về bệnh cúm ở trẻ và biến chứng không mong muốn

(VOH) – Cúm là 1 bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh thường tự khỏi nhưng cũng có thể trở thành dịch bệnh nguy hiểm cho con người. Vậy bệnh cúm ở trẻ em là gì, làm sao nhận biết và phòng ngừa hiệu quả?

1. Bệnh cúm ở trẻ là bệnh gì?

Cúm là một trong những bệnh lý nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus gây ra. Bệnh thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song trẻ em là đối dễ mắc bệnh cúm nhiều nhất. Virus cúm thường tấn công hệ hô hấp, mũi và cổ họng của trẻ em.

Bệnh cúm được liệt vào danh sách những bệnh dễ lây truyền bởi thời gian ủ bệnh cực ngắn chỉ từ 1 – 4 ngày sau khi nhiễm bệnh và tốc độ lây bệnh chỉ trong vòng từ 24 – 48 tiếng.

1.1 Các dạng cúm thường gặp

Có 3 loại virus cúm khác nhau ảnh hưởng đến con người, đó là cúm A (cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2...) cúm B và cúm C. Có loại thứ 4, cúm D, nhưng chúng không ảnh hưởng đến con người.

Động vật và con người thường mắc chủng virus cúm A vì loại virus này có thể truyền từ động vật sang người. Đây cũng là loại cúm liên tục thay đổi, có thể kết hợp với nhau để tạo ra những chủng đặc biệt, đột biến, có độc tính mạnh.

tim-hieu-ve-benh-cum-o-tre-va-bien-chung-khong-mong-muon-voh-0
Cúm là bệnh lây nhiễm do virus tấn công (Nguồn: Internet)

Virus cúm B có thể bùng phát theo mùa trong những tháng cuối năm và chỉ truyền từ người sang người. Loại này thường ít nghiêm trọng hơn loại A, tuy nhiên, đôi khi chúng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Xem thêm: Giao mùa Đông - Xuân, 'cảnh giác' cao với cúm B

Cúm C cũng có thể ảnh hưởng đến con người, nhưng các triệu chứng nó gây ra thường nhẹ và ít biến chứng.

1.2 Con đường lây truyền bệnh cúm

Bệnh cúm rất dễ lây lan. Nó có thể lây lan nhanh chóng trong các hộ gia đình, trường học...hay những nơi tập trung đông người.

Virus cúm chủ yếu lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Khi người bệnh bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện sẽ phát tán virus vào không khí, từ đó virus có thể xâm nhập trực tiếp vào đường hô hấp của những trẻ đứng gần đó khi hít phải.

Ngoài ra, khi người bệnh hắt hơi làm phát tán virus vào tay, chân, quần áo, các đồ vật. Sau đó, tay trẻ vô tình tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng rồi trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng cũng sẽ tạo điều kiện để virus cúm xâm nhập vào cơ thể.

2. Vì sao trẻ em là đối tượng dễ bị cúm?

Thông thường, bệnh cúm sẽ xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em. Nguyên nhân để trẻ em trở thành đối tượng để virus cúm tấn công chính là:

  • Sức đề kháng của trẻ em tương đối yếu.
  • Kháng thể chống virus ở trẻ em hầu như rất yếu nếu không được chích ngừa.
  • Có những chủng virus cúm chỉ gây ra bệnh ở trẻ em.
  • Những trẻ em nằm trong các nhóm bệnh lý mãn tính như: bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận… khả năng nhiễm cúm là rất cao.
  • Trẻ em thường được tập trung nhiều ở các trường học, nhà trẻ… và đây là điều kiện để virus cúm lây truyền.

3. Dấu hiệu cúm ở trẻ em

tim-hieu-ve-benh-cum-o-tre-va-bien-chung-khong-mong-muon-voh-1
Sốt là triệu chứng điển hình nhất của bệnh cúm (Nguồn: Internet)

Các triệu chứng cúm ở trẻ em thường bắt đầu xuất hiện khoảng 2 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Những triệu chứng này hầu hết giống như bệnh cúm ở người lớn. Dấu hiệu ban đầu có thể bao gồm:

  • Sốt nhẹ rồi tăng dần, có thể sốt trên 39 độ C
  • Ớn lạnh và rùng mình
  • Ho
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi, chán ăn
  • Đau họng, đau đầu
  • Đau tai ở một bên hoặc cả hai tai
  • Sổ mũi, chảy nước mũi, nước mắt
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy

Lưu ý: Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng tương tự như trên, tuy nhiên do trẻ chưa biết nói nên biểu hiện thường thấy của trẻ là quấy khóc nhiều hơn.

Sau 4 – 7 ngày các triệu chứng của bệnh cúm sẽ tự khỏi dần, sốt và những triệu chứng khác thường sẽ biến mất, nhưng tình trạng ho và mệt mỏi có thể kéo dài ở trẻ lâu hơn.

Xem thêm: Từ nay đừng gọi 'cảm cúm' vì cảm và cúm hoàn toàn khác nhau!

4. Bệnh cúm nguy hiểm không?

Đa phần bệnh cúm thông thường sẽ không gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ em bị cúm với những chủng cúm đặc biệt nhưng cúm A/H1N1, H5N1, H3N2… sẽ có thể gây ra những diễn tiến rất nặng và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng do cúm. Một số biến chứng trẻ mắc bệnh cúm có thể gặp phải là:

  • Bệnh viêm tai giữa
  • Viêm phổi ở trẻ
  • Viêm xoang và nhiễm trùng xoang
  • Gây ra các vấn đề về thần kinh như: sốt co giật, ngủ li bì...
  • Viêm não bội nhiễm.
  • Sức khỏe trẻ lâu hồi phục

5. Chẩn đoán và điều trị cúm ở trẻ em

5.1 Chẩn đoán bệnh cúm

Chẩn đoán cúm thông qua việc nhận diện triệu chứng thường không có tính chính xác cao. Do đó, nếu có nghi ngờ trẻ bị cúm, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và làm xét nghiệm chẩn đoán virus cúm.

tim-hieu-ve-benh-cum-o-tre-va-bien-chung-khong-mong-muon-voh-2
Trẻ em bị bệnh cúm cần được bác sĩ thăm khám và điều trị (Nguồn: Internet)

Những xét nghiệm để xác định cúm được áp dụng phổ biến hiện nay là:

  • Xét nghiệm PCR trong thời gian thực: Là xét nghiệm chính xác nhất, kết quả có từ 1 – 2 tiếng sau thực hiện. Một số bệnh viện có thể làm được xét nghiệm này là bệnh viện Pasteur, bệnh viện Nhiệt Đới.
  • Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang: Độ chính xác tương đối cao, thời gian thực hiện cũng khá nhanh chóng.
  • Xét nghiệm test nhanh chẩn đoán cúm: Đây là phương pháp được áp dụng khá phổ biến hiện nay với độ chính xác khá cao.

5.2 Điều trị bệnh cúm

Thông thường, trẻ bị bệnh cúm chỉ cần được nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước là có thể giúp bệnh cải thiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc kháng virus để làm giảm các triệu chứng của cúm nhanh hơn, đồng thời cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Xem thêm: Các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để điều trị cúm cho trẻ em mà cha mẹ nên biết

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tham khảo thêm một số cách chữa cúm bằng phương pháp dân gian để đối phó với bệnh cúm ở trẻ em như xông hơi. 

Xem thêm: Cho trẻ bị cúm xông hơi, làm thế nào cho đúng?

6. Chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà như thế nào?

Cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Do đó, nếu trẻ bị cúm, tốt nhất cha mẹ nên cho bé ở nhà và thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng cách để bé được thoải mái hơn.

Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể áp dụng khi chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà để giúp trẻ tăng khả năng hồi phục và giảm bớt cảm giác khó chịu:

  • Cách ly nguồn bệnh bằng cách cho trẻ ở phòng riêng nhưng vẫn đảm bảo được sự thông thoáng, dễ chịu
  • Cho trẻ uống nhiều nước kết hợp dinh dưỡng đầy đủ, ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa
  • Nếu trẻ có biểu hiện sốt trên 38 độ C, cần giúp trẻ hạ sốt
  • Tắm rửa cho trẻ bình thường bằng nước ấm
  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi
  • Bản thân cha mẹ cũng cần chú ý nên mang bao tay, đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ bị cúm vì đây chính là biện pháp giúp phòng ngừa lây nhiễm cúm tốt nhất.

Lưu ý: Trong quá trình chăm sóc trẻ bị cúm, cha mẹ nên theo dõi những diễn tiến của trẻ. Nếu thấy trẻ bị sốt co giật, tiêu chảy, nôn ói, rối loạn tri giác… cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Tắm rửa cho trẻ bị cúm, nhất định ba mẹ phải làm thực hiện 2 điều quan trọng này

7. Trẻ bị cúm nên ăn gì?

Khi bị cúm, cơ thể bé luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ. Chính vì thế, cùng với việc chăm sóc cơ thể trẻ thật tốt, mẹ cần quan tâm đến dinh dưỡng của con.

Trong thời gian bị bệnh, bé sẽ ăn rất ít. Mẹ hãy tìm kiếm những món ăn thanh đạm, bổ dưỡng để con nhanh hồi phục. Những món ăn lỏng như cháo, súp,... luôn là lựa chọn tốt cho trẻ bị cúm. Bên cạnh đó, mẹ có thể chọn lựa những loại thực phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng và năng lượng để con yêu mai chóng khỏi bệnh.

Xem thêm: Mẹ sẽ bớt lo khi cho trẻ bị bệnh cúm ăn thêm 8 thực phẩm này

8. Cách phòng bệnh cúm ở trẻ em 

Biện pháp phòng ngừa cúm tốt nhất hiện nay chính là tiêm vacxin cúm. Có 2 loại vacxin chính để phòng ngừa cúm là: vacxin bất hoạt và vacxin giảm động lực.

8.1 Vacxin bất hoạt

Đây là loại vacxin khá an toàn, có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Lần tiêm đầu tiên, bé sẽ được tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng, sau đó sẽ được tiêm ngừa hàng năm. Nguyên nhân là do thời gian miễn dịch của vacxin chỉ kéo dài trong 12 tháng.

Ngoài ra, virus cũng thay đổi theo từng năm nên vacxin ngừa cúm sẽ được điều chỉnh hàng năm để phù hợp với chủng virus đang có.

tim-hieu-ve-benh-cum-o-tre-va-bien-chung-khong-mong-muon-voh-3
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm (Nguồn: Internet)

8.2 Vacxin sống (vacxin giảm động lực)

Là loại vacxin được đánh giá tốt hơn với tỉ lệ ngăn chặn cúm lên đến 80%, được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Loại vacxin này được dùng thông qua đường mũi (không cần chích).

Tuy nhiên, hiện tại giá thành vacxin giảm động lực tương đối cao và những người có hệ miễn dịch kém cũng không thể sử dụng được. Điều đặc biệt là loại vacxin này vẫn chưa có tại Việt Nam.

Lưu ý: Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được chủng ngừa cúm. Vì thế, cha mẹ cần tránh để trẻ tiếp xúc với những người có thể bị cúm và những người chăm sóc trẻ cũng nên chủng ngừa cúm.

Ngoài ra, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp đơn giản sau đây để có thể giúp làm giảm bớt nguy cơ nhiễm virus cúm ở trẻ:

  • Giữ vệ sinh miệng họng cho trẻ, nhất là sau khi cho trẻ ăn, sau khi trẻ ho, hắt hơi
  • Thường xuyên vệ sinh tay chân cho bé
  • Tránh cho trẻ dùng chung đồ chơi, hoặc tiếp xúc với những người đang bị cúm
  •  Nên cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh

Chúng ta cần nhớ rằng, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh vì sức đề kháng yếu, do đó, hãy thực hiện việc tiêm phòng vacxin cho trẻ càng sớm càng tốt, vì đây là cách tốt nhất để bạn bảo vệ bé yêu của mình khỏi căn bệnh cúm.

Bình luận