Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những biện pháp phòng bệnh mùa mưa cho trẻ

(VOH) - Mùa mưa khí hậu ẩm thấp là điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm,…phát triển. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Vậy làm sao để phòng bệnh cho trẻ khi mùa mưa đến?

Với trẻ em, hệ miễn dịch còn non yếu thì khả năng nhiễm bệnh vào mùa mưa là rất cao, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, sốt, cảm cúm…Chính vì thế, khi có con nhỏ, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu và thực hiện một số biện pháp phòng tránh bệnh dưới đây để bảo vệ sức khỏe cho con.  

1. Các bệnh thường gặp mùa mưa và biện pháp phòng tránh

1.1 Bệnh đường hô hấp

nhung-bien-phap-phong-benh-mua-mua-cho-tre-voh-1

Trẻ em dễ mắc bệnh đường hô hấp (Nguồn: Internet)

Virus là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh viêm đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh đường hô hấp sẽ có các triệu chứng như ho, sổ mũi trong hoặc đục, ngứa mũi, hắt hơi, sốt, khò khè,…nặng hơn, trẻ có thể có biểu hiện tím tái, khó thở,…

Biện pháp phòng tránh:

  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ đúng cách bằng nước muối sinh lý.
  • Giữ ấm cổ cho bé khi ngủ để tránh nhiễm lạnh.
  • Giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ.
  • Không nên mở rộng cửa sổ, cửa phòng lúc sáng sớm và buổi tối.
  • Cần thiết hãy đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường.
  • Dạy trẻ cách dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
  • Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người khi được thông báo đang vào mùa dịch bệnh.
  • Không nên cho trẻ ra ngoài đường khi trời mưa.

1.2 Bệnh tay chân miệng

nhung-bien-phap-phong-benh-mua-mua-cho-tre-voh-2

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Mùa mưa cũng là thời điểm mà tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt, bệnh thường bùng phát ở nhà trẻ, trường học, mà mùa mưa cũng là thời điểm trẻ tựu trường, chuẩn bị bước vào năm học mới. Do đó, cha mẹ cần nắm rõ các biện pháp phòng tránh để chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Biện pháp phòng tránh:

  • Thực hiện ăn chính, uống nước sôi để nguội.
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay – chân bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nếu có chăm sóc trẻ thì người chăm sóc cần rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
  • Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%.
  • Nếu trong nhà có người mắc bệnh cần thực hiện cách ly, tránh tiếp xúc thân mật với trẻ.
  • Không nên cho trẻ đến trường hoặc những nơi công cộng khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng.
  • Luôn cho trẻ ở phòng thoáng mát, sạch sẽ.

1.3 Bệnh ngoài da

Các bệnh ngoài da mà trẻ dễ mắc phải vào mùa mưa gồm viêm da mủ, viêm nang lông, nổi mề đay,…

nhung-bien-phap-phong-benh-mua-mua-cho-tre-voh-3

Bệnh ngoài da ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng tránh:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi ẩm ướt.
  • Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày cho trẻ, lau khô người sau khi tắm.
  • Cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
  • Khuyến khích trẻ lớn năng tập thể dục.
  • Khi trẻ có biểu hiện viêm da thì cần sát khuẩn da bằng dung dịch xanh methylen, khi các vết thương đã khô thì dùng Fucidin hay Bactroban…

1.4 Bệnh sốt xuất huyết

Mùa mưa, nước đọng nhiều nơi là điều kiện để muỗi sinh sôi và phát triển. Đây cũng là thời điểm vào mùa dịch bệnh sốt xuất huyết. Vì thế, cha mẹ cần nắm các biện pháp phòng tránh để phòng bệnh cho con mình.

nhung-bien-phap-phong-benh-mua-mua-cho-tre-voh-4

Sốt xuất huyết phổ biến ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng tránh:

  • Không tạo điều kiện cho muỗi chích bằng cách cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày.
  • Không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp.
  • Sử dụng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi, vợt điện, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.
  • Triệt tận gốc muỗi và lăng quăng bằng cách đậy kín các lu, hũ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo nhiều quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu.
  • Thay nước bình bông mỗi ngày.
  • Phát quang bụi rậm quanh nhà.
  • Dọn dẹp và khơi thông cống rãnh, không xả rác xuống kênh rạch.
  • Khi vào đầu mùa mưa cần xịt thuốc chống, xua đuổi muỗi.
  • Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Lưu ý: Khi trẻ có dấu hiệu ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém…thì cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự ý điều trị bệnh cho trẻ tại nhà. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho từng lứa tuổi của trẻ, đồng thời khuyến cáo các trẻ lớn năng tập thể dục, đây là biện pháp tăng sức đề kháng hữu hiệu, giúp trẻ phòng tránh bệnh vào mùa mưa hiệu quả.

Bình luận