Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguyên nhân gây dị ứng sau sinh và 3 cách chữa đơn giản tại nhà

(VOH) – Rất nhiều phụ nữ sau sinh phải đối mặt với tình trạng dị ứng. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng dị ứng sau sinh là khiến các mẹ ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Táo bón, đau hậu sản, đau tầng sinh môn,... là những vấn đề thường gặp nhất sau sinh, tuy nhiên, bạn có biết bên cạnh những vấn đề này các mẹ sau sinh còn rất dễ gặp phải một tình trạng mà nguyên nhân gây ra thường không rõ ràng, đó là dị ứng sau sinh.

1. Dị ứng sau sinh là gì?

Dị ứng sau sinh là bệnh lý ngoài da, thường gặp ở những mẹ có cơ địa nhạy cảm. Khi tiếp xúc với một hay nhiều tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài hoặc thay đổi bên trong cơ thể.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dị ứng là một trong những tình trạng bệnh ngày càng trở nên phổ biến, chiếm khoảng 20 – 30% dân số. Trong đó, phụ nữ mang thai và sau sinh chiếm đến 5 – 10%.

Sau sinh khoảng 1 – 3 chính là thời điểm các mẹ dễ bị dị ứng.

2. Nguyên nhân gây dị ứng sau sinh

Hiện tại nguyên nhân gây dị ứng sau sinh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguồn gốc của tình trạng này có thể bắt nguồn từ:

2.1 Thay đổi nội tiết tố

Sự sản xuất, kích thích của nội tiết tố thai kỳ có thể làm tăng nồng độ estrogen, progesterone trong huyết tương và nhiều loại androgen. Chính sự thay đổi nồng độ hormone trước và sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng dị ứng sau sinh.

nguyen-nhan-gay-di-ung-sau-sinh-va-3-cach-chua-don-gian-tai-nha-voh

Nội tiết tố thay đổi chính là nguyên nhân gây dị ứng trên da (Nguồn: Internet)

2.2 Hệ miễn dịch suy yếu

Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch là đào thải và phản ứng với những vật thể lạ hay sự thay đổi bất thường từ bên ngoài vào. Khi cơ thể suy yếu, hệ miễn dịch cũng sẽ suy yếu, từ đó tạo điều kiện để vi khuẩn, virus dễ xâm nhập và gây nên tình trạng dị ứng.

2.3 Chức năng gan kém

Sau sinh cơ thể chưa phục hồi khiến chức năng kém, không thể lọc được những độc tố trong cơ thể nên dẫn đến tình trạng nổi mẩn ngứa ngáy.

2.4 Ở cữ sau sinh

Một số thói quen kiêng cữ sau sinh như kiêng tắm gội, hạn chế sử dụng quạt, mặc quần áo ấm... có thể làm tăng tiết mồ hôi và gây dị ứng.

2.5 Một số nguyên nhân khác

Dị ứng sau sinh mổ do chỉ tự tiêu là một một trong những nguyên nhân khá phổ biến. Ngoài ra, người có cơ địa kém, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, huyết thanh... cũng sẽ gây ra dị ứng nếu cơ thể không đào thải được.

Bên cạnh đó, nguồn nước, thức ăn, mỹ phẩm, các yếu tố thời tiết giao mùa, hanh khô...có thể làm tăng nguy cơ dị ứng mẹ sau sinh.

Xem thêm : 5 cách chữa viêm mũi dị ứng không cần dùng thuốc

3. Triệu chứng dị ứng sau sinh

Hiện tượng dị ứng sau khi sinh ở mỗi người thường không giống nhau. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bị dị ứng sẽ có những biểu hiện sau đây:

3.1 Nổi mẩn trên da

Da xuất hiện các đốm đỏ/hồng dạng phẳng hoặc nổi cộm hơn so với vùng da thông thường. Những đốm nhỏ này có kích thước khoảng 0.2 – 2cm. Ban đầu chỉ xuất hiện ở 1 vùng da cụ thể, sau đó chúng xuất hiện càng nhiều, tạo thành những mảng lớn lưu trú khắp toàn thân.

3.2 Ngứa ngáy

nguyen-nhan-gay-di-ung-sau-sinh-va-3-cach-chua-don-gian-tai-nha-1-voh

Ngứa ngáy là triệu chứng thường gặp nhất khi bị dị ứng sau sinh (Nguồn: Internet)

Tại vị trí nổi mẩn đỏ sẽ có cảm giác ngứa ngáy, càng gãi càng ngứa, nổi sẩn phù màu đỏ. Tuy nhiên, khi các đốm nhỏ trên da lặn hẳn sẽ không gây ra bất kỳ tổn thương nào.

Xem thêm: Lý giải lý do mẹ bị ngứa sau sinh và cách điều trị không ảnh đến sữa cho bé bú

3.3 Phù mạch

Hiện tượng phù mạch chỉ xuất hiện ở những trường hợp nặng. Các nốt mẩn đỏ sẽ sưng tấy, phù nề. Nếu không sớm kiểm soát, các triệu chứng này sẽ tiếp tục diễn tiến nặng hơn, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý: Các triệu chứng do dị ứng sau sinh con thường có mức độ nhẹ hơn so với các dạng dị ứng cấp tính thông thường. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, những tổn thương có thể lan rộng và gây ngứa dữ dội.

4. Dị ứng sau sinh bao lâu thì hết?

Thông thường, tình trạng dị ứng sau sinh có thể tự hết sau 6 – 8 tuần, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào biểu hiện và cơ địa của các mẹ như:

  • Nếu sản phụ nghỉ ngơi, ăn uống điều độ thì dị ứng sẽ biến mất sau 6 – 8 tuần.
  • Nếu sản phụ gặp sai lầm trong quá trình chăm sóc hoặc không tiến hành điều trị, tình trạng dị ứng có thể lây lan và kéo dài đến vài tháng.
  • Một số trường hợp dị ứng sau sinh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu không được khắc phục kịp thời.

Xem thêm: BẬT MÍ bạn phương pháp bí truyền chữa bệnh nổi mề đay

5. Cách trị dị ứng sau sinh

Dị ứng sau sinh là tình trạng khá phổ biến và phần lớn là ở mức độ nhẹ. Vì vậy các mẹ có thể cải thiện tổn thương da bằng cách chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mẹ có thể phải sử dụng các loại thuốc hỗ trợ.

5.1 Điều trị tại nhà

  • Xông hơ, tắm bằng nước nấu từ thảo dược

Mẹ có thể sử dụng các nguyên liệu lá xông có tại nhà như lá bưởi, chanh, sả, gừng, tía tô, bạch hà... để xông hơ. Các loại lá xông thường sẽ giúp đào thải bụi bẩn, độc tố ra ngoài. Đồng thời, mang đến cảm giác dễ chịu, giảm stress sau sinh.

Tuy nhiên, quá trình xông hơ sau sinh cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

  • Chườm nóng

Chườm nóng cũng là biện pháp có thể áp dụng cho mẹ sau sinh. Khi cơn ngứa kéo đến, mẹ hãy lấy túi nóng chườm lên da hoặc rang một năm muối cho nóng rồi gói vào vải và áp vào da. Trong khi thực hiện không nên gãi cọ nhiều.

Lưu ý: Khi chườm nóng không nên sử dụng nước ở nhiệt độ quá cao vì sẽ gây tổn thương da. Khi dùng muối rang không chà xát trực tiếp lên da vì sẽ khiến da bị mất nước, ma sát gây đau.

  • Uống trà thảo mộc

nguyen-nhan-gay-di-ung-sau-sinh-va-3-cach-chua-don-gian-tai-nha-2-voh

Uống trà thảo mộc có thể giúp cải thiện tình trạng dị ứng sau sinh (Nguồn: Internet)

Ngoài tác dụng giảm táo bón, giúp trẻ hóa làn da, giải tỏa căng thẳng....uống trà thảo mộc còn có tác dụng làm nhẹ các triệu chứng dị ứng da, bệnh nổi mề đay. Bã trà thảo mộc còn giúp các cơn ngứa biến mất đi nhanh chóng.

5.2 Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc điều trị dị ứng thường không được khuyến cáo cho phụ nữ sau khi sinh – đặc biệt là những trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu triệu chứng trên da có xu hướng lây lan nhanh và không có cải thiện với các biện pháp tại nhà thì mẹ có thể đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng dẫn cụ thể.

5.3 Những lưu ý khi bị dị ứng sau sinh

Trong quá trình điều trị dị ứng sau sinh, các mẹ cần lưu ý thêm một số điều sau:

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tắm với nước ấm.

6. Cách phòng chứng dị ứng sau sinh tái phát

Dị ứng sau sinh không nguy hiểm nhưng có thể làm phát sinh triệu chứng ngứa, khó chịu, bứt rứt,… trường hợp nặng có thể gây biến chứng. Vì vậy sau khi đã điều trị thành công, các mẹ cần chủ động trong việc ngăn ngừa tình trạng tái phát.

Các biện pháp có thể áp dụng là:

  • San sẻ việc chăm sóc con cái với bạn đời và người thân trong gia đình để dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
  • Vệ sinh cơ thể mỗi ngày.
  • Mặc quần áo rộng rãi, tránh mặc áo ấm, dày trong thời tiết nóng bức. Giữ không gian nhà thoáng mát.
  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có khả năng gây dị ứng cao như khói bụi, thuốc lá, nấm mốc, lông chó mèo, phấn hoa,…
  • Cân bằng dinh dưỡng trong chế độ ăn bằng cách bổ sung trái cây và rau xanh.

Dị ứng sau sinh là tình trạng da liễu khá phổ biến nhưng không quá nguy hiểm, vì thế chị em có thể tự chăm sóc tại nhà và liên hệ với bác sĩ trong những trường hợp nghiêm trọng. Tuyệt đối không được dùng thuốc trị dị ứng vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và phát sinh những tác dụng phụ không mong muốn.

Bình luận