Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em là gì, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) – Một trong những mối nguy hại lớn nhất khi trẻ bị nhiễm HP là sẽ tăng nguy cơ ung thư dạ dày gấp 6 lần so với bình thường. Vậy làm cách nào để nhận biết sớm tình trạng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ?

Theo các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP ở người Việt Nam hiện nay đang nằm ở mức khoảng 87.5% và đặc biệt, nhóm trẻ dưới 8 tuổi được xem là nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm HP rất cao, chiếm khoảng 98%. Điều này cho thấy, đây là một tình trạng đang cần được báo động để mọi người có thể nhận biết sớm cũng như điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

1. Vi khuẩn HP là gì? Có lây không?

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cẩm Tú (BV Nhi đồng TP) cho biết, vi khuẩn (vi trùng) HP là tên viết tắt của một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter Pylori. Loại vi khuẩn này có thể tìm thấy trong nước bọt, trong đường tiêu hóa – dạ dày, ruột và có thể thấy được ở cả trong phân và nước tiểu.

Vi khuẩn HP lây qua đường nào? Cho đến hiện tại, người ta vẫn chưa chắc 100% con đường lây lan của loại vi khuẩn này, tuy nhiên, con đường tiêu hóa là con đường được nghi ngờ nhiều nhất.

nhiem-vi-khuan-hp-o-tre-em-la-gi-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh

Vi khuẩn HP có thể tìm thấy trong nước bọt, đường tiêu hóa – dạ dày, ruột và cả trong phân, nước tiểu (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Cẩm Tú, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em chính là việc sử dụng chung đũa, muỗng, uống chung ly hay sử dụng chung những vật dụng vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, với những người bị nhiễm vi khuẩn HP, việc ôm hôn trẻ hay có những hành vi thân mật cũng sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn này.

2. Trẻ em nhiễm vi khuẩn HP có những dấu hiệu nào?

Trên thực tế, nhiễm vi khuẩn HP không gây ra tình trạng nhiễm trùng cấp tính cũng như các triệu chứng dữ dội mà thông thường đây là một tình trạng viêm mãn tính. Khoảng 80% các trường hợp nhiễm khuẩn HP ở trẻ em không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, chỉ âm ỉ trong cơ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sẽ có những triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài như:

  • Bị đau bụng vùng trên rốn.
  • Ợ chua, ợ hơi.
  • Trường hợp nghiêm trọng có thể gây loét bao tử và biểu hiện bằng dấu hiệu đi ngoài phân đen, nôn ra máu hoặc thiếu máu.

Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn HP và cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn.

3. Có thể điều trị nhiễm khuẩn HP bằng cách nào?

Bác sĩ Cẩm Tú cho biết, để điều trị nhiễm khuẩn HP người bệnh cần phải xác định được chính xác mình có đang nhiễm khuẩn hay không và loại vi khuẩn này có gây ra bệnh lý hay không. Xét nghiệm cũng chính là cách tốt nhất để tìm ra vi khuẩn HP trong cơ thể.

Xét nghiệm HP rất đa dạng, bao gồm: 

  • Test hơi thở: Người bệnh sẽ thở qua cái bong bóng, sau đó, bác sĩ sẽ đo nồng độ khí ở trong bong bóng để xác định xem có sự hiện diện của vi khuẩn HP hay không.
  • Xét nghiệm phân cũng là một loại xét nghiệm đơn giản để thực hiện.
  • Nội soi: Đây là phương pháp có thể giúp chẩn đoán chính xác nhất trong việc tìm ra vi khuẩn HP. Khi thực hiện phương pháp nội soi, bác sĩ có thể quan sát và phát hiện những tổn thương bên trong dạ dày, đồng thể bác sĩ cũng có thể lấy một lượng mô mỡ rất nhỏ (khoảng 1 – 2mm) để quan sát dưới kính hiển vi hoặc làm xét nghiệm sinh học phân tử để đánh giá xem có sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày hay không.

Sau khi phối hợp nhiều cách xét nghiệm, bác sĩ sẽ có kết luận người bệnh có bị nhiễm khuẩn HP hay không và từ đó sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. 

nhiem-vi-khuan-hp-o-tre-em-la-gi-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-1-voh

Kháng sinh là biện pháp điều trị bắt buộc khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào nhiễm khuẩn HP cũng cần phải điều trị mà điều quan trọng là xem xét vi khuẩn HP có gây bệnh hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ tiếp tục làm xét nghiệm cấy và đánh giá vi khuẩn này còn nhạy với loại thuốc kháng sinh nào, sau đó mới đưa ra các phác đồ điều trị cho bệnh nhân, nhằm đảm bảo việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Và sử dụng kháng sinh chính là biện pháp điều trị bắt buộc đối với những trường hợp nhiễm khuẩn HP ở trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, vi khuẩn này có điểm đặc biệt khác với những loại vi khuẩn khác là bác sĩ sẽ không sử dụng một loại kháng sinh duy nhất mà sẽ phối hợp 2 loại kháng sinh cùng với một loại thuốc khác, gọi là thuốc ức chế toan – loại thuốc giúp làm thay đổi điều kiện để vi khuẩn không thể sinh sôi và nảy nở.

Với một phác đồ điều trị phối hợp thì thời gian điều trị nhiễm khuẩn HP có thể kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng, thậm chí là 2 tháng nếu như bệnh nhân bị loét. 

Bên cạnh đó, bác sĩ Tú cho biết thêm, quá trình điều trị nhiễm khuẩn HP tùy thuộc rất nhiều vào việc vi khuẩn đó còn nhạy với kháng sinh được dùng hay không. Nếu còn, tỷ lệ thành công sẽ rất cao, nhưng nếu bác sĩ xác định không có một kháng sinh đồ nào phù hợp, việc điều trị chỉ dựa theo kinh nghiệm thì tỷ lệ thành công sẽ không được đảm bảo tốt.

3.1 Lưu ý tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn HP

Theo bác sĩ Tú, tình trạng kháng kháng sinh hiện nay đang là một tình trạng đáng báo động không chỉ riêng với vi khuẩn HP mà là tất cả những loại vi khuẩn khác. 

Chính vì vậy, khi sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn HP, người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có thể đạt hiệu quả tiệt trừ ngay từ lần đầu tiên. Bởi phác đồ điều trị loại vi khuẩn này chỉ giới hạn trong khoảng 3 – 4 phác đồ. Nếu đã điều trị hết các phác đồ, vi khuẩn kháng hết thuốc thì cũng sẽ không còn thuốc để điều trị nữa.

Ngoài ra, với những trường hợp trẻ bị nhiễm HP và đã được điều trị rồi thì cũng có thể bị tái phát cũng như tái nhiễm trở lại với tỷ lệ khoảng 1 – 5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể được giảm xuống nếu như cha mẹ có kế hoạch phòng ngừa an toàn cho trẻ sau khi đã được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ audio dưới đây: