Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Thai lưu – Dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa

(VOH) - Thai lưu là một trong những vấn đề quan trọng mà các thai phụ cần đặc biệt chú ý, bởi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không được can thiệp kịp thời.

Lối sống và tình trạng sức khỏe của người mẹ sẽ quyết định đến sự phát triển của thai nhi cũng như hạn chế được những vấn đề đáng tiếc xảy ra. Chính vì thế, việc trang bị cho mình những kiến thức về dấu hiệu, nguyên nhân gây thai lưu cũng như cách phòng tránh sẽ giúp chị em có được một thai kỳ khỏe mạnh.

1. Thai lưu là gì?

Thai lưu (thai chết lưu) là hiện tượng em bé đã chết trước khi được sinh ra và sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu thai chết trước tuần thứ 20 sẽ được gọi là sảy thai.

Thai chết lưu trong tử cung người mẹ quá lâu có thể dẫn đến rối loạn đông máu, thai bị vôi hóa, hoại tử dẫn đến mẹ bị nhiễm trùng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

2. Nguyên nhân gây ra thai lưu

Hiện tượng thai bị lưu có thể xảy ra do bất thường ở người mẹ hoặc do thai, nên rất khó để tìm ra nguyên nhân chính xác làm cho thai nhi tử vong. Một số nguyên nhân thường gặp như:

2.1 Nguyên nhân thai chết lưu từ người mẹ

  • Mẹ mắc bệnh mãn tính: Những bệnh tiểu đường, suy thận, bệnh tim, tuyến giáp và bệnh cao huyết áp cũng đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
  • Xảy ra bất thường ở tử cung: Những dị dạng ở tử cung có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai, thậm chí làm thai ngừng phát triển.
  • Mẹ bị nhiễm trùng: Một số nhiễm trùng từ cơ thể người mẹ có thể lây sang thai nhi và khiến con ngừng phát triển.
  • Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo: Phụ nữ mang thai có chế độ dinh dưỡng không tốt cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bé yêu trong bụng.
  • Mẹ lớn tuổi: Những phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 40 thường sẽ gặp nhiều biến chứng trong thai kỳ, trong đó có hiện tượng thai chết lưu (tỷ lệ thai chết lưu cao gấp 5 lần so với những người mẹ tuổi dưới 40).
  • Nhiễm độc thai nghén: Đây là một bệnh lý thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

thai-luu-dau-hieu-canh-bao-va-cach-phong-ngua-voh

Nguyên nhân thai chết lưu có thể đến từ người mẹ hoặc từ thai nhi (Nguồn: Internet)

2.2 Nguyên nhân thai lưu từ thai nhi

  • Bất thường nhiễm sắc thể: Những thai nhi có cấu trúc nhiễm sắc thể không bình thường rất dễ xảy ra hiện tượng sảy thai, thai chết lưu hoặc chết ngay sau khi sinh.
  • Biến chứng dây rốn: Khi dây rốn không được gắn chặt vào nhau thai, thai nhi sẽ bị thiếu oxy, không lấy được chất dinh dưỡng và không phát triển được.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như thiếu oxy trong lúc sinh hoặc mẹ bị động thai, chấn thương do tai nạn... cũng có thể dẫn đến thai lưu.

3. Dấu hiệu thai lưu như thế nào?

Không khó để tìm ra những dấu hiệu nhận biết thai lưu nếu mẹ thường xuyên tìm hiểu thông tin và đi khám thai định kỳ đúng hẹn. Dưới đây là những triệu chứng bị thai lưu mà mẹ cần lưu ý:

  • Cử động thai giảm, không còn cảm nhận được thai máy
  • Tim thai bất thường lúc siêu âm, không còn nghe thấy nhịp tim thai nhi là một biểu hiện của thai chết lưu
  • Thai lưu 3 tháng đầu các dấu hiệu mang thai bình thường như ốm nghén, thèm ăn sẽ giảm sút
  • Một trong những dấu hiệu thai lưu khác chính là bụng mẹ bầu bị co cứng, nặng nề.
  • Xuất huyết âm đạo cũng là dấu hiệu cảnh báo có thể bị thai lưu
  • Ngực tự động tiết sữa non, bầu vú không còn căng cứng
  • Vỡ nước ối bất ngờ dù chưa hề có dấu hiệu chuyển dạ khi sinh.

3.1 Những đối tượng có nguy cơ cao gặp hiện tượng thai lưu

Các bác sĩ sản khoa cho biết, bất cứ ai cũng đều có thể gặp phải tình trạng thai lưu, nhưng một số phụ nữ nằm trong nhóm đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác.

  • Người đã từng bị thai lưu một lần hoặc nhiều lần, người mắc hội chứng chậm phát triển trong thai kỳ trước đó, có tiền sử sinh non, tăng huyết áp do mang thai hoặc tiền sản giật cũng sẽ làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
  • Phụ nữ mắc các bệnh mãn tính như lupus, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, rối loạn đông máu hoặc bệnh tuyến giáp.
  • Người béo phì.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc gây nghiện trong thời kỳ mang thai.
  • Phụ nữ mang song thai hoặc đa thai.
  • Phụ nữ mang thai dưới 15 tuổi hoặc trên 40 tuổi.
  • Những chị em lần đầu mang thai cũng có nguy cơ cao hơn.

4. Hiện tượng thai lưu gây ra những ảnh hưởng gì?

Thai chết lưu sẽ không gây biến chứng nguy hiểm gì lớn cho sức khỏe và tính mạng người mẹ nếu như được phát hiện và xử lý kịp thời.

thai-luu-dau-hieu-canh-bao-va-cach-phong-ngua-1-voh

Hiện tượng thai lưu nếu không được phát hiện sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, trường hợp thai chết không bị sảy ngay mà nằm lại trong tử cung một thời gian sẽ khiến mẹ bị nhiễm trùng hoặc nặng hơn là gây rối loạn đông máu cho mẹ. Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể nguy hại đến tính mạng thai phụ.

5. Phương pháp chẩn đoán và điều trị thai lưu

Trong quá trình khám thai định kỳ, nếu phát hiện dấu hiệu thai lưu hoặc có nghi ngờ bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm hoặc dùng thiết bị Doppler cầm tay để kiểm tra nhịp tim của thai.

Nếu thai nhi đã chết và không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thì bác sĩ sẽ để thai phụ lựa chọn: để chuyển dạ tự nhiên hay chuyển dạ bằng thuốc.

Trong trường hợp thai lưu có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bác sĩ sẽ phải thực hiện lấy em bé ra càng sớm càng tốt. Sau đó thực hiện xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân thai chết lưu.

Ba thủ thuật y khoa được sử dụng để xử lý thai chết lưu, đó là:

  • Gây khởi phát chuyển dạ (dùng thuốc)
  • Nong cổ tử cung và hút
  • Mổ lấy thai.

6. Các biện pháp giúp phòng ngừa thai lưu

Những thói quen trong sinh hoạt sẽ giúp hạn chế và ngăn ngừa thai lưu từ sớm. Vì thế, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Ngừng hút thuốc
  • Tránh uống rượu và các loại thuốc trong giai đoạn mang thai, vì chúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai cũng như làm tăng nguy cơ sảy thai và thai lưu.
  • Khám thai định kỳ đầy đủ để bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển và sức khỏe của em bé.

Tình trạng thai lưu có thể hoàn toàn xảy đến một cách tự nhiên và khó kiểm soát. Chỉ bằng cách thường xuyên chăm sóc bản thân và theo dõi thai kỳ thì mới có thể giúp mẹ giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể xảy ra.