Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tiêu chảy ở trẻ em- bệnh nguy hiểm các mẹ cần phải biết

Tiêu chảy ở trẻ em là tình trạng thường hay mắc phải ở trẻ giai đoạn đầu phát triển, nếu không có được những biện pháp giải quyết kịp thời sẽ có thể gây ra những nguy hiểm đến sức khỏe của bé.

Theo tổ chức y tế Thế Giới, tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi được ghi nhận với con số khá cao. Tại Việt Nam, tiêu chảy là một trong những bệnh lý chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em hiện nay.

Để hiểu hơn về bệnh tiêu chảy ở trẻ em cũng như có được những biện pháp chăm sóc điều trị kịp thời cho bé, Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Thu Hà - Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Thành Phố, huyện Bình Chánh sẽ có những chia sẻ cụ thể ngay sau đây.

1. Tiêu chảy - một trong những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đâu gây nên bệnh tật và tử vong ở trẻ, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo thống kê của tổ chức y tế Thế Giới hàng năm có khoảng trên 1 tỷ trẻ em mắc các bệnh tiêu chảy và trong đó có tới 4 triệu trẻ em tử vong, 80% trường hợp trẻ tử vong nằm trong độ tuổi dưới 2 tuổi, cụ thể là ở lứa tuổi từ 6 đến 11 tháng.

Tiêu chảy là một bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, căn bệnh này có thể do một số tác nhân gây ra khiến cho trẻ em phải nhập viện điều trị. Theo định nghĩa, tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần trong 1 ngày (trừ những em bé bú sữa mẹ).

benh-tieu-chay-o-tre-em-nguy-hiem-the-nao-VOH

Tiêu chảy là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em (Nguồn: Internet)

1.1 Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Theo chia sẻ của bác sĩ Hà, đa số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ em là do nhiễm:

  • Nhiễm virus (đứng đầu là loại rota virus).
  • Nhiễm trùng, vi trùng (nhiễm trùng shigella, e.coli và vi trùng bệnh tả) hoặc các loại ký sinh trùng như giun sán…

1.2 Vì sao tình trạng tiêu chảy ở trẻ em lại gây nguy hiểm ?

Tiêu chảy gây nên tình trạng mất nước và điện giải, việc mất nước và điện giải tới một mức độ nào đó nếu không được bổ sung kịp thời sẽ khiến cho em bé bị thiếu thể tích trong tuần hoàn, gây suy tim, thậm chí là tử vong.

Tình trạng tiêu chảy kéo dài còn có gây ra các tình trạng nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng huyết gây tử vong.

2. Làm thế nào để phân biệt bệnh tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính ?

Bệnh tiêu chảy được phân loại thành 3 loại được chia theo thời gian:

  • Tiêu chảy là tình trạng bé bị tiêu chảy phân lỏng trên 3 lần 1 ngày.
  • Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy dưới 14 ngày còn trên 14 ngày sẽ được gọi là tiêu chảy kéo dài.
  • Tiêu chảy phân lượng hay còn gọi là bệnh kiết lỵ với biểu hiện là đi cầu phân ra máu và phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

benh-tieu-chay-o-tre-em-nguy-hiem-the-nao-1-VOH

Tiêu chảy cấp ở mức độ nhẹ cha mẹ có thể tự chăm sóc tại nhà (Nguồn: Internet)

Và không phải bất cứ trường hợp tiêu chảy nào ở trẻ cũng cần phải đưa đến bệnh viện. Phần lớn các bậc cha mẹ có thể tự chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà và chỉ đưa bé đến bệnh viện ở một số trường hợp em bé có triệu chứng mất nước như:

  • Em bé ngủ li bì.
  • Em bé bỏ bú sữa mẹ
  • Em em không uống được hoặc em bé đòi uống nước liên tục
  • Em bé bị sốt, ôn ói, đi tiêu quá nhiều và không thể ăn uống được.

2.1 Bác sĩ Thu Hà khuyến cáo:

Khi trẻ bị tiêu chảy các bậc cha mẹ cần thiết phải bù điện nước và điện giải cho bé. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể để bé có thể phục hồi bệnh tốt hơn.

Tuyệt đối không được giảm bớt lượng dinh dưỡng nạp vào cho bé, vì trong giai đoạn này bé đang bị thiếu dinh dưỡng nếu không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khiến bé bị suy dinh dưỡng và khó có thể phục hồi được như trạng thái lúc đầu.

3. Giải đáp các thắc mắc thường gặp

3.1 Hỏi: Mẹ bị tiêu chảy có nên ngưng cho bé bú không? Khi bé chuyển sang giai đoạn ăn dặm bị tiêu chảy để bé tự khỏi có được không ?

Đáp: Mặc dù mẹ bị tiêu chảy nhưng thành phần sữa mẹ vẫn không thay đôi, dó đó mẹ vẫn có thể cho bé bú sữa bình thường vì không gây ảnh hưởng đến bé. Trong trường hợp bé dứt sữa, đang ăn dặm bị tiêu chảy do thức ăn thì cha mẹ chỉ cần cung cấp đủ dinh dưỡng và lượng điện nước cho bé, cũng không cần phải can thiệp thêm bất cứ loại thuốc nào.

3.2 Hỏi: Bé có uống thuốc phòng ngừa tiêu chảy thì có hạn chế được tình trạng tiêu chảy sau này hay không ?

Đáp: Một trong những biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ em chính là uống thuốc phòng ngừa. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có thể làm hạn chế các tình huống bị tiêu chảy nặng do vi khuẩn gây ra.

3.3 Hỏi: Cho bé uống kháng sinh để điều trị bệnh tiêu chảy có gây ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé hay không? Ngoài ra, bé thường xuyên trân mình, ra mồ hôi vùng gáy đầu có phải bé bị thiếu canxi hay không ?

Đáp : Việc sử dụng kháng sinh điều trị bệnh tiêu chảy chỉ được chỉ định với những trường hợp bị tiêu đờm máu, kiết lỵ. Với những trường hợp tiêu chảy cho nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi thì việc sử dụng kháng sinh là dư thừa, có thể gây ra tình trạng tiêu chảy do loạn khuẩn đường ruột. Do đó, nên cân nhắc việc sử dụng kháng sinh trong việc điều trị tiêu chảy cho bé.

Với triệu chứng bé thường trân mình, ra mồ hôi vùng gay đầu thì bạn nên đưa bé đên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám chính xác.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh tiêu chảy ở trẻ em do Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Thu Hà - Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Thành Phố, huyện Bình Chánh chia sẻ.