Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ mẹ cần biết để không làm hại trẻ

(VOH) - Rất nhiều tình trạng trẻ bị nôn trớ, ọc sữa, vì vậy các mẹ không nên xem thường tình trạng này bởi đó có thể là những dấu hiệu trẻ đang gặp các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa.

1. Trẻ bị nôn trớ là gì?

Nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, sau đó trào ra miệng có áp lực. Trớ (từ ngữ thường dùng trong dân gian) dùng để chỉ tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, sữa hoặc thức ăn ra ngoài miệng ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Như vậy, nôn trớ là tình trạng thường xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn các bé từ 1 – 2 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn yếu ớt, các van trong dạ dày hoạt động chưa được đồng bộ nên khi bú bé dễ nuốt hơi vào dạ dày. Lượng hơi “dư thừa” này không chỉ làm bé dễ no hơn mà còn khiến trẻ hay bị nôn trớ hoặc ọc sữa.

cach-xu-ly-khi-tre-bi-non-tro-me-can-biet-de-khong-lam-hai-tre-voh-0

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ gặp tình trạng nôn trớ (Nguồn: Internet)

Tình trạng trẻ em bị nôn trớ có thể là lành tính, tự khỏi khi bé lớn hơn, nhưng đôi khi trẻ bị nôn trớ nhiều, liên tục thì lại là biểu hiện của những bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản hay triệu chứng bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý  toàn thân…

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị nôn trớ nhiều

Nôn trớ ở trẻ em có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ sinh lý đến bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nôn trớ nhiều lần:

2.1 Nôn trớ sinh lý

Nếu trẻ ăn no bị nôn trớ hoặc trẻ bị trớ khi thay đổi tư thế, khi khóc… thì có thể do đường ruột bé chưa trưởng thành hoặc do bé quá no.

Nôn trớ sinh lý thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ sau khi bị nôn vẫn chơi bình thường, không có nhiều ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể.

Tuy nhiên, nếu trẻ được 12 – 14 tháng tuổi mà vẫn bị nôn trớ nhiều lần thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ vì có thể liên quan đến một dị dạng nào đó của đường tiêu hóa.

2.2 Nôn trớ bệnh lý

Ngoài nôn trớ đơn thuần liên quan đến việc ăn uống thì tình trạng nôn trớ ở trẻ cũng có thể do bệnh lý gây ra. Một số bệnh gây nôn trớ ở trẻ và dấu hiệu nhận biết bao gồm:

  • Viêm dạ dày (do virus hoặc vi khuẩn): Đây là bệnh lý phổ biến nhất gây nôn trớ ở trẻ em
  • Viêm tai mũi họng, bệnh đường ruột, nhiễm trùng tiết niệu: Trẻ sẽ có biểu hiện bị nôn trớ, kèm theo đó là tình trạng bị sốt và tiêu chảy.
  • Rối loạn tiêu hóa, bệnh lồng ruột, tắc ruột, đau ruột thừa: Dấu hiệu thường thấy là trẻ bị nôn trớ và sốt (hoặc không sốt), không muốn ăn uống hoặc ăn uống vào sẽ nôn trớ ra hết. Cùng với đó là tình trạng đau bụng, cong người, không đi tiêu được hoặc đi tiêu có chút máu.
  • Hẹp phì đại môn vị: Trẻ từ 3 – 5 tuổi nếu có triệu chứng nôn trớ dữ dội nhiều lần, nhất là sau khi bú thì bé có thể bị bệnh hẹp phì đại môn vị. Đây là căn bệnh cần được chỉ định phẫu thuật.
  • Viêm phổi: Trẻ bị viêm phổi sẽ xuất hiện tình trạng nôn trớ và ho.
  • Cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp: Có thể gây ra tình trạng trẻ bị nôn sau một cơn ho..

Ngoài ra, trẻ sau khi ốm xong cũng có thể gây ra hiện tượng nôn trớ do cơ thể bé chưa thể thích nghi lại với môi trường sống. Một số trẻ bị nôn trớ do tâm lý, làm nũng cha mẹ, hoặc do căng thẳng, bất an.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh thở nhanh là hiện tượng bình thường hay dấu hiệu viêm phổi?

3. Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ

Ngay khi trẻ nôn trớ, mẹ phải nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.

cach-xu-ly-khi-tre-bi-non-tro-me-can-biet-de-khong-lam-hai-tre-voh-1

Quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng sau khi trẻ nôn trớ (Nguồn: Internet)

Tuyệt đối tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

Nếu trẻ bị trớ khi ngủ hãy đặt trẻ nằm yên, kê cao đầu, đồng thời luôn để thân mình phía trên của bé cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị trớ sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi.

Lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.

Khi bé ngừng nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần cho uống luân phiên 50ml nước đường sau mỗi 30 phút để bù nước cho bé.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

Trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn.

Sau khoảng 12 tiếng, khi bé không còn nôn trớ, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường. Nên bắt đầu với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Có thể cho trẻ ăn cháo loãng, uống sữa, ăn sữa chua và tuyệt đối không ăn, uống đồ lạnh.

Cho bé đi ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi, tránh đùa nghịch để hạn chế thức ăn lại bị trào ngược ra ngoài.

Lưu ý: Tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng các loại thuốc chống nôn trớ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm: Tình trạng khò khè ở trẻ em do nguyên nhân gì? Cách điều trị hiệu quả

4. Những trường hợp trẻ bị nôn trớ cần đưa đến bệnh viện

Trẻ bị nôn trớ cần được đưa đến các cơ sở y tế được bác sĩ thăm khám và điều trị khi:

  • Trẻ sơ sinh đến những trẻ 3 tháng tuổi bị nôn trớ nhiều lần (nhiều hơn 1 lần).
  • Trẻ bị trướng bụng, tiêu chảy. Có dấu hiệu bị mất nước, miệng khô, ít nước mắt, ít đi tiểu.
  • Trẻ bị sốt cao, đau đầu, phát ban, đau dạ dày, cứng cổ.
  • Trẻ bị nôn trớ nhiều lần trong ngày hoặc liên tục nôn trớ trên 24 tiếng.
  • Có máu hoặc mật trong chỗ nôn ói. Bé bị co giật, khó thở.
  • Cơ thể trẻ xanh xao, ốm yếu, khó thức dậy (thường hay lơ mơ).

5. Lời khuyên dành cho mẹ khi chăm sóc trẻ bị trớ nhiều lần

Khi chăm sóc trẻ bị nôn trớ các mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của bé

5.1 Trẻ bú sữa mẹ

Mẹ cho bé bú từ từ, không để bé bú quá no và chỉ cho bé nằm sau khi đã bú mẹ ít nhất 15 phút.

Mẹ cần học các tư thế cho trẻ bú đúng, chẳng hạn như: mẹ bé đầu và người trẻ nằm trên một đường thẳng, quay mặt bé vào vú, mũi bé đối diện với núm vú. Mẹ ôm sát bé và dùng tay đỡ mông bé. Sau đó, chạm vú vào môi trên của trẻ, khi bé mở miệng mẹ đưa miệng bé vào vú sao cho môi dưới của bé nằm dưới núm vú.

cach-xu-ly-khi-tre-bi-non-tro-me-can-biet-de-khong-lam-hai-tre-voh-2

Cho trẻ bú sữa mẹ đúng tư thế sẽ giúp làm giảm tình trạng bị nôn trớ (Nguồn: Internet)

Nên để trẻ bú ở vú bên trái trước. Sau đó, chuyển sang bên vú phải.

Sau khi trẻ bú xong, bế bé ở tư thế thẳng, cằm bé đặt trên vai mẹ, mẹ vỗ nhẹ phần lưng để bé có thể ợ hơi.

5.2 Trẻ bú bình

Mẹ nghiêng bình sữa cho bé bú, sao cho sữa ngập cổ bình để tránh tình trạng bé nuốt không khí vào trong gây nôn trớ.

Xem lại núm vú bởi nếu tốc độ chảy nhanh quá cũng sẽ khiến trẻ bị nôn trớ do phải hít quá nhiều hơi trong khi bú bình.

Với trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên mẹ có thể cho thêm chút chất bột vào sữa của bé. Những trẻ nhỏ hơn 5 tháng tuổi nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng loại sữa chuyên dụng nào để chống nôn trớ ở trẻ nhỏ.

Xem thêm: 7 mẹo đơn giản tập cho bé bú bình ‘dễ như trở bàn tay’ mẹ đã biết chưa?

5.3 Trẻ ăn dặm

Với những trẻ mới tập ăn dặm, mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất.

Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, song vẫn phải đảm bảo đủ số lượng trong ngày.

Các bữa ăn của trẻ nên tập trung và thời gian ăn chỉ nên kéo dài trong khoảng 30 phút.

Ngoài ra, một số lưu ý khác cha mẹ cũng cần lưu ý thêm đó là:

  • Tránh để trẻ ngửi phải khói thuốc lá vì đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị trớ sữa, thức ăn…
  • Không cho trẻ uống nước quá sớm. Với trẻ lớn hơn thì chỉ nên cho trẻ uống nước sau bữa ăn khoảng từ 30 phút đến 1 giờ.
  • Với trẻ sơ sinh chỉ nên cho trẻ nằm ngửa, không quấn tã quá chặt hoặc cho trẻ mặc quần áo quá chật.

Trên đây là những kiến thức cần thiết để mẹ có thể chăm sóc và xử trí trẻ bị nôn trớ. Hi vọng qua những thông tin trên sẽ giúp các mẹ chăm sóc bé tốt hơn để trẻ không bị gián đoạn trong quá trình phát triển.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/channel/UCS9abANl51w7lCV0nHmAWOw

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận