Tiêu điểm: Nhân Humanity

7 triệu chứng nhận biết bệnh viêm màng não ở trẻ em

(VOH) – Viêm màng não ở trẻ em là căn bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa. Đây là căn bệnh thật sự nguy hiểm, cần được điều trị sớm để ngăn ngừa tử vong hoặc các di chứng ở trẻ.

1. Viêm màng não ở trẻ em là bệnh gì?

Viêm màng não ở trẻ là một căn bệnh có liên kết với tình trạng viêm nhiễm lớp màng bảo vệ bộ phận não và tủy sống. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất mà nguyên nhân gây bệnh có thể là là do:

  • Nhiễm trùng, nhiễm virus, nấm
  • Phản ứng phụ của thuốc
  • Nhiễm các chất độc hại từ môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp viêm màng não ở trẻ nhỏ thường là do vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây bệnh.

Bệnh viêm màng não ở trẻ phần lớn đều lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan. Bệnh thường gặp vào mùa hè, nắng nóng vì những thời điểm này trẻ em thường dễ mắc bệnh bệnh đường hô hấp nên đã tạo điều kiện cho một số loại vi trùng, siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

2. Nhận biết dấu hiệu viêm màng não ở trẻ

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh có rất nhiều nhưng các triệu chứng viêm màng não ở trẻ lại tương đối trùng lặp. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp cha mẹ có thể nhận biết:

2.1 Đột nhiên phát sốt

Một trong những dấu hiệu viêm màng não ở trẻ chính là bé đột nhiên phát sốt với các biểu hiện gồm: rùng mình và liên tục nói với người lớn rằng bé cảm thấy rất lạnh.

Thân nhiệt cơ thể bé tăng lên rất nhanh kèm theo đó là việc khó hạ sốt. Tuy vậy, dấu hiệu này cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nên cha mẹ cần để ý đến những thay đổi khác của bé khi bị sốt.

2.2 Đau đầu nghiêm trọng

7-trieu-chung-nhan-biet-benh-viem-mang-nao-o-tre-em-voh

Trẻ bị viêm màng não thường bị đau đầu dữ dội (Nguồn: Internet)

Đau đầu do viêm màng não không chỉ đơn giản là đau bình thường mà là đau một cách dữ dội khiến bé không thể chịu nổi. Hơn nữa, cơn đau có thể làm ảnh hưởng đến cổ của bé nhưng hầu như ít được người lớn chú ý. Thóp phồng lên cũng là dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý.

2.3 Tầm nhìn song thị

Những em bé bị viêm màng não thường không thể tập trung thị lực, dẫn đến việc trẻ thường bị hoa mắt hoặc nhìn một vật ra thành hai vật.

2.4 Đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn

Bệnh viêm màng não có thể gây ra cảm giác chán ăn ở trẻ. Tình trạng này xảy ra một phần là do bé bị buồn nôn hoặc nôn liên tục kèm theo triệu chứng đau dạ dày.

2.5 Nhạy cảm với ánh sáng

Nhạy cảm với ánh sáng cũng là một biểu hiện viêm màng não ở trẻ nhỏ. Khi tiếp xúc với ánh sáng, bé có thể bị chảy nước mắt, buồn nôn cùng với cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn.

2.6 Cơ bắp vùng chẩm cứng lại

Cha mẹ có thể phát hiện trẻ bị viêm màng não từ tư thế nằm của trẻ. Nếu bé bị bệnh viêm màng não bé sẽ có biểu hiện nằm nghiêng qua một bên với đầu ngửa ra và cong chân xuống. Bên cạnh đó, các nỗ lực sửa lại tư thế bé đều không hiệu quả.

Kể cả khi xoay thân người bé để nằm thẳng lại, đầu gối của trẻ cũng sẽ lập tức cong và trẻ sẽ khóc nếu người lớn cố gắng duỗi thẳng chân ở tư thế này. (Hiện tượng này được gọi là dấu hiệu cổ Brudzinski có thể xuất hiện ở bệnh viêm màng não khi bệnh nhân không thể mở rộng chân của mình nếu nó được nâng lên khoảng 90 độ).

2.7 Phát ban da

Phát ban da cũng có thể liên quan đến bệnh viêm màng não ở trẻ em. Nếu muốn biết trẻ phát ban da có phải do viêm màng não hay không, cha mẹ có thể thực hiện một bài kiểm tra nhỏ gồm các bước sau:

  • Bước 1: Lấy một ly thủy tinh trong suốt, đặt lên chỗ mẩn đỏ và ấn vào da cho đến khi thấy da trở nên nhợt nhạt.
  • Bước 2: Quan sát những nốt phát ban. Nếu những nốt này trở nên nhợt nhạt cùng với da thì trẻ không bị viêm màng não. Nếu nốt ban không phai thì cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.

3. Điều trị bệnh viêm màng não ở trẻ như thế nào?

Viêm màng não là một loại bệnh cần được điều trị cấp cứu kịp thời. Nếu kéo dài có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng như: điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động...

7-trieu-chung-nhan-biet-benh-viem-mang-nao-o-tre-em-1-voh

Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh viêm màng não cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt (Nguồn: Internet)

Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý:

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, cần phải cặp nhiệt độ cho trẻ thường xuyên để theo dõi thân nhiệt bé. Nếu trẻ sốt cao nên tiến hành lau mát và uống thuốc hạ sốt. Trường hợp trẻ sốt cao không rõ nguyên nhân đến ngày thứ 3 vẫn không thuyên giảm thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.

Nếu trẻ trong cơn sốt có triệu chứng đau đầu, nôn, đau đầu, co giật, mệt lả người, ngủ li bì, ăn uống kém.... hoặc trẻ đã hết sốt nhưng vẫn còn triệu chứng kể trên thì đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh cần nên đưa  trẻ đến bệnh viện khám ngay.

Tại cơ sở y tế, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm dịch não tủy nhằm phát hiện bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Việc điều trị bệnh viêm màng não ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

  • Nếu viêm màng não do virus, biện pháp điều trị chủ yếu là cải thiện những triệu chứng của bệnh nhân, kết hợp theo dõi lâm sàng để phát hiện kịp thời những biến chứng và không cần dùng kháng sinh.
  • Nếu viêm màng não do vi khuẩn, bác sĩ có thể sẽ điều trị bằng kháng sinh để cứu sống trẻ, tránh các di chứng.
  • Nếu do những nguyên nhân khác, tùy vào nguyên nhân cụ thể sẽ có những phác đồ điều trị riêng biệt.

4. Phòng bệnh viêm màng não ở trẻ em như thế nào?

Để phòng ngừa bệnh viêm màng não xuất hiện ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần phải thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân và nơi ở của trẻ bằng cách:

  • Rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tập cho trẻ thói quen đánh răng và súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng phù hợp với lứa tuổi.
  • Phòng tránh các bệnh đường hô hấp cho trẻ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh qua đường hô hấp.
  • Cha mẹ nên chủ động đưa con đi tiêm chích vắc xin đầy đủ và đúng lịch để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cũng như ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm do virus cúm, thủy đậu, sởi, quai bị...

Có thể nói, viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một căn bệnh nguy hiểm, vì vậy nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ đưa bé đi thăm khám để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của con.

Bình luận