Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai

VOH - Hiểu về áp lực đồng trang lứa cũng như nắm rõ khía cạnh tích cực và tiêu cực của trạng thái tâm lý này, chúng ta sẽ vững vàng hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Trong những năm gần đây, khái niệm “Peer pressure” (áp lực đồng trang lứa) có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người. Từ môi trường học đường đến công sở, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ cuộc sống thực đến không gian ảo, áp lực đồng trang lứa thực sự trở thành một nỗi ám ảnh tâm lý nặng nề. Cùng VOH tìm hiểu về áp lực đồng trang lứa là gì và cách vượt qua trong bài viết dưới đây.

Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) là gì?

Áp lực đồng trang lứa (tiếng Anh: Peer pressure) là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng công ty, lĩnh vực chuyên môn,...). Điều này khiến họ phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm.

Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 1
Áp lực đồng trang lứa là chuyện không của riêng ai trong “thời đại số” - Ảnh: IStock

Thanh thiếu niên là đối tượng thường được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập tới áp lực đồng trang lứa bởi sự thiếu hụt kinh nghiệm sống, cũng như những thay đổi về tâm sinh lý khiến họ dễ bị tác động hơn. 

Chúng ta thường cho rằng áp lực đồng trang lứa chỉ xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nhưng thực tế, những người từ 18 đến 30 tuổi cũng gặp tình trạng tương tự.

Xem thêm:
Áp lực cuộc sống là gì? Những cách vượt qua áp lực trong cuộc sống
Kiên định là gì và có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống
Tại sao nhiều người lại sợ "khủng hoảng tuổi 25"?

Áp lực đồng trang lứa xảy ra trong độ tuổi nào?

Áp lực đồng trang lứa có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong cuộc sống, nhưng nó thường xuất hiện mạnh mẽ trong giai đoạn tuổi trẻ. Dưới đây là các giai đoạn tuổi mà áp lực đồng trang lứa thường xảy ra phổ biến:

  • Giai đoạn thiếu niên (từ 12 - 15 tuổi): Áp lực đồng trang lứa nhen nhóm khi họ bắt đầu khám phá thế giới và xây dựng nhóm bạn bè. Trong giai đoạn này, họ có xu hướng bị tác động nhiều về hành vi và quyết định của mình bởi bạn bè và các mối quan hệ xã hội.
  • Giai đoạn thanh niên (từ 16 - 30 tuổi): Áp lực đồng trang lứa tăng cao hơn khi con người đi vào giai đoạn tự lập. Lúc này, họ đối diện với nhiều thách thức trong học tập, nghề nghiệp, tình cảm và các mối quan hệ xã hội. Mặc dù đây là giai đoạn con người đã định hình những tính cách, lối sống, mục tiêu riêng nhưng áp lực từ gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội vẫn ảnh hưởng lớn đến quyết định và tâm lý của họ.
  • Giai đoạn trung niên (từ 30 tuổi trở đi): Áp lực đồng trang lứa tiếp tục tồn tại trong giai đoạn này, khi mà người trưởng thành đối mặt và gánh vác những trách nhiệm lớn lao hơn trong cuộc sống như gia đình, sự nghiệp, sức khỏe. Áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp và xã hội có thể tác động đến quyết định về công việc, tài chính và các khía cạnh khác của cuộc sống.

Áp lực đồng trang lứa không giới hạn ở bất kỳ độ tuổi cụ thể nào và có thể xuất hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Điều quan trọng là mỗi người cần nhìn nhận về áp lực này theo hướng tích cực. Sau đó, phát triển khả năng tự quyết định, giữ vững giá trị bản thân và không bị chi phối bởi áp lực từ người khác.

Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa

Có nhiều biểu hiện của áp lực đồng trang lứa. Trong đó, một vài biểu hiện dễ dàng nhận thấy như sau: 

  • Luôn so sánh bản thân: Khi so sánh bản thân với người khác, họ có cảm giác tự ti, nghi ngờ chính mình, lo lắng về việc không đủ xuất sắc hay không thể đáp ứng được kỳ vọng.
  • Gia tăng cảm xúc tiêu cực: Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, căng thẳng, tức giận khi cảm thấy không đạt được thành công hoặc không được chấp nhận bởi nhóm đồng trang lứa.
  • Đánh mất chính mình: Luôn áp lực để thích nghi với các môi trường xã hội. Cảm giác bản thân phải hoàn hảo thì mới có thể đáp ứng kỳ vọng hoặc tiêu chuẩn của nhóm cùng trang lứa.
  • Từ chối sự khác biệt: Lo sợ bị phê phán, không được chấp nhận nếu không đồng ý với ý kiến hay hành vi phổ biến trong nhóm đồng trang lứa.
  • Áp lực trong quan hệ: Không biểu lộ thật lòng, thay đổi cách cư xử để phù hợp với người khác. Vì thế thường không biểu hiện quan điểm riêng của mình để tránh xung đột.

Xem thêm:
Giá trị bản thân là gì? Những danh ngôn, câu nói hay nhất về giá trị bản thân
Vượt qua giới hạn bản thân để chạm tới thành công
Đừng so sánh bản thân với người khác vì bạn là duy nhất

Nguyên nhân của trạng thái áp lực đồng trang lứa

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ với yêu cầu về năng lực, trình độ ngày càng cao, người trẻ của thế kỷ 21 khi ra đời đã gánh trên vai nhiều áp lực. Một trong số đó là áp lực đồng trang lứa.

Người lớn khi tiếp cận với công nghệ có thể dễ dàng kết nối với bạn bè khắp nơi. Khi thế giới trở thành “thế giới phẳng”, các đường biên giới bị sụp đổ, họ không chỉ so sánh mình với hàng xóm, họ hàng, bạn bè mà có thể so sánh với toàn thế giới. Những sự hào nhoáng trên mạng xã hội cũng khiến sự tự ti và mưu cầu thể hiện nhân lên gấp nhiều lần so với thời đại trước.

Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 2
Sự phát triển của mạng xã hội là nguyên nhân phổ biến gây nên áp lực đồng trang lứa - Ảnh: Dribble

Áp lực đồng trang lứa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây nên áp lực đồng trang lứa và ví dụ về áp lực đồng trang lứa:

  • Chủ nghĩa tập thể (Collectivism): Theo tư duy Á Đông, sự phụ thuộc qua lại giữa con người và tập thể rất quan trọng. Con người sẽ xuất hiện nhu cầu thuộc về một nhóm người nào đó, mong muốn được chấp nhận và hòa nhập trong cộng đồng. Vì vậy, họ có xu hướng điều chỉnh hành vi, sở thích hoặc lối sống phù hợp với nhóm người xung quanh để không bị loại trừ hay phản đối. Ví dụ như việc thi đua điểm số, bị so sánh với “con nhà người ta” phản ánh khá rõ khuynh hướng so sánh trong văn hóa tập thể.
  • Sự cạnh tranh: Sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ môi trường nào. Người trẻ thường cảm thấy áp lực phải vượt qua và đạt thành tích cao hơn bạn bè hoặc đồng nghiệp cùng lứa tuổi.
  • Mạng xã hội và truyền thông: Truyền thông và mạng xã hội ngày nay cũng có tác động lớn đến áp lực đồng trang lứa. Mọi người luôn cảm thấy áp lực phải có cuộc sống hoàn hảo, đẹp đẽ như những gì thấy được trên mạng xã hội. 
  • Trào lưu flexing, chia sẻ những thành tựu mà bản thân đạt được cũng khiến nhiều người cảm thấy áp lực, tự ti. Việc nhìn thấy người khác có cuộc sống sung túc, thú vị, thành công hơn khiến cá nhân cảm thấy đố kỵ và thôi thúc họ phải bắt kịp.
  • Sự ảnh hưởng từ gia đình: Áp lực đồng trang lứa không chỉ xuất phát từ bạn bè hoặc đồng nghiệp, mà còn có thể bắt nguồn từ sự kỳ vọng và áp lực từ chính gia đình hoặc người lớn xung quanh. 

Áp lực đồng trang lứa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bản thân đến các tác động từ gia đình đến xã hội. Hiểu và nhận thức về nguyên nhân gây nên giúp người trẻ tìm cách đối mặt, vượt qua áp lực một cách tích cực và lành mạnh.

Tác động của áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa có những tác động tích cực và tiêu cực. Cùng VOH tìm hiểu hai mặt tích cực và tiêu cực của trạng thái tâm lý này để có cái nhìn toàn diện hơn.

Tác động tích cực của áp lực đồng trang lứa

  • Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát triển bản thân: Áp lực đồng trang lứa có thể thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân cùng lứa tuổi. Điều này có thể tăng động lực phấn đấu để cải thiện bản thân, đạt thành tích cao hơn trong học tập, công việc hoặc các lĩnh vực khác.
  • Khám phá các khả năng tiềm ẩn: Áp lực đồng trang lứa có thể đẩy người trẻ tìm hiểu những mối quan tâm mới và thú vị, như tham gia vào các hoạt động, câu lạc bộ hoặc sở thích mới, nhờ đó mở rộng thế giới của họ và làm giàu cuộc sống.
  • Tạo sự đoàn kết và hỗ trợ: Áp lực đồng trang lứa có thể tạo ra sự đoàn kết trong nhóm, khi mà các thành viên hỗ trợ và cổ vũ lẫn nhau trong quá trình vượt qua khó khăn và thử thách.
Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 3
Áp lực đồng trang lứa dễ gây nên những cảm xúc tiêu cực - Ảnh: Dribble

Tác hại của áp lực đồng trang lứa

  • Căng thẳng tinh thần: Áp lực đồng trang lứa có thể gây ra cảm giác căng thẳng và áp lực tinh thần khi phải đáp ứng các kỳ vọng và tiêu chuẩn của nhóm bạn bè hoặc xã hội.
  • Cảm giác tự ti: Người trẻ có thể cảm thấy thiếu tự tin khi so sánh bản thân với những người khác trong nhóm. Đặc biệt là khi cảm thấy mình không đủ xuất sắc hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn xã hội.
  • Không được là chính mình: Áp lực đồng trang lứa có thể khiến người trẻ thay đổi hành vi và giá trị bản thân để hòa nhập vào nhóm, ngay cả khi họ không đồng ý với những điều đó.
  • Tình trạng tâm lý không ổn định: Áp lực đồng trang lứa có thể gây ra tình trạng tâm lý không ổn định như lo âu, trầm cảm và căng thẳng, đặc biệt khi áp lực này kéo dài hoặc không được quản lý đúng cách.
  • Cô đơn: Người trẻ có thể cảm thấy bị từ chối và cô đơn khi không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn xã hội hoặc không được chấp nhận vào nhóm bạn bè.
  • Có xu hướng hành vi độc hại: Trong một số trường hợp, áp lực đồng trang lứa có thể đẩy người trẻ đến việc thực hiện hành vi độc hại nhằm tìm cách thể hiện bản thân hoặc giảm bớt áp lực.
  • Gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định và sự lựa chọn: Áp lực đồng trang lứa có thể khiến người trẻ đưa ra các quyết định và lựa chọn không phù hợp với giá trị và ước mơ cá nhân của họ.

Xem thêm:
Tích cực độc hại là gì? Khi nào thì tích cực trở nên độc hại?
Bi quan là gì? Ý nghĩa và cách kiểm soát trạng thái bi quan của mỗi người
Thụ động là gì? Làm thế nào để khắc phục tính thụ động?

Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa và giữ sự cân bằng

Áp lực đồng trang lứa là trạng thái cảm xúc khó tránh khỏi. Để hạn chế trạng thái áp lực đồng trang lứa, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau đây:

Làm bạn thân với bản thân

Đầu tiên, bạn nên hướng sự tập trung từ bên ngoài vào bản thân. Chú ý đến những điều khiến cơ thể và tinh thần của bạn cảm thấy thoải mái. Đây có thể là những hoạt động bạn yêu thích, những người mang đến sự thoải mái cho bạn, những người có tư duy hiện đại và tích cực trên mạng xã hội. 

“Trò chuyện” với chính mình để biết mình muốn gì và sẽ làm gì. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được hành vi, cảm thấy vui vẻ hơn trong cuộc sống và ít bị phụ thuộc vào đánh giá của những người không liên quan.

Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 4
Điều quan trọng nhất để hạn chế áp lực đồng trang lứa chính là hiểu rõ chính mình - Ảnh: Dani Lâm on Dribble

Giữ vững sự tự tin

Nhận biết bạn có ưu điểm và khuyết điểm gì để phát triển và khắc phục, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Hãy luôn cân nhắc kỹ càng và kiên định, tự tin vào những lựa chọn của mình.

Hãy là chính mình

Trong cuốn sách Mình là cá, việc của mình là bơi của tác giả Takeshi Furukawa, có một câu nói rất hay: “Chúng ta đều là những bông hoa duy nhất trên thế giới này, mỗi người đều mang trong mình một hạt giống khác biệt. Bạn cần nỗ lực hết mình để bông hoa ấy hé nở.”

Chúng ta được sinh ra đã là một bản thể riêng biệt và duy nhất. Ai cũng có một vai trò riêng trong thế giới, điều quan trọng là chúng ta hãy biết yêu thương và trân trọng chính mình. Từ đó, chúng ta mới có cơ hội để nhận ra giá trị của bản thân mình từ bên trong. Sức mạnh từ bên trong sẽ là thứ “vũ khí” lợi hại giúp chúng ta vượt qua những áp lực bên ngoài.

Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 5
Chúng ta sinh ra đã là một bản thể riêng biệt và duy nhất - Ảnh: Dribble

Biết giới hạn của mình

Đặt ranh giới cá nhân và học cách truyền đạt những giới hạn của mình với người khác. Khi bạn không đặt những giới hạn để bảo vệ lợi ích của mình, sẽ có ai đó lợi dụng điều này làm tổn thương bạn.

Nếu bạn thuộc tuýp người cảm thấy “tội lỗi” khi từ chối người khác, hãy tự hỏi bản thân: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Điều đó có đáng để bạn đánh đổi sức khỏe, tinh thần, giá trị hoặc niềm tin của mình hay không?

Học cách từ chối

Hãy học cách từ chối với những điều bạn không thích, sàng lọc lại những mối quan hệ toxic trong cuộc sống, từ chối những cuộc hẹn vô bổ, chọn lọc những thông tin khi tiếp nhận, đặc biệt là trên mạng xã hội. 

Khi bạn tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin tiêu cực, nhìn thấy quá nhiều những người thành công hơn mình, bạn dễ sinh ra tâm lý đố kỵ, tự gây áp lực lên bản thân mình.

Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 6
Học cách từ chối những điều không phù hợp để tránh gây áp lực lên bản thân - Ảnh: Pexels

Biết rằng bạn luôn có lựa chọn

Phân định đúng và sai trong một vài vấn đề thực sự là điều nan giải. Nhưng biết được đâu là điều phù hợp với mình thì hoàn toàn có thể dễ dàng nhìn nhận được.

Ví dụ như lựa chọn bạn bè, người yêu, lựa chọn những người mình theo dõi trên mạng xã hội, lựa chọn giá trị mà mình tin tưởng và cách bản thân phản ứng trước vấn đề. Sẽ thật đáng tiếc nếu bạn không chọn những điều phù hợp nhất với bản thân.

Biết rằng người khác cũng có lựa chọn của riêng họ

Tương tự như việc bạn lựa chọn những điều phù hợp với mình, mọi người cũng có những sự lựa chọn cho riêng họ. Lựa chọn của họ đôi lúc không phù hợp với tiêu chuẩn, quan điểm của bạn. 

Hãy tôn trọng những sự khác biệt. Tôn trọng lựa chọn của người khác sẽ giúp bạn khoan dung hơn với lựa chọn của bản thân.

Biết rằng chính mình là phiên bản độc nhất

Việc so sánh năng lực bản thân với người khác là sự so sánh khập khiễng. Mỗi chúng ta sinh ra không cùng điểm xuất phát, không cùng mục tiêuước mơ. Thước đo chính xác nhất đó là sự nỗ lực. Chỉ có bạn mới biết mình cố gắng như thế nào. Vì vậy, hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

Học cách quản lý cảm xúc

Nếu bạn cảm thấy quá áp lực, hãy tìm cách giải tỏa bằng cách viết nhật ký, vẽ tranh hoặc thực hiện các bài tập như thực hành chánh niệm, thiền, yoga. Đây là những bài tập có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp bạn vững vàng hơn khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực để giải quyết chúng.

Áp lực đồng trang lứa: “Gánh nặng” tâm lý không của riêng ai 7
Tưới cây, nghe nhạc, chăm sóc bản thân là những biện pháp giải tỏa cảm xúc hiệu quả - Ảnh: Dribble

Tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình và người thân

Hãy nói chuyện và tìm sự hỗ trợ từ gia đình và người thân. Họ có thể đưa ra lời khuyên và động lực cho bạn trong những thời điểm khó khăn.

Hãy luôn nhớ rằng, mỗi người đều có những khó khăn riêng và không ai hoàn hảo. Những điều chúng ta nhìn thấy về một người nào đó chỉ là những lát cắt nhỏ trong cuộc sống của họ. Vì vậy, thay vì chạy theo ước mơ của người khác mà lãng quên chính mình, hãy dành thời gian để tập trung vào việc phát triển bản thân, học hỏi từ những thất bại.

Có như vậy, ta mới có thể giữ sự cân bằng trong cuộc sống. Đó cũng là chìa khóa để vượt qua áp lực đồng trang lứa trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

Trên đây là những thông tin về áp lực đồng trang lứa cũng như cách vượt qua áp lực đồng trang lứa mà VOH cung cấp đến bạn.

Áp lực đồng trang lứa sẽ luôn thường trực trong cuộc sống của mỗi người. Nhìn nhận một cách tích cực, áp lực sẽ biến thành động lực giúp chúng ta tiến lên, phát triển hơn. Vì vậy, mỗi người cần hiểu rõ và biết cách xử lý áp lực đồng trang lứa, đặc biệt trong thời đại của công nghệ và mạng xã hội hiện nay.