Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ nói về điều gì?

(VOH) - ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ là câu thành ngữ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta cần tuân thủ những quy định, luật lệ chung khi sinh hoạt hay làm việc tại bất cứ đâu.

Khi bạn sống ở đâu hay làm công việc gì cũng cần phải tuân theo những quy định chung do nơi đó đặt ra. Quan điểm này đã có từ hàng nghìn đời nay và được ông cha ta đúc kết qua câu thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’.

1. Nguồn gốc câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá”

“Thổ công” hay còn được gọi là Thổ địa, là vị thần quản lý và trông coi đất đai trong văn hóa của người Việt. Hiểu một cách đơn giản, tại mỗi vùng đất nhất định đều có một vị Thổ địa cai quản và được nhiều người tôn kính. Tương tự như vậy, “Hà bá” chính là vị thần cai quản vùng sông nước. 

“Đất có thổ công sông có hà bá” hiểu theo nghĩa đen là tại mỗi vùng nhất định thì sẽ có những vị thần trông coi và quản lý riêng.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ 1
Đất có thổ công sông có hà bá là câu thành ngữ quen thuộc của ông cha ta

Một số điển tích đã ghi lại về nguồn gốc của câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá” như sau: 

“Trong giai đoạn thời bình của nước Nam, có một con quỷ xuất hiện với dã tâm gây chia rẽ nhằm chiếm đoạt lãnh thổ cai quản của hai vị thần là Thổ công (thần cai quản vùng đồng bằng thổ nhưỡng) và Hà bá (thần cai quản vùng sông nước).

Yêu quỷ ngỏ ý xin Thổ công cho xây dựng một tòa thành nhỏ cho riêng mình và đã được Thổ công chấp thuận. Tuy nhiên, khi cho xây dựng thành con quỷ không làm lễ tạ Hà bá và khiến cho vị thần cai quản sông nước này nổi giận.

Hà bá đã cho nước chảy ngấm vào lòng đất phía dưới tòa thành của con quỷ khiến tòa thành xây dựng đến đâu liền bị nước chảy xói mòn chân thành đổ đến đó. Thấy vậy, để bảo vệ lãnh thổ của mình, thần Thổ công liền lấy đất chắn mạch nước ngầm của Hà bá lại.

Cơn thịnh nộ của hai vị Thần cai quản đất và nước liên tục nổ ra khiến dân tình kiệt quệ, đất đai và cây cối ngổn ngang… Sau khi chiến đấu quá mệt mỏi, hai vị thần mới nhận ra đây là trò ly gián của con quỷ.

Khi xảy ra cuộc chiến long trời lở đất, hai vị Thần đã cùng thốt lên rằng:“Đất có Thổ công sông có Hà bá” và đây cũng chính là khởi nguồn của câu thành ngữ.

2. Ý nghĩa câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá”

Ý nghĩa sâu xa của câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá” là dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều có những quy định, luật lệ riêng mà những người mới đến cần phải tôn trọng, thực hiện theo. 

Chẳng hạn bạn sinh sống trong một khu phố thì cần phải thực hiện theo những quy định chung của khu phố đó đặt ra như: không trộm cắp, không đánh chửi nhau, giữ gìn vệ sinh chung… Nếu vi phạm những quy định đó thì bạn sẽ rất khó sinh sống với các hộ dân khác trong cùng khu phố này.

Hay như bạn mới đặt chân đến làm việc tại một doanh nghiệp thì cần phải tuân theo những quy định, điều lệ của doanh nghiệp đó như: tác phong khi đi làm, thời gian làm việc, thái độ khi làm việc, yêu cầu công việc…

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ 2
Chúng ta cần tuân theo quy định, luật lệ của từng vùng miền mà mình đặt chân đến

Bạn không thể mang những nguyên tắc của bản thân để áp dụng cho tất cả các môi trường sống hay làm việc khác nhau được. Bởi có rất nhiều điều bạn cho là phù hợp nhưng thực chất nó lại không đúng với quy định của nơi mới. Nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình thì chắc chắn bạn sẽ bị xa lánh hoặc đào thải ra khỏi môi trường đó. 

Theo nghĩa rộng hơn là mỗi quốc gia đều có những quy định và luật lệ riêng. Khi đặt chân đến bất kỳ quốc gia nào, bạn cần tuân thủ những quy định, luật pháp của đất nước đó đề ra. Nếu vi phạm, bạn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí nặng hơn sẽ bị phạt tù.

Bên cạnh ý nghĩa về việc tuân thủ quy định, luật lệ tại mỗi vùng địa lý nhất định. Câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá” còn mang thông điệp giáo dục về ý thức tâm linh trong văn hóa của người Việt. Nhắc nhở ta về nguồn cội và truyền thống thờ cúng nhớ ơn chư vị thần linh, cũng như ông bà tổ tiên. 

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Phép vua thua lệ làng' nói về điều gì?
Phân tích câu 'Quân pháp bất vị thân' trong đời sống xưa và nay
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Đất có lề, quê có thói' nói về điều gì?

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ 3
Thờ cúng thần linh, tưởng nhớ về nguồn cội

3. Một số câu thành ngữ đồng nghĩa với thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá”

Bên cạnh câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá” còn một số câu thành ngữ khác mang ý nghĩa tương tự mà bạn đọc có thể tham khảo như: 

1. Nhập gia tùy tục.

Tức là khi bạn đến chơi nhà khác thì cần theo phong cách sống của gia đình đó. Nghĩa rộng hơn là khi bạn đến vùng đất mới hay quốc gia khác thì cần dựa theo phong tục, văn hóa của con người tại nơi đó để ứng xử, sinh sống.

2. Đất có lề, quê có thói.

Mỗi nơi sẽ có những quy định, luật lệ riêng. Như ở quê cũng có thói quen và phong tục tập quán khác nhau. Vậy nên đi đâu, làm gì bạn cũng cần tuân thủ những quy định, phép tắc của nơi đó. Tránh phạm phải điều cấm kỵ cũng như có cách ứng xử tinh tế, khéo léo hơn.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ 4
Đất có lề quê có thói - mỗi nơi sẽ có những phong tục, tập quán riêng

3. Nước có vua, làng có lệ.

Đất nước có những quy định, luật lệ do vua ban hành. Làng xóm cũng có những quy định, lệ làng khác nhau. Bất cứ ai cũng cần phải tuân theo những quy định chung của đất nước hay quy định riêng khi đặt chân đến sinh sống và làm việc tại một nơi nào đó.

4. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy.

Đất nước có những quy định, hiến pháp chung để mọi người cùng tuân thủ và thực hiện theo. Trong mỗi gia đình thì lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng để các thành viên cùng thực hiện. 

5. Phép vua thua lệ làng.

Đất nước có những quy định, luật lệ cụ thể. Tuy nhiên trên thực tế tại một số nơi thì các quy định này lại không hiệu lực bằng các quy định của địa phương.

Qua bài viết, bạn đọc đã có thể biết được nguồn gốc và ý nghĩa đầy đủ của câu thành ngữ “Đất có thổ công sông có hà bá”. Qua đây, người xưa muốn nhắn nhủ chúng ta hãy luôn tuân thủ những quy định, điều lệ khi sinh sống và làm việc tại bất cứ đâu, để tránh vi phạm gây ảnh hưởng tới người khác cũng như cho chính bản thân mình.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận