Mỗi vùng miền đều có những đặc trưng riêng, từ phong tục, tập quán cho đến ngôn ngữ. Ở Nghệ An, tiếng địa phương không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là nét đẹp trong văn hóa nơi đây. Tuy nhiên, với những ai lần đầu tiếp xúc, phương ngữ của tỉnh này có thể trở thành "thử thách" khiến họ cảm thấy bối rối. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH điểm qua những câu nói Nghệ An khó hiểu nhé!
Tại sao tiếng Nghệ An lại khó nghe?
Tiếng Nghệ là một phần cấu thành bản sắc văn hóa Xứ Nghệ. Trong khi tiếng phổ thông có sáu thanh điệu: ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã và nặng; thì người Nghệ An thường chỉ phát âm bốn thanh; có nơi chỉ có 3 thanh (như Nghi Lộc, một số nơi ở Nghi Xuân) do các thanh hỗn nhập với nhau; riêng thanh ngã (~) không có trong “đặc sản” tiếng Nghệ.
Đặc trưng nổi bật của giọng Nghệ còn nằm ở tốc độ nói nhanh, phát âm nặng và ngữ điệu lên bổng xuống trầm rõ rệt. Ngoài ra, người dân nơi đây sử dụng nhiều từ ngữ địa phương, kết hợp với cách luyến láy và nhấn nhá tạo nên nét riêng, nhưng cũng là thách thức cho người ngoài tỉnh lần đầu tiếp xúc.
Một số từ Nghệ An thông dụng
Dưới đây là một số từ Nghệ An phổ biến được người dân địa phương sử dụng trong giao tiếp hằng ngày mà bạn có thể tham khảo.
- Mô: đâu (đi mô → đi đâu)
Mồ: nào
Mô mồ: đâu nào - Nỏ chộ: không thấy, chẳng thấy
- Trốc tru: đầu trâu, đồ ngốc
- Quẹt khu: không cần
- Dừ: bây giờ
- Chộ: thấy
- Ngá: ngứa
- Cấy: cái
- Mần: làm
- Rèo: nài nỉ
- Xỏ lá: dối trá
- Cảy: sưng
- Vọc: nghịch
- Tọng: nhét
- Trửa: giữa
- Ải ải: không ăn thua
- Con me: con bê, con bò con
- Ốt: quán, tiệm, cửa hàng
- Giựt thột: giật mình, hết hồn
- Ở một chắc: ở một mình
- Nhởi: chơi (đi nhởi → đi chơi)
- Bổ: ngã (vấp bổ → vấp ngã)
Xòe: ngã (xòe xe → ngã xe) - Nhác trượn rọt: lười chảy thây
- Tày: huề vốn ban đầu
- Cù chuầy, cù nhầy: bầy hầy, nhầy nhụa
- Cù bất cù bơ: bụi bờ lang thang
- Bâu sâu, thoi boi: xen hoặc xía vào chuyện người khác
- Bằng tày: bằng không, bằng thừa, như không
- Rờ rờ rận rận: vớ va vớ vẩn, linh ta linh tinh
- Hu và bớp: tung và hứng, thảy và chụp
- Chém mồm chém miệng: trộm vía
- Cứ a răng á: cứ thế nào ấy, cứ kỳ kỳ sao đó
- Ngoắc treo đồ quần áo: móc treo đồ quần áo
- Nhim: râm (chộ nhim → chỗ râm, chỗ mát)
- Cấy chạc: cái dây (cột chạc lại → buộc dây lại)
- Chộ mô: chỗ nào (có chộ chi mô mồ → có thấy gì đâu nào)
- Đọc vầy, đọc mù: nói đại, nói lung tung, nói không chính xác sự việc
- Cọt: gầy (Thằng ni cọt mại i hè → Thằng này gầy mãi / không chịu lớn thế nhỉ)
- Khu mấn: đánh giá những điều không tốt, tương tự từ "quần què"
- Sọi: tốt, đẹp, chất lượng (chỉ người và sự vật)
Mần sọi → Làm việc thành thạo, tháo vát, nhanh nhẹn.
O nớ sọi hè → Cô con gái kia vừa đẹp người vừa đẹp nết, giỏi giang, đảm đang.
Ló sọi → Lúa đẹp
Lạc sọi → Hạt lạc đẹp, chất lượng tốt
Những câu nói Nghệ An khó hiểu
Cách nói của người dân xứ Nghệ thường gây "khó khăn" cho người ngoài tỉnh. Do lối nói nhanh cùng với việc sử dụng nhiều thổ ngữ, tiếng Nghệ đôi khi được ví như "hát". Một số câu nói dưới đây là ví dụ.
- Mô rú mô khe mô nỏ chộ. Mô rào mô bể chộ mô mồ!
→ Nghĩa là: Đâu rừng, đâu khe, đâu không thấy. Đâu sông, đâu biển, thấy đâu nào! -
Mi răng mà ngu như trốôc tru như rứa, có rứa mà cụng khung hiểu.
→ Nghĩa là: Mày sao mà ngốc như đầu trâu thế, có thế mà cũng không hiểu. -
Cấy đồ quẹt khu, nỏ mần chi nên hồn
→ Nghĩa là: Cái đồ bỏ đi, chẳng làm gì nên hồn. -
Bựa nớ đi ngoài cươi bấp cấy cẳng bổ trợt trúc cúi, mai đi mần không đặng.
→ Nghĩa là: Bữa đó đi ngoài sân vấp ngã trầy đầu gối, mai đi làm không được. -
Quê choa nói rứa đó, bọn bây dịch chi thì dịch đi hè.
→ Nghĩa là: Quê hương bọn tao nói thế đó, bọn mày dịch gì thì dịch đi nhé.
-
Nhìn chị nớ rành sọi mà mại chưa lấy nhông hầy!
→ Nghĩa là: Nhìn chị kia đẹp thế mà mãi chưa lấy chồng nhỉ! -
Dừ mi ở chộ mô rứa? Rảnh sang tau nhởi.
→ Nghĩa là: Bây giờ mày ở chỗ nào thế? Rảnh sang nhà tao chơi! -
Tau ngá lưng, mi khải cho tau cấy.
→ Nghĩa là: Tao ngứa lưng, mày gãi cho tao cái! -
Cấy đồ khu mấn, cẩn thận tau đập cho đó!
→ Nghĩa là: Cái thứ không ra gì, cẩn thận tao đánh cho đó. -
O ni du ai?
→ Nghĩa là: Cô này dâu nhà ai? -
Cấy chi rứa là gì?
→ Nghĩa là: Cái gì thế? / Chuyện gì thế? -
Ao ni su ri!
→ Nghĩa là: Ao này sâu thế! -
Mô rứa hầy?
→ Nghĩa là: Đi đâu thế? -
Tau đi ra đây tí mi giự dằm cho tau nha.
→ Nghĩa là: Tao đi ra đây lát mày giữ chỗ cho tao nhé! -
Dạo ni nhìn người nậy hầy.
→ Nghĩa là: Dạo này trông người lớn nhỉ. -
Dạo ni nhìn mi tra rứa.
→ Nghĩa là: Dạo này trông mày già thế. -
Tọng tất cả chai lọ vào bị đi.
→ Nghĩa là: Nhét tất cả chai vào túi đi. -
Mi làm rứa coi như đời mi truốt rồi đó.
→ Nghĩa là: Mày làm vậy xem như xong đời rồi đó. -
Đứng vô chộ nhim khỏi nắng.
→ Nghĩa là: Đứng vào chỗ râm kẻo nắng. -
Chắc hắn bị chấn mô đó.
→ Nghĩa là: Chắc nó đụng trúng đâu đấy.
Những câu nói Nghệ An tuy khó hiểu nhưng lại chứa đựng chiều sâu văn hóa đặc trưng của vùng đất địa linh nhân kiệt. Khi đã nắm bắt được ý nghĩa, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về sự phong phú trong ngôn ngữ cũng như sự chân chất, mộc mạc của người dân nơi đây.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.