Chờ...

Passive aggressive là gì? Cách đối phó với người "gây hấn thụ động"

VOH - Bạn đã từng gặp ai âm thầm phản đối, tỏ vẻ không hài lòng nhưng lại phủ nhận khi bị hỏi đến chưa? Hành vi này được gọi là Passive aggressive. Vậy Passive aggressive là gì?

Hành vi Passive aggressive trong giao tiếp khiến người khác khó hiểu, khó chịu và dễ gây xung đột. Vậy chính xác Passive aggressive là gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu về bản chất cũng như cách ứng xử trước hành vi này để hạn chế tối đa mâu thuẫn không cần thiết.

Passive aggressive là gì?

Passive aggressive (gây hấn thụ động) là hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, thay vì trực tiếp đề cập và giải quyết vấn đề. Mục đích nhằm phản ứng hoặc công kích người khác mà không để họ nhận ra.

Người có hành vi Passive aggressive thường tỏ thái độ "bằng mặt nhưng không bằng lòng" hoặc hành động trì hoãn, né tránh. Những người phải đối mặt với hành vi này thường cảm thấy bối rối, căng thẳng vì sự không nhất quán giữa những gì họ cảm nhận và những gì người gây hấn thụ động thể hiện ra bên ngoài.

Ở Việt Nam, “giận cá chém thớt” là một kiểu gây hấn thụ động tiêu biểu.

Nhận dạng một số hành vi gây hấn thụ động thường thấy

Passive aggressive có thể gặp ở bối cảnh nào, nhưng phổ biến nhất là trong môi trường làm việc, nơi có những xung đột trong giao tiếp giữa đồng nghiệp - đồng nghiệp, cấp trên - cấp dưới hoặc nhân viên - khách hàng. 

Người có hành vi gây hấn thụ động thường xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như lời nói, hành động, tỏ thái độ phớt lờ đối phương.

voh-passive-aggressive-la-gi-1
Những người có hành vi Passive aggressive bên ngoài tỏ ra đồng ý, nhưng bên trong lại bất phục - Ảnh: Pinterest

Chẳng hạn, đứng trước một yêu cầu mà họ không thích, thay vì nói lên suy nghĩ, những người này lại đồng ý, nhiều lúc rất nhiệt tình; tuy nhiên, sau đó họ làm việc qua loa, trễ hạn hoặc không làm để ngầm thể hiện sự bất phục của mình. 

Một số hành vi gây hấn thụ động thường gặp như: 

  • Phủ nhận bản thân đang giận dữ nhưng gián tiếp bộc lộ.
  • Thực hiện công việc một cách qua quýt, hời hợt khiến công việc của tập thể bị gián đoạn. 
  • Liên tục bấm điện thoại mà không xin lỗi cũng không giải thích lý do trong khi bạn đang trình bày vấn đề.
  • Không thể hiện cảm xúc hay quan điểm rõ ràng, nhưng mong đợi người khác hiểu mà không nói ra.
  • Im lặng, không phản hồi hoặc giải thích lý do.
  • Mỉa mai, châm biếm, khen "đểu" (khen nhưng thực ra là chê) như "Tự học mà làm được vậy là giỏi lắm rồi!"...

Cách đối phó với người "gây hấn thụ động"

Đối mặt với hành vi "gây hấn thụ động" không hề dễ. Nhưng hiểu rõ bản chất và áp dụng cách ứng xử thông minh, bạn có thể giữ hòa khí và bảo vệ cảm xúc của mình.

Im lặng chính là vũ khí đáng sợ nhất

"Lấy độc trị độc" trong tình huống này e là phản tác dụng, vì chỉ khiến tình hình trở nên căng thẳng và làm cho đối phương "ghim" bạn lâu hơn. 

Trong đời sống hằng ngày, nhất là công việc, bạn sẽ thường nghe các câu khen "đểu" như: "Học trường A. ra như ông mà làm được như vậy là giỏi rồi!", “Dân tỉnh lẻ mà ăn nói khôn khéo như ông là hiếm đấy.”, “Ông như này mà cua được em người yêu xinh thế.”...

Im lặng đôi khi là cách mạnh mẽ nhất để đối phó với hành vi Passive aggressive. Tuy nhiên, việc này phải dựa trên hoàn cảnh và tính chất của mối quan hệ.

Nếu những lời mỉa mai đó không làm tổn hại bạn, và bản thân bạn cũng không muốn leo thang mâu thuẫn, im lặng chính là vũ khí lợi hại nhất, tiếp tục tiến lên và gặt hái thành quả chính là câu trả lời hoàn hảo nhất.

voh-passive-aggressive-la-gi-2
Im lặng chính là vũ khí đáng sợ nhất - Ảnh: Pinterest

Chủ động thẳng thắn, trò chuyện rõ ràng

Người gây hấn thụ động thường tránh thể hiện quan điểm rõ ràng và mong người khác hiểu ý họ mà không cần phải nói ra. Nếu không hài lòng, họ sẽ chọn âm thầm chống đối bằng nhiều cách khác nhau. 

Vì vậy, nếu đã xác định đối tượng có hành vi Passive aggressive, khi giao tiếp, bạn nên chủ động đề cập vấn đề. Ví dụ, trong cuộc họp, thay vì hỏi: "Anh / chị nghĩ sao về thiết kế này.", hãy đặt câu hỏi cụ thể hơn như "Anh/chị nghĩ sao về màu đỏ này?” hay "Anh / chị thấy font chữ này thế nào?”. Mục đích nhằm tạo cơ hội để họ nói lên suy nghĩ của bản thân. Từ đó không thể đổ lỗi cho người khác không hiểu mình và tình huống sẽ dễ dàng được giải quyết hơn. 

Tuy nhiên, nếu đối phương tỏ thái độ mỉa mai bằng giọng điệu khiêu khích thì sự nghiêm túc chính là cách giải quyết tối ưu nhất. Ví dụ, đồng nghiệp ghen tỵ khi bạn được thăng chức nên đã nói "móc" rằng: "Chắc ông dâng sếp 'hàng' ngon nên sếp mới nghe ông vậy chứ gì!". Thay vì tức giận, hãy đáp: "Để tôi chuyển lời của ông tới sếp xem sếp trả lời sao nhé". Lúc này, họ biết bản thân đã "lỡ miệng" nên sẽ tỏ thái độ hòa hoãn kiểu "Đùa thôi, làm gì ghê vậy". Cách xử lý này giúp họ suy nghĩ lại hành vi của mình. 

"Đôi khi, chủ động làm hòa và trò chuyện riêng có thể giải quyết vấn đề. Ví dụ, trong một team, nếu ai đó thể hiện thái độ "thế nào cũng được", "thích làm gì thì làm", hãy thử "xuống nước" đề cập vấn đề một cách nhẹ nhàng. Nếu người ấy không hợp tác, "cứ bơ đi mà sống".

Tránh buộc tội và chỉ trích cá nhân

Khi đối diện với hành vi Passive aggressive, bạn không nên lợi dụng cơ hội để "trả thù". Việc lên án lỗi trực tiếp sẽ khiến đối phương phòng thủ và dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng hơn.

Thay vào đó, hãy lên án một cách khéo léo, ví dụ như thay vì chỉ trích cá nhân như "Anh / chị trễ deadline một tuần rồi đấy", bạn có thể nói "Chúng ta cần đảm bảo gửi đúng hạn các hạng mục đã thống nhất. Cái gì bị lỡ tuần trước thì ta cùng cố gắng sắp xếp hoàn thành ngay trong hôm nay". Cách tiếp cận này giúp tránh làm người "gây hấn thụ động" cảm thấy bị chỉ trích, đồng thời nhấn mạnh được tính cấp thiết của vấn đề.

voh-passive-aggressive-la-gi-3
Bảo vệ cảm xúc của bản thân - Ảnh: Pinterest

Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân 

Hành vi passive-aggressive thường xuất hiện ở những người có chỉ số EQ (Intelligence Emotional) thấp. Họ gặp khó khăn trong việc nhận diện và quản lý cảm xúc của bản thân, dẫn đến việc không thể biểu đạt sự tức giận hay sự bất mãn một cách trực tiếp. Điều này khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu, căng thẳng và lo âu.

Thế nên, bảo vệ cảm xúc và chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân là điều quan trọng. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Adam Borland, “bạn sẽ dễ trở nên thất vọng trong môi trường làm việc có nhiều đồng nghiệp gây hấn thụ động. Vì vậy tự chăm sóc bản thân là điều cần thiết để giữ cân bằng giữa cảm xúc và lý trí. Từ đó có thể giữ được sự minh mẫn mỗi ngày ở công ty.”

Lên lịch đi "quẩy" với bạn bè, tham gia workshop, hay làm bất cứ hoạt động nào giúp bản thân giải tỏa cảm xúc tiêu cực đều được khuyến khích trong tình huống này. 

Nếu bạn là người Passive Aggressive, phải làm sao?

Để xác định liệu bạn có hành vi gây hấn thụ động hay không, hãy tự đặt ra những câu hỏi sau:

  • Bạn có thường giận dỗi khi không hài lòng với ai đó?
  • Bạn có hay tránh mặt người khác khi cảm thấy bực bội?
  • Bạn có ngừng giao tiếp khi tức giận và không giải quyết vấn đề?
  • Bạn có hay mỉa mai người khác để bày tỏ sự không hài lòng?
  • Bạn có hoãn công việc hoặc làm điều gì đó khiến người khác cảm thấy khó chịu như một cách trừng phạt vì họ làm bạn phật ý?

Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu trên, điều quan trọng là bạn phải thay đổi nhận thức và hành vi để hoàn thiện bản thân, đồng thời xây dựng mối quan hệ tích cực, bền vững. 

Nâng cao nhân thức về bản thân

Tập trung lắng nghe và nhận diện cảm xúc của bản thân bằng cách đặt ra các câu hỏi: "Bạn đang không hài lòng về điều gì?", "Tại sao lại cảm thấy như vậy?", "Liệu thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ có giúp giải quyết vấn đề không?"... Đồng thời, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để tránh phản ứng tiêu cực không cần thiết. 

voh-passive-aggressive-la-gi-4
Nâng cao nhân thức về bản thân - Ảnh: Pinterest

Kiểm soát và học cách thể hiện cảm xúc

Học cách nhận diện và bày tỏ cảm xúc phù hợp là bước quan trọng để chấm dứt hành vi gây hấn thụ động. Thay vì dồn nén tiêu cực và bộc lộ gián tiếp, hãy tập thể hiện sự không hài lòng một cách trực tiếp, khéo léo và tôn trọng. Việc này không chỉ giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn, mà còn mang lại những giải pháp hiệu quả hơn khi đối mặt với xung đột trong cuộc sống.

Cho bản thân thời gian thay đổi

Thay đổi hành vi không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều, đặc biệt khi bạn đã quen với kiểu giao tiếp Passive aggressive. Hãy bắt đầu bằng việc nhận diện những tình huống khiến bạn dễ phản ứng tiêu cực. Sau đó, tập trung kiểm soát cảm xúc và tìm cách bày tỏ chúng một cách rõ ràng, chân thành hơn.

Đừng tự tạo áp lực phải thay đổi ngay lập tức. Mỗi bước tiến, dù nhỏ, đều quan trọng. Khi đã cho mình đủ thời gian, bạn sẽ dần xây dựng được thói quen giao tiếp tích cực hơn, cải thiện mối quan hệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi "Passive aggressive là gì?". Nhận diện và ứng xử khéo léo trước hành vi gây hấn thụ động sẽ giúp bạn bảo vệ cảm xúc cá nhân, cũng như xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn trong tương lai. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.