- Thơ viết về Cách mạng tháng Tám năm 1945
- Chiến dịch Điện Biên Phủ trong thơ cách mạng
- Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng qua những bài thơ cách mạng
- Thơ về người lính cách mạng
- Nhớ (Hồng Nguyên)
- Bài thơ về hạnh phúc (Bùi Minh Quốc)
- Đội vũ trang tuyên truyền Lâm Đồng (Tế Hanh)
- Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân)
- Viếng bạn (Hoàng Lộc)
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)
- Cuộc đời vẫn đẹp sao (Dương Hương Ly)
- Đồng chí (Chính Hữu)
- Tây Tiến (Quang Dũng)
- Dưới chân đồi C4 (Huy Trụ)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát như sau: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài và khốc liệt, dân tộc ta đã lập nên những chiến công hiển hách làm chấn động toàn thế giới. Đứng trước mạch nguồn cảm hứng lớn lao ấy, những tâm hồn thi sĩ đã đặt bút viết nên các tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong tâm khảm của các thế hệ độc giả. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH điểm qua những bài thơ cách mạng ấn tượng.
Thơ viết về Cách mạng tháng Tám năm 1945
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một trong những thắng lợi nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, làm thay đổi vận mệnh dân tộc, từ thân phận nô lệ sang làm chủ đất nước. Cũng từ đây, các tác phẩm văn học được khơi nguồn cảm hứng, trong đó có những bài thơ hay viết về sự kiện trọng đại này.
Huế tháng Tám (Tố Hữu)
Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác
Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau
Chân nôn nao như khách đợi mong tàu
Bước dò bước, không biết sau hay trước?
Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước;
Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?
Mắt sáng ngời, như lửa hay như sao?
Người hay mộng? Ngoài vào hay trong tới?
Giáng từ trên hay là vươn từ dưới?
Huế xôn xao, lo lắng, những đêm mơ
Khát khao hoài, như cô gái mong chờ
Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt...
Trên Hương Giang mênh mang đò lạnh ngắt
Tiếng đàn im. Ca kỹ nép phương nào?
Trăng thì thầm chi với sóng lao xao...
Đức Kim thượng đêm nay trong ngọc điện
Ngự lên lầu, trông lên cao xao xuyến
Muôn vì sao... Lạnh lẽo thấm hoàng bào
Người rùng mình, tưởng đứng đỉnh cù lao
Nổi cô độc giữa gió triều biển động.
Đôi gốc đại nghiêng nghiêng tàn lay bóng
Sầu thâm cung vờ vật dưới sân chầu
Người đứng đây. Trăm họ đang về đâu?
Đình thần đó, rầu rầu thân đá trắng
Quá khứ nặng đè xuống đầu cúi lặng...
Một gai vàng không thể thắng cả giang sơn!
Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn
Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại!
Người phải xuống, đến nay, đêm chiến bại
Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son!
Người phải lui, cho Dân tiến, Nước còn
Dân là chủ, không làm nô lệ nữa!
Hãy mở mắt: quanh hoàng cung biển lửa
Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao
Mở mắt trông: trời đất bốn phương chào
Một dân tộc đã ào ào đúng dậy!
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
(1945)
Vui bất tuyệt (Tố Hữu)
Vui quá đêm nay
Ta nhảy ta bay
Trong lòng Hà Nội
Biển sống trào lên thành đại hội
Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng
Xôn xao mặt đất, trăng là trăng
Chảy xiết Ngân Hà, muôn sao vàng rực
Mặt trời đỏ huyền kỳ mọc lên, ôi náo nức
Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần!
Ta đi đây, là trăm vạn thiên thần
Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ
Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử
Đêm nay tràn hoa đỏ nhuỵ vàng tươi
Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi
Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch!
Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?
Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người
Đi đi hoài, đi mãi, anh em ơi
Đây cuối đất hay đầu trời chẳng biết!
Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt
Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn
Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc
Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
Đôi cánh mở của đất trời giải phóng!
(Kỷ niệm 2/9/1946)
Đất nước (Nguyễn Đình Thi)
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
(1948 - 1955)
Nhớ mùa tháng Tám (Xuân Diệu)
Cờ Đỏ Sao Vàng... Tháng Tám Bốn Mươi Nhăm...
Nhà Hát Lớn... Mùa Thu Năm Cách Mạng...
Hà Nội Thủ Đô... Việt Minh Mặt Trận...
Tự Do Độc Lập... Dân Chủ Cộng Hoà...
- Những tiếng thần reo rắt mãi, mãi lòng ta!
Nhớ hỡi nhớ, khóc oà vui biết mấy!
"Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy,
"Nghìn năm chưa dể đã ai quên..."
Cụ Hồ về, lần thứ nhất giao duyên
Với nước Việt, mà sao tình khắng khít!
Thu ơi mùa thu ơi! ta sống hay là chết?
Cả hồn ta thương nhớ quá đi thôi!
Việt muôn năm, nước Việt lại ra đời.
Ta tôi mọi, ta thành người trở lại.
Hai năm qua, nay lại mùa thu tới.
Mỗi lần thu tới, lại mới mùa thu.
Thu từ đây không thu thảm, thu sầu,
Mà thu sướng, nhuộm mầu xuân mát mát.
Lá biếc xanh xanh, trời mở ngát ngát,
Da tươi thịt thắm nở lại cùng sương.
Áng mây bay như múa cuộc nghê thường,
Nắng hạ giọng nói những lời dịu sáng:
Một ít thịt xương ta - đã theo cùng Cách Mạng!
Mùa Thu Tháng Tám, Năm Bốn Mươi Nhăm!
Khởi nghĩa đi lên, dân chúng rầm rầm,
Máu đường phố gầm gầm, nghe nóng nóng.
Và từ ấy trên thời gian to rộng,
Thu Việt Nam có nghĩa một mùa xuân.
Trăm năm sau, nghe Tháng Tám gần gần,
Nghìn dân lại nhớ tình dân mới bén,
Nhớ tự do đầu, đỏ vàng ước hẹn,
Sao rất thu vàng trong sáng như gương,
Đỏ rất xuân, thơm rực máu bông hường,
Ngày khởi nghĩa để Tháp Rùa ngây ngất!
Nhớ tất cả Năm Cộng Hoà Thứ Nhất,
Như lá vàng cũng có nghĩa là vui.
Như mưa ngâu dường có vị ngọt bùi,
Như lụt lội chỉ tại lòng tràn ngập.
Hà Nội! Thủ Đô! Cộng Hoà! Độc Lập!
Nhớ thương ôi ngày mới tuổi hoa lay
Chính quyền về đầy rẫy những bàn tay,
Khiến chân đảo, khiến người say; nhớ lắm!
Tất cả nhớ quây quần Tháng Tám
Như bướm điên mê khướt một đài hoa.
Lòng tiết trinh vui trong tiệc sáng loà,
Tình nguyên thuỷ vẫn hãy còn run rẩy...
"Cải thuở ban đầu Dân quốc ấy.
"Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên!".
(Tháng Tám, 1947)
Nhớ về Hà Nội vàng son (Vũ Hoàng Chương)
Ôi ngày mười chín, ngày oanh liệt!
Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương
Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt
Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương.
Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh hoa xoè trên năm cửa ô.
Xôn xao hành khúc “Xây đời mơớ”
Tráng khúc du dương “Ngọn Quốc kì”
Tóc bạc má hồng mê vận hội
Cùng trai nước Việt hát “Ra đi”
Chen tiếng hoan hô, này khẩu hiệu
Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Muôn năm người lính già tiêu biểu
Vì giang sơn quyết bỏ gia đình.
Ôi ngày mười chín, ngày sung sướng!
Vạn ước mong dồn một ước mong!
Ôi mùa thi ấy, mùa tin tưởng!
Một tấm lòng mang vạn tấm lòng.
Ba kỳ hỡi người dân Việt!
Mau võ trang cùng tiến bước lên
Cùng tiến bước mau! Thề một chết
Đòi hoa Hà Nội, sóng Long Biên.
Cho hoa kia nở vàng như cũ
Cho sóng này dâng đỏ gấp xưa…
Ôi lá cờ sao! Từng đã ngự
Giữa lòng dân tộc, giữa kinh đô!
Kinh đô ngàn thuở, đòi cho được
Và quét hôi tanh sạch đất này
Trả hôm mười chín mùa thu trước
Về cho mười chín thu mai đây.
(1947)
Xem thêm:
52 bài thơ về Bác Hồ - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam
25 bài thơ về Đảng sâu sắc, tràn đầy tình yêu quê hương đất nước
24 bài thơ về lòng yêu nước hào sảng, khí thế của các thi sĩ Việt Nam
Chiến dịch Điện Biên Phủ trong thơ cách mạng
Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (7/5/1954) là một trong những đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, được ví như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.
Những vần thơ tuy chân phương, dung dị, những vẫn toát lên khí phách của bộ đội Cụ Hồ với lòng yêu nước đến tha thiết, cháy bỏng.
Thơ về chiến dịch Điện Biên Phủ được sáng tác giữa trận địa
Giữa trận địa Điện Biên Phủ gian khổ, khốc liệt, các cán bộ, chiến sĩ của ta lòng vẫn phơi phới lạc quan. Nhũng con người tay quen cầm súng, lòng quen dũng cảm và căm thù giặc sâu sắc đã sáng tác nên những vần thơ để cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước.
Bảo vệ lực lượng để chiến đấu thắng lợi (Đặng Ái)
Cấp trên đã dạy chúng ta
Bảo vệ lực lượng để mà thắng Tây.
Lạ gì đế quốc xưa nay
Do thám, biệt kích, tàu bay bà già.
Đêm ngày dò xét chúng ta
Để lộ bí mật ắt là bị bom…
Cách đây chừng độ mấy hôm
Có đơn vị X nấu cơm ban ngày.
Ăn xong cho lệnh đi ngay
Đồng quang, trời nắng ban ngày cứ qua.
Bà già khuất núi bay ra
Thấy đơn vị X kéo qua cánh đồng;
Sè sè nó lượng một vòng
Gọi bốn hen cát tấn công một hồi.
Thương vong mất một số người
Cấp trên lãnh đạo kịp thời kiểm tra:
Chủ quan cán bộ mà ra
Bảo mật lơ là thiệt hại không đâu
Gương trên ta nhắc nhở nhau
Kinh nghiệm xương máu, dám đâu lơ là
Nhớ trên lại nhắc chúng ta
Bảo vệ lực lượng để mà thắng Tây.
(3/1954)
Cờ trắng (Tạ Hữu Thiên)
Từ hôm quân ta tấn công
Điện Biên liên tiếp mất phăng hai đồn;
Ngụy, Âu đều rúc xuống hầm
Ngày đêm chẳng có một thằng ló ra.
Khu D sợ lộ, hạ cờ
Tam tài xếp xó, cột trơ giữa đồn;
Phi công địch cũng hoảng hồn
Thả dù bừa bãi để chuồn cho mau;
Có một dù lụa trắng phau
Lửng lơ rơi xuống mắc đầu cột kia.
Gió đưa dù trắng phất phơ
Khác nào như ngọn cờ thua, cờ hàng;
Nhìn cờ lũ giặc hoang mang
Nhưng không một đứa cả gan ra ngoài;
Chiếc dù trắng cứ đùa dai
Gió đưa “cờ’ phất phơ hoài thảm thê.
Quân ta vây hãm bốn bề
Nhìn cờ trắng ở khu D mỉm cười;
Cười rằng: Tây hỡi, Tây ơi!
Trước sau bay cũng đi đời nhà ma!.
(3/1954)
Đạn Tây lại giết Tây (Lê Kim)
Tụi lính Tây ở Điện Biên Phủ,
Bị ta vây ăn ngủ không yên;
8 giờ tối đã tắt đèn
Lăm lăm súng đạn ở bên cạnh người!
Thiết quân luật khắp nơi đồn trại
Cấm không ai ra khỏi nhà hầm;
Dẫu rằng tứ phía kín bưng
Lũ Tây hốt hoảng đêm nằm vẫn lo.
Động một tiếng nhỏ to sột soạt
Là bắn tràng hàng loạt liên thanh;
Một đêm gió mát trăng thanh
Khắp vùng đồng ruộng hiền lãnh như không.
Có thằng đội dáng chừng thổ tả,
Bụng chương phềnh nhăm nhó kêu la;
Rón chân mở cửa mò ra
Tìm nơi tháo cống cho qua cơn buồn.
Không đèn đóm lom khom như khỉ
Ôm bụng dò hố sí phát ra;
Lênh khênh chân nọ chân kia
Thụt ngay xuống hố bét nhè những phân.
Miệng cáu kỉnh kêu rầm lên “Mẹc”!
Bật lửa soi cho biết mô tê;
Trong đồn nửa tỉnh nửa mê
Nghe động lại thấy lập lòe lửa soi.
Thế là nổ liên hồi súng máy
Thằng đội Tây vội nhảy xuống chờ;
Lính trong đồn vẫn không ta
Càng kêu càng bắn như mưa trên đầu.
Súng nổ một hồi lâu rộn ra
Rồi lính Tây lại ngủ lại mê
Sáng bừng mắt dậy “Ô kìa”
Thằng đội chết cứng bết bê cứt vàng
...
(3/1954)
Lững lờ dù hạ đến tay chúng mình (Phác Vân)
Từ hôm bộ đội bao vây
Điện Biên bọn giặc hàng ngày đói meo.
Đói đến nỗi lính theo quan đội
Bắt chuột về nướng vội mà ăn;
Sáng qua đang lúc băn khoăn,
Chuột trù cũng hết biết lần cái chi.
Bỗng có tiếng ầm ì vọng lại,
Trong mây mù thò cái may bay;
Chó vàng cùng với chó Tây
Vẫy đuôi nhảy cẫng vỗ tay reo hò.
Thằng quan sáu cũng bò ra cửa
Hau háu nhìn dù mở lung tung;
Thằng nào thằng ấy vui mừng
Ngờ đâu ta nổ pháo “đùng” cạnh bên.
Thằng cụt tay mồm rên ứ hự
Thằng mất đầu nằm lử quay đơ;
Thằng chưa bị đạn chạy xô
Vào hầm trống ngực đập như trống làng.
Lại trên không đoàng đoàng cao xạ
Thằng phi công càng sợ càng run;
Vội vàng vứt xuống ùn ùn
Dù trắng, dù đỏ, dù vàng, dù xanh.
Mong vứt xuống thật nhanh mà lếch
Kẻo ăn đòn mất xác ở đây;
Dù mở, được gió, dù bay
Lửng lơ dù hạ đến tay chúng mình.
Từ buổi ấy chúng kinh không dám
Ra khỏi hầm lảng vảng chết toi;
Chúng bèn khoét một ống hơi,
Trong hầm vừa thở vừa soi xem dù.
(4/1954)
Mừng anh thiện xạ (Phác Văn)
Đốn đời cho lũ giặc Tây
Ở Điện Biên Phủ sống ngày như đêm
Quân ta vậy bốn bên chặt chẽ
Chia từng người “chim sẻ” tiêu hao.
Tây mà đi lại miệng hào
Súng trường ta tỉa lộn nhào chết tươi!
Nhớ câu chuyện nực cười thắt ruột
Rằng một hôm có 1 thằng Tây
Dáng chừng mót quá loay hoay
Nhìn ngang nhìn ngửa trèo ngay lên hào
Đang cái lúc: Ối chao là sướng
Ngồi rung rinh bụng tưởng là yên.
Ngờ đâu bộ đội cạnh bên
Bóp cò đánh “độp” đạn ghim vỡ đầu!
Chỉ kịp rẫy chẳng kêu gì được
Lăn đùng ngay không kịp thở than
Lòng anh bộ đội hân hoan:
Mừng anh thiện xạ của đoàn giỏi ghê!
Còn lũ giặc thảm thê tái mặt,
Lính nhìn quan, quan gắt lung tung:
“Đồ ngu như lợn không cùng
Đi ngoài cũng chết còn hòng làm chi?”
Thế rồi quan khóc tỷ ty
“Ối trời một lính âm ty nữa rồi!”
Tây hời, Tây hỡi, Tây ơi!
Tao còn đánh tỉa, Tây thời đi … Tây!
(4/1954)
Đọc thư hậu phương (Xuân Thủ)
Đọc thư trên trận địa
Anh đội viên nghĩ gì?
Mà anh đang ngắm nghía,
Vuốt vuốt cái lưỡi lê.
Mà anh đang mân mê
Viên đạn đồng nhẵn bóng.
Mà anh đang ngắm súng
Như ngắm một người yêu.
Vì anh đang nghĩ nhiều
Đến bao người yêu dấu.
Để giữ trọn đòi đời
Một cuộc sống tươi vui
Anh hằng tha thiết nhất
- Mẹ anh đang cuốc đất
Để trồng thêm lúa khoai
Rồi em gái em trai
Rồi đứa con xinh xắn.
Chúng đang cười tươi tắn
Đang cắp sách tới trường
Chân nhảy miệng hát vang,
Những bài ca chiến thắng.
- Vợ anh người trong trắng
Đang chăm học, chăm làm,
Đang hăng hái họp đoàn
Đấu tranh diệt địa chủ.
Rồi luống khoai luống củ
Đang xanh mướt mầm tơ
Rồi con lợn con bò,
Đang lớn nhanh như thổi.
Nồi cơm, manh áo mới
Hạnh phúc đầy tương lai.
…
(4/1954)
Xem thêm:
Tuyển tập những bài thơ Tố Hữu đi cùng năm tháng
Thơ Chế Lan Viên - những tác phẩm đi cùng năm tháng
Top 34 bài thơ Xuân Diệu hay, chùm thơ tình của thi sĩ Xuân Diệu
Thơ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điên Biên Phủ và muôn vàn những hy sinh, mất mát đã tạo nên khúc tráng ca anh hùng của quân và dân ta. Đứng trước mạch nguồn cảm hứng lớn lao ấy, tầm vóc Điện Biên Phủ đã đi vào thơ ca, in đậm trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Phần lớn những vần thơ về "mốc son chói lọi" này mang âm hưởng trữ tình sử thi dù tác giả sống cùng thời hoặc không cùng thời với những chiến sĩ, đồng bào ta trong giai đoạn chiến tranh tàn khốc.
Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ ( Hồ Chí Minh)
20 tháng 11 năm cũ,
Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ.
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất.
Chúng khoe rằng: "kế hoạch Nava
Thật là mạnh dạn và tài hoa.
Phen này Việt Minh phải biết tay,
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!"
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Nava tới.
*
Bên ta thì:
Bộ đội, dân công quyết một lòng,
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,
Khắc phục khó khăn và hiểm trở;
Đánh cho giặc tan mới hả dạ;
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày,
Không quản gian khổ và đắng cay;
Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ,
Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ.
*
13 tháng 3 ta tấn công,
Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:
"Mình có thầy Mỹ lo cung cấp;
Máy bay cao cao, xe tăng thấp,
Lại có Nava cùng Cônhi,
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy.
Chúng mình chuyến này nhất định thắng,
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng".
*
Hơn 50 ngày, ta đánh đồn,
Ta chiếm một đồn lại một đồn,
Quân giặc chống cự tuy rất hăng,
Quân ta anh dũng ít ai bằng.
Nava, Cônhi đều méo mặt,
Quân giặc tan hoang ta vây chặt.
Giặc kéo từng loạt ra hàng ta.
Quân ta vui hát "khải hoàn ca".
Mười ba quan năm đều hàng nốt,
Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.
Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây,
Đều là tù binh hoặc bỏ thây.
*
Thế là quân ta đã toàn thắng
Toàn thắng là vì rất cố gắng.
Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:
"Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,
Chúng cháu cố gắng đã sắm được".
(Báo Nhân dân, số 184, từ ngày 12 đến 15/5/1954)
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu)
Tin về nửa đêm
Hoả tốc hoả tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa...
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!
Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà vui chung.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống!
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng:
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!
Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa, hai là tù binh.
Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông: Bốn mặt, luỹ hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông.
Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát-xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hoà bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh.
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa.
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”
(5/1954)
Giá từng thước đất (Chính Hữu)
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta
là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.
Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?
Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi,
Ta mới hiểu
giá từng thước đất,
Các anh ở đây
Trận địa là đây,
Trận địa sẽ không lùi nửa thước,
Không bao giờ, không bao giờ để mất
Mảnh đất
Các anh nằm.
(1954 - 1961)
Mộ Bế Văn Đàn (Xuân Diệu)
Thời gian ngừng bước, lặng im
Bên mồ liệt sĩ; trái tim ta dừng.
Trái tim ta - cũng ngập ngừng,
Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca;
Ánh ngày nghiêng xuống cùng ta
Nghẹn ngào đặt một vòng hoa tinh thần.
*
Nơi đây mộ Bế Văn Đàn
Thân làm giá súng, thân làm cành xuân;
Đang khi trận địa gian truân,
Vai khiêng núi lửa diệt quân bạo tàn.
Quân ta cờ thắm khải hoàn,
Mà người chiến sĩ đã tàn thịt xương.
*
Mộ Bế Văn Đàn trong sáng trong gương:
Hai đế giày cao su rách sờn.
Giản đơn một cây bút máy.
Một túi ni lông.
Tám khuy cúc áo.
Một mảnh đại bác - còn lại trong người.
Tất cả tình anh đã hiến cho đời.
Không giữ cho mình, dù chỉ là hài cốt.
*
Mộ Bế Văn Đàn trong sáng trong gương.
Mộ Bế Văn Đàn trong viện Bảo tàng quân đội.
Khách viếng qua đây
Dừng chân đứng lại:
- Nơi đây mộ Bế Văn Đàn,
Nơi đây gió nội trăng ngàn,
Nơi đây chim ca hoa nở,
Đất tổ quốc là một nền nhung đỏ,
Nơi đây bốn mùa muôn thuở vãng lai...
*
* *
Tất cả tinh anh đã hiến cho đời...
(6/1960)
Thóc mới Điện Biên (Chế Lan Viên)
Nghĩa trang
Chói trang
Sắc vàng
Một mùi hương vời vợi
Đang bay đầy nghĩa trang
Nhà dân chật
Dân lên đây phơi thóc
Thóc của dân
Che kín mộ anh hùng
Nhớ ngày nào
Các anh đi đánh giặc
Bảo vệ mùa
Về sống ở trong dân
Tô Vĩnh Diện, Trần Can
Mộ anh Giót, anh Đàn
Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc
Dưới đồi xa
Pháo thù gục mặt
Lúa đã chín
Chỗ tầm câu đại bác
Lúa chín thơm
Đầy một sắc trưa vàng
Nghĩa trang...
... Thời gian...
Hạt thóc
Nên vàng
Như tình của nhân dân ủ ấp...
Cầm hạt thóc trên tay
Nặng máu người đã khuất
... Lại nghĩ về phương Nam
(Điện Biên cuối 1963)
Ta đi tới (Tố Hữu)
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước.
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
Đường cách mạng, dài theo kháng chiến...
Đến hôm nay đường xuôi về biển
Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca...
Ai qua Phú Thọ
Ai xuôi Trung Hà
Ai về Hưng Hoá
Ai xuống khu Ba
Ai vào khu Bốn
Đường ta đó, tự do cuồn cuộn
Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi!
Sông Thao nao nức sóng dồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.
Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ!
Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ
Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân.
Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
Tháng Tám mùa thu xanh thắm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà!
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám
Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!
Mẹ ơi, lau nước mắt
Làng ta giặc chạy rồi!
Tre làng ta lại mọc
Chuối vườn ta xanh chồi
Trâu ta ra bãi ra đồi
Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa...
Các em ơi, đã học chưa?
Các anh dựng cho em trường mới nữa.
Chúng nó chẳng còn mong dội lửa
Trường của em đứng giữa đồi quang
Tiếng các em thánh thót quanh làng.
Ai đi Nam Bộ
Tiền Giang, Hậu Giang
Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng.
Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn rau cắt rốn của ta!
Ai đi Nam - Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà
Ai vô Phan Rang, Phan Thiết
Ai lên Tây Nguyên, Kông Tum, Đắc Lắc
Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng...
Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí
Nói với Nửa - Việt Nam yêu quý
Rằng: Nước ta là của chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!
Chúng ta, con một cha, nhà một nóc
Thịt với xương, tim óc dính liền.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Dù ai rào giậu ngăn sân
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!
Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng.
Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn
Đã bước dưới mặt trời cách mạng.
Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao - Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!
Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,
Rắn như thép, vững như đồng.
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!
Ta đi tới, không thể gì chia cắt
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
(8/1954)
Xem thêm:
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam
26 bài thơ lục bát về quê hương giúp bạn tìm về ký ức miền quê
Top những câu nói hay về quê hương đong đầy tình cảm
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng qua những bài thơ cách mạng
Ngày 30/4/1975, chiếc tăng T-59 số hiệu 390 của Trung đoàn thiết giáp 203 húc tung cổng chính, tiến vào dinh Độc Lập, ghi dấu ấn kết thúc hơn 20 năm đấu tranh chống đế quốc Mỹ; kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kế từ Cách mạng tháng Tám 1945; chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân phong kiến ở nước ta. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam - kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày đất nước đoàn viên, non sông về một mối, có rất nhiều bài thơ viết về sự kiện lịch sử trọng đại này.
Ngày vĩ đại (Chế Lan Viên)
I
Lịch sử có nhiều thế kỷ nhiều năm nhiều tháng nhiều ngày
Nhưng năm tháng này chói loà, hoá thân, đột biến
Là cấp số nhân, là tổng số thành
Là sức mạnh của trăm ta nhân với triệu mình
Là sự vật cộng vào nhau. Trái chín.
Là lên men. Thời cơ đến trước giờ nó đến
Là rồng bay.
Ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng,
Cái hữu hạn lòng ta oà lên vì gặp cái vô cùng
Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại,
Có phải ta vừa giành lại non sông, có phải?
Có phải chớp mắt nhìn trời đất đã về ta?
Có phải ba chục năm trời hay mới hôm qua?
Nào lấy gì để đo nào? Lấy lịch sử ra đo
Ta đo mãi mà không sao đo nổi
Ta từng lấy Bạch Đằng đo Điện Biên, lấy Điện Biên đo hạ B52 trên trời Hà Nội
Lấy hào quang xưa đánh giá hào quang mới
Nhưng làm sao có thể đo thế kỉ xưa cùng với thế kỷ này?
Lịch sử, sợi chỉ hồng. Ta sâu các chiến công như ngọc vào dây
Viên ngọc thời Hồ Chí Minh chói ra khỏi cả thời gian nó chói
Tổ quốc nâng niu hạt chuỗi
Hẳn Bác sẽ hôn lên chiến công mà ta dâng Bác sáng mai này.
II
Sự vật chuyển vào cơn lốc
Thời gian bôn tập
Anh cán bộ nửa đêm được lệnh trên về xã
Đốt dép lên làm guốc để về
Chưa tàn đôi dép chưa mọc mặt trời đã giải phóng xong ba ấp
Cờ sao mọc dậy rồi dưới ánh sao khuya
Tôi viết giữa đêm khuya tên các đô thành ngày mai ta chiếm lấy
Gió thời đại thổi vào trang giấy
Mỗi ngày một quận lỵ
Một đêm bao phố phường
Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất
Tin thắng mỗi ngày mọc trước vầng dương
“Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
“Ngày hai mươi trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu
“Ngày hai lăm bá tước Lương Minh bại trận tử vong
“Ngày hai tám thượng thư Lý Khánh cùng thế tự vẫn”...
Lịch sử có lặp lại không, hỡi Bình Ngô đại cáo?
Mỗi trái tim muốn cùng triệu trái tim thời đại mình thông báo:
Buôn Mê THuột ngày 10 tháng 3 đón điểm huyệt tuyệt vời
Rụng Côn Tum, Plei Cu 18 – 19 tháng 3 giặc tháo chạy tơi bời
Ngày 26 – 3 các vua xưa ở Ngọ Môn lại cúi đầu dưới sao vàng rực sáng
Ngày 29 – 3 thiết giáp tiến hai hàng vào sân bay Nước Mặn
Đà Nẵng đây chỉ nghìn quân ta mà mươi muôn lính nguỵ chửa hoàn hồn
Tổ quốc thu về bán đảo Sơn Trà và những Ngũ Hành Sơn
Trúc chẻ ngói tan
Chẳng thể gì đảo ngược
Khi cần, ta kiên trì đánh giặc bốn nghìn năm
Nhưng khi khác ta lại là thần tốc!
Loang loáng bên đường trăm vạn khải hoàn môn
Ta ngang dọc núi sông, xoay chuyển địa bàn,
Đưa thế trận ta từ chót Trường Sơn về tận bờ Đông Hải,
Với nhân dân, ta là một hoá thành ra triệu mũi
Theo cái hướng từ vạn đời, đổ dọc xuống phương Nam
Thoát một cái ta thu hồi Tuy Hoà, Cam Ranh, Đà Lạt, Nha Trang...
Nơi này thọc sâu, nôi kia bóc vỏ,
Tấn công từ xa, vùng lên tại chỗ
Nghi binh nơi này, kỳ binh nơi nọ
Thế quân đi như sóng biển lan tràn
Ta hốt gon quân thù Phan Thiết, Phan Rang
Rồi cả cánh cửa thép miền Đông ta đạp đổ
Xuân Lộc, Biên Hoà, Vũng Tàu... tan vỡ
Trăm vạn hùng binh ta đã chiếm Sài Gòn
Sài Gòn! Cuộc chiến 30 năm, 116 năm giờ kết thúc
Tính từ nổi đau Lục Tỉnh Nam Kỳ
Từ vết nhục ở Ô Cửa Bắc
Hơn nửa thế kỷ rồi từ lúc Bác ra đi
Nay mang cờ đỏ tên Người, chúng ta trở lại
Danh hiệu Bác bay trên sụp đổ của quân thù
Tên đế quốc Mỹ lẫy lừng đã thành tên chiến bại
Độc lập này bền vững đến thiên thu.
Cả đất nước ùa theo nửa mừng nửa khóc
Mỗi chúng ta rưng rưng như chợt thấy Bác Hồ
Kìa tiếng chuông reo trên nhà sàn của Bác
Tin báo tiệp về ở giữa trang thơ
Da Bác đỏ hồng, tóc Bác bạc phơ
Kìa Bác đang xuống nhà sàn từng bước gấp
Hoa sen trắng, hoa sen hồng nở bừng theo mỗi bước
Bác đi giữa cháu con, sông núi đang chờ
Mùa sen lớn này Bác chia đều cho Tổ quốc
Thơm vào bốn mươi triệu hồn người hương của Tự do.
III
Đêm nay sao sáng khắp vùng trời cao thấp
Sao trên trời và sao dưới đất
Trăm thành phố hai miền ngày hội lớn nhân dân
Rực đuốc đèn và điệu múa kỳ lân
Tôi muốn bay lên cao nhình xuống non sông cho thoả mắt
Từ Mục Nam Quan đến Cà Mau tít tắp
Cái ánh sáng lạ kỳ của lúc hoá thân
Buổi bột phát lượng biến lên thành chất
Tiếng đại bác cuối cùng. Và thời đại sang xuân.
Bước ngoặt. Ta ở vào bước ngoặt
Mỗi điều múa lời ca như cũng có thần.
Ngoặt một cái ta có gấp đôi đất và gấp đôi trời bể
Hồn ta mở rộng rinh bốn phía
Bắc lòng ta Nam lòng ta đều chói rọi sao vàng
Ta đưa tay ôm sông núi vào mình vào gọi: Việt Nam.
Ngoặt một cái non sông sạch làu bóng giặc
Pắc Bó nhìn thấu suốt tận Cà Mau
Không một bóng mây thù nào che lấp mắt
Liền trời ta một tấm ngang đầu
Ngoặt một cái ta lành nghìn vết thương Bến Hải
Cả Tổ quốc Hùng Vương liền một dải
Ngoảnh mặt nhiền đâu cũng thấy anh em
Ngoặt một cái sạch hết bùn, chỉ có hoa sen.
Ôi đất nước từng quen nhiều bước ngoặt
Chính giữa cơn đói chết triệu người mà Sao vàng Tháng Tám bừng lên
Cá hoá rồng và Bụt hiện thường xuyên
Ở đất nước thường sống bằng tiềm lực
Trong mỗi quả thị nghèo luôn có một nàng tiên.
Ngoặt một cái, Phù Đổng vươn mình lên một cái
Ta vứt hết thương đau và thành vĩ đại
Để cho đến bước ngoặt này, ta đi ngót ba mươi năm
Ở đất nước bốn nghìn năm này, không ai tính thời gian
Không kể chiến hào, chỉ tính chiến công
Không ai ký tháng ngày và tuổi tên mình dưới máu
Ôi hôm nay thắng giặc rồi, vết thương ta, ta chả giấu.
Máu đã thấm lên trang sách, bao lần.
Đánh giặc mà, đâu có phải du xuân!
Sông núi ta là nhà viết sử biên niên ghi máu ấy
Từ xương thịt em Tám đầu tiên hình hài thành đuốc cháy
Lửa sáng Sài Gòn nay có lửa thân em
Từ ca lô sao vàng những Nam tiến đầu tiên
Ngỡ mình ngã xuống, sau mình không còn ai ngã nữa
Nào hay đâu dân tộc tiếp sau ba mươi năm vẫn Nam tiến hành quân qua lửa
Cho đến hôm qua khi vinh quang kéo ngọn cờ hồng
Ở ngày cuối cùng, giây phút cuối cùng, tích tắc cuối cùng,
Vẫn có người cuối cùng phải ngã
Đấy là cái giá cuối cùng ta phải trả
Để quân giặc kéo cờ trắng đầu hàng lên mọi chỗ
Phải có người chấm dứt trang thơ bằng giọt máu anh hùng.
IV
Ta đánh giặc năm sáu mốt, sáu tư, năm hai, năm bảy
Ta đánh mùa hè năm bốn lăm, năm lăm, sáu lăm và bảy mươi lăm
Ta đánh mùa ướt, mùa khô, mùa thu, mùa đông, mùa hạ hay xuân
Đánh tất cả các năm, tất cả bốn mùa, tất thảy.
Ta đánh giặc bằng tất cả núi sông, tất cả xóm làng
Nơi hẩm hiu nhất cũng thành nơi lịch sử
Đánh với sức tất cả mọi người, mọi gia đình, nửa gia đình với gương lành hay nửa mảnh gương tan
Dù máu có thành tro thì tro ấy lại đầu thai thành ngọn lửa.
Ta đánh giặc suốt ba mươi năm trời chẳng cần có ai thay
Cả dân tộc không một ai là quân dự bị
Không sắt thép anh hùng thì không thể thành người và sống được nơi đây,
Kẻ non gan cũng phải hoá anh hùng mà diệt Mỹ.
Ta đánh giặc ba mươi năm trời, đổ máu ba mươi năm trời nhưng không gọi: chiến tranh,
Ba mươi năm tập kết, ly biệt, chạy càn, sơ tán, tản cư, tất thảy đều là đánh giặc
Dù phải hy sinh đến xương thịt mình, ta không gọi hy sinh
Không có gì quý bằng Tự do Độc lập.
Ôi Bác, câu nói đơn xơ mà ngày nay ta mới hiểu hết Người
Nhân dân khóc mỗi lần trông ảnh Bác
Đất nước vinh quang thì đã vắng Bác rồi
Ba mươi năm ấy Người đã sống cùng ta những ngày gian khổ nhất
Những ngày giấc ngủ Bác bị cắt nửa chừng vì những cơn gió xiết ngang sông Bến Hải
Máu lòng Người đau tận chót Cà Mau
Miệng Người đắng vì bát cơm Phú Lợi
Tóc bạc phơ nhanh từng sợi trên đầu
Ba mươi năm, cho tôi kính chào các Anh tôi những mái tóc trắng màu, những mái tóc hoa râm
Khi theo Bác ra đi, tóc các Anh còn xanh, bây giờ tóc bạc.
Dù phai màu cùng với tháng năm
Mỗi sợi ấy đều trắng màu vì Tổ quốc.
Ba mươi năm chúng ta đi không chệch một con đường
Nghĩ cho mấy cũng trở về cái gốc
Đánh nghìn trận trăm phen, đổi mấy chiến trường
Cũng chỉ để giải phóng miền Nam và Thống nhất
V
Em hãy ca cái thời đại mở mắt cho ta nhìn cao cả
Đến hôm nay ta mới thật hùng cường
Ở đây không có ai trong cơn đau đem chôn kiếm xuống bùn
Nhưng phải chiến thắng lớn thì dân tộc mới chói ngời bản ngã.
“Ta đã tìm ra ta” trong Rạch Gầm, Đống Đa, Hàm Tử, Chi Lăng
Và “Nhân loại tìm ra ta” trong Cách mạng tháng Tám Hà Nội Điện Biên hay ở Bạch Đằng
Nay nhân loại gọi và ta nghe thời đại gọi
Thì Việt Nam là người lính đi đầu ở giữa hàng quân
Ta ra đi từ nền văn minh lưu vực sông Hồng
Cả dân tộc bay theo hình chim Lạc
Nhưng cho đến nay ta mới thực giống mặt trời ta trên những trống đồng
Chiến thắng ấy là vầng dương Tổ quốc
Chim sẽ bay về từ Bà Rá, Bà đen qua Trường Sơn cho đến đỉnh Hoàng Liên
Rồi về đậu nơi Phong Châu đất Tổ
Các vua Hùng dày công dựng nước cho ta. Ta gắng giữ.
Lời Bác dặn muôn đời con cháu giám đâu quên.
Ôi năm nào nửa vầng trăng anh cách trở nửa trăng em.
Đến sông núi cũng chia làm hai nửa
Nay Tổ quốc đã rằm. Cơn hội ngộ
Người đoàn viên mà dân tộc cũng đoàn viên.
Trên đàn xưa em hãy đặt những ngón tay hồng những ngón tay thon
Mỗi giây ấy ca vang thời đại mới
Ca: Tổ quốc nghìn thu bền vững mãi
Tất cả bọn đế quốc đổ vào bờ này đều như bọt bể rồi tan.
(3/5/1975)
Toàn thắng về ta (Tố Hữu)
Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng.
*
Không, không phải thiên thần
Bước chân hài bảy dặm
Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân
Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm,
lội khắp sông sâu rừng thẳm.
Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông
Giản dị như chàng trai làng Gióng
Vũ khí, chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông.
Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng.
Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào
Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ
Không có gì quý hơn Độc lập tự do.
hí phách Anh là
Trường Sơn thanh cao.
Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng,
tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể.
Giặc Mỹ kiêu căng, tưởng có thể ngủ yên trên giường vàng,
đầu gối lên bom.
Nghe chúng ngáy đủ run - đã có dã man làm luật
Bông choàng dậy, bàng hoàng… Sắp tắt hoàng hôn
Người chôn chúng là Anh, anh Giải phóng quân Việt Nam,
mũ tai bèo, chân đất
Xử phạt chúng là anh nhân danh tình thương và lẽ phải.
Có lẽ nào cuộc sống hết tuổi xanh ?
Hãy cứu những em thơ đang quằn quại ngày đêm trong sợ hãi.
Hãy cứu tiếng chim ca và trái chín trên cành.
*
Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng
Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn.
Anh đánh như sét nổ, trời rung
Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn.
Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên
Quét Huế - Thùa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng.
Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên
Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng,
rũ rượi một màu tang cờ trắng.
Đường tiến quân ào ào chiến thắng.
Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con.
Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng
Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa
Cho chúng con giữa vui này được khóc
Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già
Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc
Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà.
*
Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh
Đứng gác biển trời tươi mát màu lam.
Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường kách mệnh.
Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!
(1/5/1975)
Đêm 30/4/1975 (Bằng Việt)
Đất vẫn hôm qua, mà nay bước bàng hoàng
Nghe cả dải núi sông đang nối liền trở lại
Nghe thầm mát tự Cà Mau xa ngái
Hơi rừng yên, tí tách dưới cơn mưa
Bạn bè khắp miền Nam, giờ ai ngủ hay chưa?
Đêm nay dẫu ở đâu chẳng nhớ nhau nhiều nhất
Không gương mặt nào quên, không chuyện gì qua mất
Mà không choán tâm trí mênh mông
Trong lòng sáng rõ hơn, giàu thương mến, bao dung
Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ
Cái giây phút một đời người mới có
Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ trong mơ
Đêm nay hai miền lắc rắc cơn mưa
Mưa hòa thuận, mưa đầu mùa rạo rực
Chiến thắng như mưa nhuần tưới đất
Cỏ trăm miền mới nhú đã liền nhau
Những em bé sơ sinh cất tiếng khóc ban đầu
Nghe rất rõ trong đêm: Đất trời im tiếng nổ
Dọc Hà Nội - Sài Gòn đều rợp ảnh Bác Hồ và rợp màu cờ đỏ
Chỉ riêng các em còn chưa biết:
Mình thành lứa công dân đầu tiên của đất nước đã đoàn viên!
(1975)
Ngày 30 tháng 4 (Nguyễn Đức Mậu)
Áo còn vương bụi đỏ Trường Sơn
Sư đoàn vào thành phố
Giữa chói ngợp bao màu sắc lạ
Mũ lá sen xanh một khoảng rừng
Vào thành phố: những người thắng trận
Một mảng trời bén lửa sau lưng
Khuôn mặt đường xa
Chưa xoá dấu nhọc nhằn
Ngày 30 tháng 4
Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng
Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh
Hoà bình và chiến tranh
Cách nhau bằng nấc đạn
Súng đã khoá an toàn
Sân bay giặc bùng lên luồng khói xám
Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớn
Ngày pháo hoa đan kín vòm trời
Ngày đạn bắn chuyển rung mặt đất
Ngày súng cầm trên tay thảnh thơi
Từ cánh hoa đào tới cánh hoa mai
Hai miền đất vẹn tròn sum họp
Đàn bầu hãy rung lên trong suốt
Câu nhớ, câu thương, câu đợi, câu chờ
Giọt buồn tan ra
Giọt vui lắng lại
Dây đàn chăng vào trời cao bao la
Cho âm thanh sao rơi mặt đất
Triệu người nghe
Khúc hát bây giờ
Này rừng xanh màu áo chiến khu
Này quần đảo chuỗi cườm xinh biển cả
Vòm trời rộng bay nhiều mây trắng xoá
Những đàn chim không biết tự đâu về
Trăm giọng hót ngày hoà bình vui lạ
Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra
Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng
Trải tin vui suốt dải đất hai miền
Trăng trên trời rơi xuống buổi đoàn viên
Rơi xuống mái nhà chồng Nam, vợ Bắc
Đây mặt đất mùa hè thay áo khoác
Pháo hoa bay lên nước mắt, nụ cười
Tiếng trống vỗ như mở đầu, kết thúc
Hoà bình về
Cuộc chiến tranh qua
Hoà bình về trên mái tóc người cha
Và tiếng khóc oa oa thơ bé
Người lửa cháy suốt thời trai trẻ
Kẻ chào đời tiếng súng đã lặng câm
Hai lứa tuổi cách nhau một nhịp cầu Bến Hải
Một cuộc hành quân nắng dãi mưa dầm...
Sư đoàn tôi vừa đi qua chiến tranh
Hoà bình đến trên bàn tay lắp đạn
Hái một trái sầu riêng đang độ chín
Cây sum suê dâng hết ngọt ngào
Chiến tranh có từ hồi gieo hạt
Ngày hoà bình
Trái chín nặng vòm cao
Vai áo anh còn vết máu bạn bè
Vai áo tôi khét nồng thuốc đạn
Xin đặt vòng hoa: thắp nén hương tưởng niệm
Có khoảng trời xanh dưới đất nâu
Môt vuông đất: kẻ nằm, người đứng
Nhưng hoà bình từ nay về ta
Đôi giày dã chiến, đôi dép cao su
Chúng tôi đi
Bước đồng bằng, bước biển
Bước núi đồi
Bước biên giới rừng xanh
Không đếm hết dấu chân dừng lại dọc đường
Thành dòng chữ gọi người đang sống
Chúng tôi đi tới ngày toàn thắng
Cánh tay người lính
Đã mọc thành cờ
Trời xanh sáng ngời
Gương mặt tự do
Ngày 30 tháng 4
Tôi cùng anh chung phút giờ hồi tưởng
Mua bao thuốc Ru-bi mời bè bạn
Võng đung đưa
Nhà gác sáng đèn
Hạnh phúc lớn lao của đời người lính
Sau tháng năm xa phố, ở rừng.
Trận cuối cùng (Nguyễn Quốc Trung)
Mai vào trận cuối cùng
Đêm nay ta không ngủ
Tin vui như hoa nở
Náo nức mãi trong lòng
Gần xa trong tiếng súng
Tiếng dân reo vang lừng
Một vùng đất mênh mông
Đã rợp cờ giải phóng
Ta như cơn gió lốc
Mới ngày nào Chơn Thành
Hôm qua về Long Khánh
Biên Hòa đây rồi anh!
Những binh đoàn lớp lớp
Tiến quân về Sài Gòn
Tăng, pháo ta trùng trùng
Mặt quân thù khiếp đảm
Đồn bốt thù hiện ra
Lù lù trong bóng tối
Những lá cờ ba que
Trong đêm đen hấp hối
Ta hành quân thần tốc
Sài Gòn ta vây chặt
Quả đấm thép sẵn sàng
Giáng xuống đầu quân giặc
Nào, tăng ơi xông lên!
Hãy gầm vang đường phố
Quyết tâm trong trận này
Diệt thù tận hang ổ!
Mai vào trận cuối cùng
Đêm nay ta không ngủ
Trời đã hừng phía đông
Sài Gòn ơi, súng nổ!
(29/4/1975)
Xem thêm:
Tuyển tập câu thơ về làng quê yên bình hay và chân thành nhất
47 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng yêu nước, yêu quê hương
41 câu stt quê hương bình yên - nơi chôn rau cắt rốn một đời
Thơ về người lính cách mạng
Đất nước ta đã trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng. Tầm vóc non sông được dựng xây từ những con người anh dũng, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, không thể không nhắc đến những người lính mang trong mình lòng nồng nàn yêu nước, một thần tinh thần lạc quan cách mạng. Dù trong hoàn cảnh hay tình huống nào, người lính - người chiến sĩ cách mạng - anh bộ đội cụ Hồ - luôn mang vẻ đẹp tiêu biểu cho cả thời đại, mang trong mình lý tưởng cách mạng chói ngời, những phẩm chất anh hùng cao cả. Và các tác phẩm văn học mang màu sắc sử thi của giai đoạn này, nhất là thơ đã khắc họa rõ nét hình tượng ấy.
Nhớ (Hồng Nguyên)
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “Một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm đao kiếm,
Áo vải chân không,
Đi lùng giặc đánh.
Ba năm rồi gửi lại quê hương.
Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm.
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng.
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng.
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
- Đằng nớ vợ chưa?
- Đằng nớ?
- Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp,
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.
Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động,
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng.
Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau.
Có tiếng gà gáy xóm,
Có “Khai hội, yêu cầu, chất vấn!”
Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa.
Trăng lên tập hợp hát om nhà.
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa,
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui,
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ,
Đồng chí mô nhớ nữa,
Kể chuyện Bình - Trị - Thiên,
Cho bầy tôi nghe ví,
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
- Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ,
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri.
Đêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng,
Đường mòn thấp thoáng...
Trong điếm nhỏ,
Mươi người trai tráng,
Sờ chuôi lựu đạn.
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng.
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
“Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”
(1948)
Bài thơ về hạnh phúc (Bùi Minh Quốc)
(Tưởng nhớ XQ thân yêu)
I
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.
Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp. Anh lên đường đuổi giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên
Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc
Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy
Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.
Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng.
II
Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân
Em lên đường phơi phới bước chân
B.52 bom nghìn tấn dội
Kìa dáng em băng rường bước vội
Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi.
Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi
Nắng long lanh trong mắt người bám biển
Giặc mới lui càn khi em vừa đến
Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng
Quanh những bờ dương bị giặc san bằng
Đã lại mở những chiến hào gai góc
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời
Em mải mê, đi giữa bao người
Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú...
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em
Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
Cô du kích dịu dàng dũng cảm
Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư
Có tiếng hò như thực như hư
Em đã đến, tắm mình trong sóng nước
Sông kể em nghe chuyện đôi bờ thủa trước
Em mở mắt nhìn kinh ngạc những làng thôn
Và kêu lên khi được thấy cội nguồn
Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ.
Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ
Đã cùng họ sẻ chia
Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa
Phút căng thẳng khi vòng vây giặc siết
Nỗi thống khổ ngút ngàn không kể hết
Của một thời nô lệ đau thương
Em lớn lên bên họ can trường
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng
Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
III
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
(8/3/1969)
(6/9/1969)
Đội vũ trang tuyên truyền Lâm Đồng (Tế Hanh)
Đồng chí bí thư
mở tấm bản đồ gấp tư
và chỉ:
- Các đồng chí!
Đây!
vùng này!
Các đồng chí
nhìn thêm một lần cho kỹ
... Đã tám giờ rồi
ta từ giã nhau thôi
Chào các đồng chí!
- Chào đồng chí!
Tiểu đội mười lăm người hành lý ra đi
Họ ra đi khi mùa xuân trở lại
Núi Lâm Đồng cây trải một màu xanh
Tiếng suối long lanh
Vang vang tiếng hát
Núi rừng bát ngát
Dòng máu thanh niên:
"Ta mau lên đường nhằm Tây Nguyên ta tiến lên"
Họ ra đi lòng nhẹ thênh thênh
Anh lớn nhứt mới ba mươi vừa cưới vợ
Chị làm cán bộ
tặng chồng quyển sổ lúc chi ly
Anh nhỏ nhất khi đi
còn thầm thì với mẹ:
"Tết sang năm con sẽ trở về"
Họ không cùng một quê:
Anh này Quảng Nam
Anh kia Quảng Ngãi
có anh Phú Yên
có anh Phan Thiết
Nhưng tất cả là con yêu nước Việt
con Bác Hồ
con Đảng Lao động Việt Nam
Họ ra đi
Trước mắt
dặm đường xa lắc:
Blao, Djiring
Dran, Dalat
Hướng về Đắk Lắk, Bắc Tây Nguyên
Hướng về ba ranh giới, Đông Miên, Hạ Lào
Hướng về Nam bộ
Xôn xao lòng nghe vỗ sóng Mê-kông
Họ ra đi
ngày tháng mênh mông
Trăng đỉnh núi hết tròn lại khuyết
Mùa xuân lá biếc
mùa hạ nắng vàng
mùa thu áo thấm sương lam
mùa đông da tê gió rét
Ngày trở về chưa viết được trong thơ
Núi thấp hơn mơ
mây xanh kém mộng
Quyết tâm xây dựng Lâm Đồng
Lòng trai thơm ngát hương thông
Nhưng cũng thật vô cùng
nỗi gian lao khổ cực
trên con đường công tác đoàn trai
Ôi, những buổi mai
không cơm nhìn nhau cười ngặt nghẽo
Những đêm lạnh lẽo
đốt lửa rừng nằm tréo chân nhau
Những cơn sốt rét bưng đầu
da xanh màu lá
Đi hết tháng ba
anh Hai yếu quá
phải gửi lại nhà
một đồng chí thượng du
Anh ôm đầu khóc ngất
nhìn bạn mình dần khuất sau cây
Trong một khu rừng dày
anh Năm người Bình Định
có đôi má phinh phính
như cô gái của đoàn
đi trinh sát hai hôm không trở lại
Anh em sợ hãi
chia nhau đi kiếm đi tìm
thấy dấu chân cọp in
và một dòng máu chảy
sắc máu còn tươi
Trên đường 20
những con thú khác
Một bầy giặc ác
núp rình bắn chết anh Tư
người bạn hay đùa trong đội
(Người ta nói lại:
khi lũ giặc đến gần
anh nghiến răng
quăng lựu đạn
giết tươi mấy mạng
rồi mới chịu tắt hơi)
Và sau hết
là cái chết vinh quang
của anh phân tổ trưởng:
anh Sáu
theo biệt động đội vào thành Dalat
hạ sát mấy thằng Tây
Anh bị vây
biết mình không thể thoát:
một phát súng vào đầu
Hôm sau
mấy thiếu nữ thành
đến nhỏ trên thân anh
nước hoa và nước mắt
Trong khi ấy ngấm ngầm hàng ngũ giặc
ứ căm hờn cơ sở mọc nhiều thêm
Đội vũ trang làm giặc cuống cuồng lên
trên đường số 8
trên đường số 20
trên đường số 11
trên đường số 21
chúng tung ra cả một tiểu đoàn
Dalat an toàn
đã vang rền súng nổ:
lũ giặc ác còn đâu?
mấy con chó săn còn đâu?
Đội vũ trang đã vào tận rừng xanh
Đem thân mến cho người Cà-ho, người Chu, người Mạ
A quay, A ma
Me kra, Bap kra
chuyện trò rỉ rả
tình má tình con
"Lần sau con trăng nó tròn
ông Chính phủ sẽ về trở lại"
Điếu thuốc đãi canh khuya
Vò rượu chia bữa tiệc
Mối tình sông núi tình dân Việt
Kinh Thượng đôi lòng cảm chứa chan
Mười một anh em trong tiểu đội
Đã xây thân mến bốn mươi làng
Họ đem cờ đỏ sao vàng
Phất trên đỉnh núi giữa hàng cây to
Họ đem hình ảnh Bác Hồ
In trong tim óc ngây thơ Lâm Đồng
Đây: sẽ vào trong lịch sử
cái ngày, cái nơi hai đội vũ trang
Đắc Lắc, Lâm Đồng
gặp nhau lần thứ nhất
Kẻ Nam người Bắc
cùng cất tiếng hát vang
Rừng núi Tây Nguyên đến ngàn năm còn nhớ:
"Ta mau lên đường nhằm Tây Nguyên ta tiến lên"
Một năm sau
đồng chí chỉ huy trở về hội nghị
Đêm cuối cùng làm lễ tuyên dương
đồng chí bí thư tuyên bố:
- Thay mặt Đảng bộ
thay mặt chủ tịch đoàn
tôi trao cờ danh dự
cho toàn đội vũ trang
Giữa hội nghị trang nghiêm
đồng chí chỉ huy cảm thấy mình nhỏ bé:
- Thưa các đồng chí!
tôi sẽ về nói lại
những điều học hỏi mấy ngày đêm
với tất cả anh em vắng mặt
Cả hội nghị bỗng nhìn vào đôi mắt
của anh
thấy long lanh
ngôi Sao vàng và cái Liềm cái Búa.
(Cực Nam, tháng 10/1951)
Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân)
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
(3/1968)
Viếng bạn (Hoàng Lộc)
Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ
Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhằm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh!
Tên nó là đế quốc?
Tên nó là thực dân?
Nó là thằng thổ phỉ?
Hay là đứa Việt gian?
Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt
Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(1969)
Cuộc đời vẫn đẹp sao (Dương Hương Ly)
Ϲuộc đời vẫn đẹp sao
Tình уêu vẫn đẹp sao
Dù đạn bom man rợ thét gào
Dù thân thể thiên nhiên mang đầу thương tích
Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch
Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần
Một tiếng chim ngân
Một làn gió thổi
Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến
Thấу trời xanh xao xuуến ở trên đầu ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau
Ôi! Trái tim Việt Nam
Ɲhư mặt trời trước ngực
Giữa thế kỷ hai mươi cháу rực sáng ngàn năm… ngàn năm…
Đồng chí (Chính Hữu)
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
(2/1948)
Tây Tiến (Quang Dũng)
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
(Phù Lưu Chanh, 1948)
Dưới chân đồi C4 (Huy Trụ)
Tặng những chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ cầu Hàm Rồng
Chẳng cần ghế thấp ghế cao
Xấp bằng xuống cỏ thôi, nào, anh em!
Đồi C4 cỏ im lìm
Ngày xưa cỏ chết trong bom như người
Ta từng có lúc ước vui
Một lần trên cỏ được ngồi cùng say…
Sao giờ không khói bom cay
Nâng ly rượu, lại run tay, ngập ngừng
Nhìn từng khuôn mặt rưng rưng
Tóc râu có đứa như rừng bông lau
Hàm Rồng, con nước cạn, sâu
Một ngày mấy lượt qua cầu xe hoa?
Thôi thì ta lại với ta
Những thằng lính rót rượu ra giữa trời
Rót cho tràn đất chưa thôi
Rượu tràn đất, để ta mời… "bạn ta"
Những thằng như khói như hoa.
Trên đây là số ít những bài thơ cách mạng Việt Nam hào hùng, bi tráng. Để giành được độc lập, non sông, biết bao thế hệ đã anh dũng chiến đấu. Họ là những người nông dân, học sinh, sinh viên, trí thức... mặc áo lính, cùng chung tình yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù. Với sức mạnh phi thường, chí khí anh hùng, niềm tin nồng thắm, họ đã dùng “những bàn tay xẻ núi, lăn bom” để “mở đường cho xe ta lên đường tiếp viện”, trở thành “chị gánh, anh thồ” hàng vạn vạn tấn hàng tiếp tế cho chiến trường, là đồng chí liên lạc hay cầm súng chiến đấu nơi trận địa ác liệt... Tất cả họ đã hóa thành dáng hình Tổ quốc, là hình ảnh lịch sử sống mãi với thời gian, trở thành tượng đài bất hủ trong cuộc kháng chiến cứu nước. Lịch sử Việt Nam đã trở thành huyền thoại trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng hòa bình, khiến cả thế giới cảm phục đối với một dân tộc anh hùng.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.