Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok bỗng nhiên xuất hiện cụm từ “xà lơ”, “ăn nói xà lơ”. Thế nhưng, bạn đã biết “xà lơ là gì”, “ăn nói xà lơ là gì” chưa? Hãy cùng VOH khám phá và tìm hiểu ý nghĩa của câu trending đang “làm mưa làm gió” này nhé!
“Xà lơ” là gì? “Ăn nói xà lơ” là gì?
Nếu bạn là một “tín đồ” TikTok thì sẽ không còn lạ lẫm với các từ trendy như “u là trời”, “lemỏn”, “chằm Zn”... Mới đây, dân tình lại có dịp được “đu trend” khi cụm từ “ăn nói xà lơ” xuất hiện. Nó dần trở thành ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của thế hệ gen Z.
“Xà lơ” là một từ địa phương, thường được người dân ở khu vực miền Nam và miền Tây nước ta sử dụng. Chính xác hơn, nó là cách nói ngắn gọn của từ “sai lơ”, mang ý nghĩa sai bét, sai hết trơn hết trọi.
Từ cách giải thích trên, ta có thể hiểu “ăn nói xà lơ” ám chỉ những người đang nói sai điều gì đó 100%, thông tin của họ là hoàn toàn sai, không có giá trị. Tóm lại, “ăn nói xà lơ” là cách nói trại âm của từ “sai lơ”.
Nguồn gốc của câu “Ăn nói xà lơ” từ đâu?
Từ ngữ mới, mang ý nghĩa hài hước thường thu hút giới trẻ. Đơn giản chỉ là những câu nói đầy ngẫu hứng cũng có thể trở thành trào lưu, nổi đình nổi đám trên mạng xã hội, giống như trường hợp sau đây.
Trong một đoạn clip livestream bán hàng trên TikTok, người mẹ đang quảng cáo sản phẩm thì bất ngờ con gái của cô thốt lên những từ ngữ không hay, chưa đúng chuẩn mực. Ngay lập tức, người phụ nữ đã chấn chỉnh lại đứa bé bằng câu nói ngắn gọn pha chút giọng điệu vùng miền “Ăn nói xà lơ, sao con nói dị”.
Chính chất giọng đặc trưng cùng biểu cảm hài hước của hai mẹ con đã khiến các bạn trẻ vô cùng thích thú. Từ đó, họ thường sử dụng câu “ăn nói xà lơ” trong giao tiếp hằng ngày hoặc để quay TikTok. Điều này giúp cho câu nói ấy trở nên viral trên mạng xã hội suốt một khoảng thời gian dài.
Xem thêm:
Các câu nói hot trend 2023 mới nhất hiện nay đang viral trên mạng xã hội
“Ủa gì dợ” là gì? Cụm từ "Ủa gì dợ" trên facebook, tiktok bắt nguồn từ đâu?
“Gét-gô” là gì? Nguồn gốc thử thách 6 ngày 6 đêm hot trend trên mạng xã hội
“Ăn nói xà lơ” là gì trên Facebook?
“Ăn nói xà lơ” dường như đã trở thành câu cửa miệng của giới trẻ Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng nghe thấy hay bắt gặp cụm từ này trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram… và thậm chí trong cuộc sống thường nhật.
Câu “ăn nói xà lơ” mang ý nghĩa vui vẻ, hài hước nên dân tình thường dùng để trêu nhau. Họ hay gán ghép cụm từ này cho những người bạn, đồng nghiệp khi nói chuyện vô nghĩa hoặc không có ý nghĩa gì cả.
Cụm từ “ăn nói xà lơ” được lan truyền mạnh mẽ hơn nhờ bài đăng của một fanpage có tên là Insight mất lòng. Với sự “bắt trend” nhanh chóng, bài viết đã thu hút hơn 2,7 ngàn bình luận và 23 ngàn lượt thích (cập nhật đến ngày 27/9/2023).
Nhiều người còn hài hước để lại những câu chuyện thú vị liên quan đến cụm từ "ăn nói xà lơ" như “Nhà có anh đồng nghiệp đi làm 8h, nghe anh ấy kêu người này người kia “xà lơ” hết 7,5h” hay “Có ông sếp ghiền tóp tóp, đi nhậu chung ông ấy cứ “ăn nói xà lơ” hết buổi nhậu”.
Cách giao tiếp tinh tế, tránh bị “xà lơ”
Nói năng khéo léo là một nghệ thuật, sẽ giúp bạn “được lòng” những người xung quanh. Do đó, nhằm tránh việc “ăn nói xà lơ” gây mất cảm tình thì chúng ta cần học cách giao tiếp sao cho đúng để không rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười”. Dưới đây là một số “mẹo” hay mà bạn có thể tham khảo.
Hiểu được cách lắng nghe
Có thể nói, lắng nghe là kỹ năng quan trọng giúp bạn giao tiếp thành công. Đồng thời, thông qua hành động này còn thể hiện sự tôn trọng, quan tâm đối với người khác.
Khi lắng nghe, chúng ta không những thấu hiểu, cảm nhận được tâm trạng, suy nghĩ mà còn nắm bắt được trọng tâm câu chuyện của đối phương. Từ đó, dễ dàng đưa ra câu trả lời, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.
Hành động lắng nghe cũng cho phép chúng ta cảm thấy tự do, thoải mái khi chia sẻ ý kiến, cảm xúc cá nhân. Điều này thúc đẩy sự gần gũi, thân thiện, xây dựng lòng tin và tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với mọi người.
Hiểu được sức mạnh của nụ cười
Nụ cười được xem là “chìa khóa” quan trọng giúp lời nói thêm phần thuyết phục, đáng tin cậy. Nó có thể thay đổi không khí xung quanh bạn trở nên tích cực, gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nụ cười cần phải tự nhiên và chân thành. Người khác sẽ cảm nhận được nếu nụ cười của bạn không thoải mái hoặc không phản ánh đúng tâm trạng thật sự. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì một thái độ thân thiện trong giao tiếp.
Nói đúng trọng tâm, không vòng vo
Khi trò chuyện với ai đó, bạn nên nói đúng trọng tâm, trực tiếp và thẳng thắn, tránh vòng vo. Nhờ vậy, người nghe có thể hiểu rõ và nắm bắt được điểm chính của vấn đề. Muốn làm được điều này, mỗi cá nhân cần luyện tập thói quen dừng lại vài giây để suy nghĩ trước khi lên tiếng. Lúc ấy, bạn sẽ chủ động diễn đạt rõ ràng hơn những gì muốn nói.
Nói chuyện rành mạch, tránh nói “ậm, ừ”
Nếu muốn tránh “ăn nói xà lơ”, lan man và cải thiện khả năng giao tiếp, bạn nên tập trung vào việc diễn đạt mạch lạc, logic. Hãy suy nghĩ kỹ càng, thấu đáo trước khi nói, chọn từ ngữ phù hợp với hoàn cảnh để làm cho lời nói của bản thân thuyết phục hơn.
Sử dụng quá nhiều từ “ậm, ừ, ờ” sẽ làm giảm trọng lượng của câu nói, thiếu chuyên nghiệp. Thêm vào đó, những từ này xuất hiện thường xuyên cho thấy bạn đang lo lắng, hồi hộp, không tự tin. Trong các buổi thuyết trình, diễn thuyết, việc dùng từ thừa có thể khiến bạn mất điểm nghiêm trọng.
Xem thêm:
À lôi là gì mà dàn trai xinh gái đẹp liên tục “bắt” trend?
“You don’t hợp with me” là gì mà gen Z đua nhau “bắt trend”?
Flex nghĩa là gì mà lại được cộng đồng mạng yêu thích "bắt trend"?
Tạo sự gần gũi khi trò chuyện
Sự tương tác trong quá trình giao tiếp làm cho cuộc trò chuyện trở nên tự nhiên và thoải mái hơn. Điều này giúp đối phương tham gia vào câu chuyện một cách vui vẻ, tự nguyện, thay vì cảm thấy ép buộc.
Hãy thể hiện sự gần gũi, thân mật ngay từ đầu bằng một nụ cười thân thiện, thái độ hòa nhã để người khác mở lòng với bạn hơn nhé!
Giao tiếp bằng mắt, ngôn ngữ cơ thể
Người xưa thường nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Giao tiếp bằng mắt là một trong những kỹ năng quan trọng của mỗi cá nhân. Theo quan niệm của nhiều người, miệng có thể nói dối nhưng ánh mắt thì không. Vậy nên, nếu bạn rụt rè, ánh mắt né tránh khi giao tiếp dễ khiến người khác nghĩ bạn đang “ăn nói xà lơ”.
Để nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng mắt, hãy nhìn thẳng vào mắt đối phương khi trò chuyện, không lảng tránh ánh mắt của họ. Hành động này sẽ mang lại sự tự tin cũng như thuyết phục được người nghe về những điều bạn nói. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp ngôn ngữ cơ thể để cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ hơn.
Quan tâm đến cảm xúc của người khác
Quan tâm đến cảm xúc của người khác là kỹ năng giúp bạn tránh “ăn nói xà lơ”. Cuộc trò chuyện sẽ thất bại nếu chỉ có bạn tỏ ra hào hứng với những gì đang nói.
Khi đối phương thể hiện sự lắng nghe và quan tâm, bạn có thể tiếp tục trò chuyện. Ngược lại, họ trở nên thờ ơ, hãy linh hoạt thay đổi hướng câu chuyện để đảm bảo cả hai đều thoải mái, vui vẻ.
Nhờ những câu nói trendy như “đúng nhận sai cãi” hay “ăn nói xà lơ” giúp cuộc trò chuyện bớt nhàm chán và mang lại nhiều tiếng cười hơn. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng nó mà làm mất đi tính tự nhiên trong giao tiếp. Hy vọng với các thông tin thú vị trong bài viết, bạn có thể hiểu hơn về ý nghĩa cũng như nguồn gốc cụm từ “ăn nói xà lơ” trên mạng xã hội.
Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.