Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho biết, “aspartame” - một chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng trong hàng triệu sản phẩm trên khắp thế giới chẳng hạn như coca cola, kem lạnh, kẹo cao su và bánh pudding… sẽ lần đầu tiên bị liệt vô danh sách “có thể gây ung thư cho con người” vào tháng 7 này.
Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), một tổ chức chuyên nghiên cứu về ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra kết luận về việc liệu “aspartame” có phải là mối nguy tiềm ẩn hay không dựa trên các bằng chứng được công bố trong cuộc họp của các chuyên gia bên ngoài vào đầu tháng 6 năm nay.
Aspartame là một chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường saccharide được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống.
Đối với khuyến nghị về “mức độ an toàn” của các sản phẩm dùng cho cá nhân có chứa “aspartame” sẽ do Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia về phụ gia thực phẩm và các cơ quan quản lý quốc gia của các nước ra quyết định.
Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia về phụ gia thực phẩm (gọi tắt là JECFA) là một Ủy ban chuyên gia khoa học quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp điều hành.
Bằng chứng về nguy cơ ung thư của aspartame là yếu
Aspartame - chất làm ngọt nhân tạo đã được nghiên cứu rộng rãi trong nhiều năm và nguy cơ gây ung thư của nó cũng nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu.
Ví dụ, một nghiên cứu quan sát trên 100.000 người trưởng thành ở Pháp năm ngoái cho thấy, những người tiêu thụ nhiều chất làm ngọt nhân tạo, bao gồm cả aspartame, có nguy cơ mắc ung thư cao hơn một chút, có nghĩa là sử dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể dẫn đến “tăng nguy cơ” ung thư.
Kể từ năm 1981, JECFA đã khẳng định rằng, chất aspartame là an toàn trong giới hạn lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được và đã được các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ và Châu Âu công nhận.
Thực tế, nhiều nghiên cứu vẫn không thể chứng minh được rằng, aspartame - chất làm ngọt nhân tạo thực sự làm tăng nguy cơ ung thư.
IARC chia tất cả các loại chất có thể gây ung thư thành “5 loại lớn” theo mức độ rủi ro khác nhau, đó là “chất gây ung thư loại 4”, “chất gây ung thư loại 3”, “chất gây ung thư loại 2B”, “chất gây ung thư loại 2A” và “chất gây ung thư loại 1”.
IARC dự định định nghĩa “aspartame” là “chất gây ung thư loại 2B”, loại chất này (chất gây ung thư loại 2B) ít có khả năng gây ung thư cho con người.
Tuy nhiên, trong các thí nghiệm trên động vật, bằng chứng về khả năng gây ung thư là không đủ và bằng chứng cũng hạn chế.
Cần uống nhiều nước để đào thải các chất độc tố
Chất làm ngọt nhân tạo được coi là chất phụ gia, nên cần uống nhiều nước để đào thải các chất độc tố, cặn bã có thể có trong chất phụ gia.
JECFA đã xem xét việc sử dụng chất aspartame trong năm nay và dự kiến sẽ công bố kết quả vào ngày 14/7 tới đây, cùng ngày với thông báo aspartame sẽ bị liệt vô danh sách “có thể gây ung thư cho con người”
Yan Zonghai, Giám đốc Trung tâm Chống độc lâm sàng của Bệnh viện Chang Gung (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, chất aspartame là một trong những chất làm ngọt nhân tạo được “cho phép” thêm vào thực phẩm và đồ uống, mặc dù đã có những lo ngại về khả năng gây ung thư nhưng trên thế giới không có nhiều bằng chứng nghiên cứu về việc con người sử dụng quá nhiều chất làm ngọt, chẳng hạn như đường xylose (hoặc đường gỗ), saccharin (đường hóa học) và aspartame (đuờng đường tổng hợp)… có thể gây gánh nặng cho thận.
Do đó, nên uống nhiều nước để đào thải chúng qua nước tiểu, không mua và sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, sẽ giúp tránh được những sản phẩm này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta.