Mycoplasma thường có chu kỳ bùng phát khoảng 5 năm một lần và hiếm khi gây chú ý vì các triệu chứng nhẹ, ca tử vong cực kỳ hiếm. Tuy nhiên trong năm nay, dịch bệnh có chiều hướng nghiêm trọng hơn nhiều do trẻ em bị suy giảm miễn dịch tự nhiên sau 2 năm trường học đóng cửa và phải đeo khẩu trang theo quy định.
Mycoplasma cũng là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát tại Trung Quốc, khiến các bệnh viện nhi ở miền Bắc quá tải.
Số ca viêm phổi nhiễm khuẩn Mycoplasma đang gia tăng ở Ireland, Pháp, Hà Lan và Đan Mạch. Theo The Telegraph, Đan Mạch chính thức thông báo dịch viêm phổi ở trẻ em sau khi nước này chứng kiến số ca bệnh tăng gấp 3 lần kể từ tháng 10, đạt tổng cộng 541 ca vào tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, nhiều trẻ em Việt Nam cũng nhập viện điều trị dài ngày do vi khuẩn này gây nên.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, 30-40% bệnh nhi viêm phổi điều trị tại đây nhiễm Mycoplasma. Các bác sĩ chưa rõ nguyên nhân bệnh do Mycoplasma xuất hiện nhiều gần đây, song ghi nhận đây là điều bất thường và tiếp tục theo dõi.
Các bác sĩ nhấn mạnh, đây không phải đợt dịch lây lan từ nước này sang nước khác. Chu kỳ bùng phát Mycoplasma xuất hiện vào thời điểm khả năng miễn dịch của trẻ em rất yếu.
Dịch bệnh “phổi trắng” mang tính “toàn cầu”
Sở dĩ bệnh do vi khuẩn Mycoplasma gây ra được gọi là ‘Hội chứng phổi trắng’ là do ảnh chụp X-quang của bệnh nhi cho thấy những mảng trắng ở khắp phổi. Trẻ em mắc bệnh có những triệu chứng như ho, sốt, mệt mỏi.
Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Johns Hopkins cho biết, đây là dịch bệnh mang tính "toàn cầu". Theo ông, đợt bùng phát viêm phổi vẫn tuân theo chu kỳ, như bản chất của Mycoplasma từ trước.
Thông thường, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn bùng lên khi mọi người đang hồi phục sau đợt cúm mùa hoặc các bệnh do virus khác.
Khả năng miễn dịch toàn cầu trước các mầm bệnh theo mùa cũng thấp hơn, bởi hạn chế về đại dịch khiến mọi người không được phơi nhiễm tự nhiên với các loại vi khuẩn, virus thường quy trong gần 3 năm. Đặc biệt, tại các khu vực phong tỏa chặt chẽ như Trung Quốc, miễn dịch cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Nhóm dễ tổn thương nhất là trẻ em sinh ra trong 2 năm đại dịch. Chúng chưa trải qua bất kỳ loại bệnh truyền nhiễm nào, trong khi tương tác xã hội trong những năm đầu phát triển của con người là rất quan trọng. Việc mắc một số bệnh thường quy sẽ củng cố hệ miễn dịch của trẻ nhỏ.
Chẩn đoán và điều trị bệnh “phổi trắng”
Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc hội chứng phổi trắng có thể xảy ra tình trạng nhảy mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mắt, thở khò khè, nôn mửa và tiêu chảy.
Để chẩn đoán Mycoplasma, người bệnh thường được chỉ định xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm tìm kiếm sự phát triển của vi khuẩn trong mẫu máu.
Tuy nhiên, điều trị viêm phổi do Mycoplasma rất khó khăn, do vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh. Vì vậy, đa phần bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các kháng sinh thông thường. Một số bệnh nhân biến chứng nặng hoặc nhiễm thể Mycoplasma kháng thuốc phải điều trị đặc hiệu.
Tạm thời phương án điều trị chủ yếu tập trung vào các triệu chứng của bệnh viêm phổi và đảm bảo sức khỏe được hô hấp cho bệnh nhi. Trẻ em cần được theo dõi sát để bác sĩ kịp thời can thiệp và liệu pháp oxy có thể được sử dụng nếu cần thiết.
Phòng ngừa bệnh “phổi trắng”
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cho trẻ tiêm phòng cúm, duy trì lối sống lành mạnh như chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi mọi người áp dụng những biện pháp giảm lây nhiễm, bao gồm tiêm vaccine, giữ khoảng cách với người bệnh và đeo khẩu trang.