Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nghiên cứu mới: Bệnh nhân ung thư vú từ 65 tuổi trở lên có thể không cần xạ trị

(VOH) - Theo một nghiên cứu mới, một số bệnh nhân ung thư vú lớn tuổi, việc bỏ qua xạ trị sau khi đã phẫu thuật dường như không có tác động bất lợi đến khả năng sống sót của họ.

Bỏ qua xạ trị sau phẫu thuật ung thư vú có thể không ảnh hưởng đến sự sống của phụ nữ từ 65 tuổi trở lên - miễn là họ tiếp tục điều trị nội tiết trong vòng 5 năm, nghiên cứu được công bố hôm 22/2 trên Tạp chí Y học New England. Tuy nhiên điều này có thể liên quan đến nguy cơ ung thư trở lại cao hơn ở cùng một vú.

Xạ trị có thể gây các tác dụng phụ như mệt mỏi, đau ngực, cũng như nguy cơ biến chứng tim và phổi.

Liệu pháp nội tiết còn được gọi là liệu pháp hormone – liên quan đến việc bổ sung, ngăn chặn hoặc loại bỏ hormone như một phần của phương pháp điều trị đối với một số bệnh, bao gồm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số bệnh ung thư.

Tiến sĩ Alice Ho của Trường Y Đại học Duke và Tiến sĩ Jennifer Bellon của Trường Y Harvard đã viết: “Những dữ liệu này đưa ra câu trả lời liên quan tới vấn đề điều trị quá mức đã tồn tại từ lâu ở phụ nữ lớn tuổi mắc bệnh ung thư vú… Thực tế, xạ trị có thể gây áp lực về thời gian và tài chính. Do đó, dữ liệu củng cố việc bỏ qua xạ trị ở bệnh nhân - là điều đáng hoan nghênh”.

Nghiên cứu mới: Bệnh nhân ung thư vú từ 65 tuổi trở lên có thể không cần xạ trị 1
Bệnh nhân ung thư vú từ 65 tuổi trở lên có thể không cần xạ trị

Nghiên cứu được phân tích từ dữ liệu của 1.326 phụ nữ bị ung thư vú từ 65 tuổi trở lên. Từ ngày 16/4/2003 đến ngày 22/12/2009, 658 phụ nữ được chỉ định ngẫu nhiên để xạ trị toàn bộ vú và 668 người trong số họ không được xạ trị. Thử nghiệm được tiến hành trên 76 trung tâm ở Vương quốc Anh, Hy Lạp, Úc và Serbia.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ung thư tái phát ở cùng một bên vú phổ biến hơn ở những người không được xạ trị; tỷ lệ tái phát tích lũy tại chỗ là 9,5% ở nhóm không xạ trị và 0,9% ở nhóm xạ trị.

Tỷ lệ tái phát cục bộ ở những bệnh nhân được xạ trị ở mức thấp, trong khi đó ở những bệnh nhân không được xạ trị tiếp tục gia tăng mà không có sự ổn định rõ ràng. Tuy nhiên, sự khác biệt tuyệt đối về tỷ lệ tái phát cục bộ sau 10 năm là rất khiêm tốn - các nhà nghiên cứu từ Đại học Edinburgh và Bệnh viện Đa khoa Western ở Scotland viết trong nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, tỷ lệ sống sót sau 10 năm gần như giống hệt nhau: 80,8% không xạ trị và 80,7% có xạ trị. 16 ca tử vong ở nhóm không xạ trị và 15 ca tử vong ở nhóm xạ trị là do ung thư vú.

Nghiên cứu trước đây đã ủng hộ việc loại bỏ xạ trị ở phụ nữ trên 70 tuổi có khối u nhỏ - dưới 2 cm - nhưng nghiên cứu mới này cung cấp bằng chứng cho việc hạ giới hạn tuổi xuống 65 và bao gồm cả những phụ nữ có khối u nhỏ tới 3 cm, Tiến sĩ Naamit Kurshan Gerber - một bác sĩ ung thư bức xạ tại Trung tâm Ung thư NYU Langone Perlmutter ở New York, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết.

Một số bệnh nhân ung thư vú có thể quyết định bỏ qua xạ trị vì nhiều lý do – bao gồm cả tác dụng phụ – nhưng những người khác vẫn có thể chọn xạ trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát ở cùng khu vực.

Nhưng Gerber nói rằng, đối với những bệnh nhân ung thư vú không có kế hoạch điều trị nội tiết, bỏ qua xạ trị không phải là một lựa chọn.