Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sherbrooke ở Canada đã trình bày chi tiết về chu kỳ “có hại” này trên tạp chí JAMA Pediatrics.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng, thời gian trung bình trẻ nhỏ dành cho thiết bị di động đã tăng từ 5 phút mỗi ngày vào năm 2020 lên 55 phút mỗi ngày vào năm 2022, trong đó nhiều trẻ 4 tuổi đã có thiết bị công nghệ riêng.

Nghiên cứu cho thấy, nhìn vào màn hình quá nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, khả năng học tập và kỹ năng xã hội của trẻ mẫu giáo vì chúng không được tương tác với cha mẹ - những người có thể dạy chúng cách điều chỉnh cảm xúc - hoặc không chơi với người khác.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, thời gian xem màn hình nên giới hạn ở mức 1 giờ mỗi ngày (hoặc 7 giờ mỗi tuần) với các chương trình chất lượng cao dành cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã liên kết việc trẻ 3 tuổi rưỡi sử dụng máy tính bảng với biểu hiện tức giận và thất vọng nhiều hơn một năm sau đó.
Cơn giận dữ của trẻ ở độ tuổi 4 tuổi rưỡi có liên quan đến việc sử dụng máy tính bảng nhiều hơn ở độ tuổi 5 tuổi rưỡi.
"Việc sử dụng thiết bị di động ngày càng hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của trẻ nhỏ", các nhà nghiên cứu viết trong phát hiện của họ. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cha mẹ nên cảnh giác, việc sử dụng máy tính bảng ở trẻ nhỏ có thể làm gián đoạn khả năng kiểm soát cơn tức giận và sự thất vọng và dẫn đến việc trẻ nhỏ bùng nổ nhiều hơn".
“Một số ứng dụng và chương trình có thể hỗ trợ phát triển các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc”, các nhà nghiên cứu lưu ý. “Ví dụ, chương trình Daniel Tiger và các ứng dụng di động đã được chứng minh là giúp trẻ em cải thiện các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc của mình”.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu khuyên, các bậc cha mẹ nên ở cạnh con cái khi dùng thiết bị công nghệ để củng cố mối quan hệ.