Trẻ được đưa đến Bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở và tím tái.
Đánh giá tình trạng khi nhập viện, kết hợp với các xét nghiệm và thăm dò, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc sởi, tổn thương phổi nặng với hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển, đáp ứng viêm toàn thân quá mức trong tình trạng cơn bão cytokine, cùng các tạng gan, thận và hệ thống tuần hoàn đều có biểu hiện suy sụp.
Một loạt các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực như lọc máu, áp dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) ngay lập tức được các bác sĩ triển khai để cứu bệnh nhi. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, trẻ đã không qua khỏi.

Theo TS.BS Lê Kiến Ngai - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác tiền sử các bác sĩ nhận thấy, dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm một liều vaccine viêm gan ngay sau sinh và một mũi vaccine BCG vài tuần sau đó.
Tất cả các vaccine cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có vaccine sởi, trẻ đều không được tiêm. Các trẻ khác trong gia đình, đều có tình trạng tương tự. Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine.
Do dự vaccine (vaccine hesitancy) là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do dự vaccine là tình trạng chần chừ hoặc từ chối tiêm vaccine mặc dù vaccine đã có sẵn. Đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu.
Nguyên nhân phổ biến của do dự vaccine có thể kể đến việc một bộ phận trong cộng đồng thiếu thông tin hoặc hiểu sai về vaccine như lo lắng về an toàn, tác dụng phụ, hay chưa bị thuyết phục về hiệu quả của vaccine;
Tâm lý chủ quan cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay đã hiếm gặp hoặc không nguy hiểm; Hay do ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội, từ những thông tin giả, thông tin sai lệch;
Bên cạnh đó, do dự vaccine có thể do những ảnh hưởng từ tôn giáo, văn hóa, niềm tin cá nhân (như quan điểm để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên); hoặc từ một vấn đề cá nhân, riêng biệt nào đó làm họ mất niềm tin vào hệ thống y tế.
TS.BS Lê Kiến Ngai cho biết, bản thân cá thể không được tiếp nhận vaccine mà đáng ra cần phải có sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao và nếu nhiễm bệnh sẽ có diễn biến nặng nề, điều trị khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhất là khi gặp tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Đối với cộng đồng, do dự vaccine làm giảm tỷ lệ bao phủ vaccine, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh (ví dụ: sởi, ho gà, Covid-19…). Do dự vaccine là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây quá tải cho hệ thống y tế khi dịch bệnh quay lại.
Chống đối vaccine (anti-vaccine) là gì?
Trong cộng đồng có những nhóm người hoàn toàn bác bỏ vaccine và tích cực tuyên truyền chống vaccine, thường dựa trên những thông tin sai lệch.
Đặc điểm và hành động của nhóm này là phủ nhận hoàn toàn hiệu quả của vaccine; lan truyền thuyết âm mưu (như vaccine gây tự kỷ, vô sinh, giảm dân số…), đặc biệt là tận dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng xấu trong cộng đồng.
Chống đối vaccine là một tình trạng cực đoan hơn cả do dự vaccine và có tác động rất tiêu cực.
Chính vấn đề này làm “lây lan” gia tăng sự do dự tiêm chủng trong cộng đồng. Chống đối vaccine là nguyên nhân gián tiếp gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh.
Tình trạng do dự vaccine và chống đối vaccine đang là mối quan tâm toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiêm chủng và sức khỏe cộng đồng.
Trên thế giới, theo báo cáo của UNICEF, trong hơn 3 năm đại dịch Covid-19, có 67 triệu trẻ em trên toàn cầu bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vaccine do gián đoạn dịch vụ tiêm chủng, hệ thống y tế quá tải và thông tin sai lệch.
Tại Mỹ, tỷ lệ miễn trừ vaccine đã tăng từ 1% năm 2006 lên 2% trong năm 2016-2017 và tiếp tục tăng lên 2,6% trong năm 2021-2022.
Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine cao hơn ở những trẻ có cha mẹ từ chối một hoặc nhiều loại vaccine vì lý do phi y tế.
TS.BS Lê Kiến Ngai thông tin thêm, tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều điều tra và nghiên cứu về tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine. Một nghiên cứu tại huyện Bình Lục, Hà Nam cho thấy, tỷ lệ do dự tiêm vaccine phòng Covid-19 là 25,1%.
Nguyên nhân chính bao gồm lo ngại về tác dụng phụ, thiếu thông tin và tin tưởng vào miễn dịch tự nhiên. Và có một thực tế là làn sóng “anti-vaccine” xuất hiện trên mạng xã hội, với các nhóm kêu gọi không tiêm chủng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng.