Giấm táo được làm từ táo lên men, nấm men và vi khuẩn tự nhiên trong quá trình lên men.
Những người ủng hộ khẳng định, giấm táo có thể làm giảm sự thèm ăn và tăng cường khả năng miễn dịch hoặc làm giảm lượng đường trong máu và chống ung thư, nhưng những điều này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Những người nổi tiếng bao gồm Kim Kardashian, Victoria Beckham và Jennifer Aniston đều tin tưởng loại chất lỏng này vì nó được cho là có đặc tính giảm béo.
Nhưng hãy cẩn thận, uống giấm táo để giảm cân có thể hại nhiều hơn lợi?
Uống quá nhiều chất lỏng chua mà không có biện pháp phòng ngừa thích hợp có thể khiến răng bị hỏng, gây ra cảm thấy buồn nôn và thậm chí có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Mặc dù an toàn khi tiêu thụ giấm táo với số lượng nhỏ nhưng các chuyên gia cảnh báo những lợi ích sức khỏe vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi.
MailOnline đã chia sẻ một số mối nguy hiểm liên quan đến việc uống giấm có tính axit và cách giảm thiểu sự nguy hại này.
Giấm táo có thể ăn mòn men răng
Uống quá nhiều giấm táo có thể bị sâu răng vì giấm cũng như bất kỳ thứ gì có tính axit cao. NHS cảnh báo, nếu uống giấm táo không pha loãng có thể làm mòn men răng, lớp bảo vệ cứng trên răng của bạn.
NHS khuyên mọi người không nên uống giấm trực tiếp mà thay vào đó hãy trộn một đến hai muỗng giấm vào nước hoặc đồ uống khác hoặc thêm vào nước sốt thực phẩm.
Sự pha loãng này sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ lợi ích sức khỏe nào nhưng sẽ làm giảm nguy cơ giấm táo làm mòn màu trắng ngọc trai của răng.
NHS cảnh báo, nếu men răng trên bề mặt răng bị tổn thương, nó sẽ cho phép mảng bám và vi khuẩn tiếp cận vật liệu mềm hơn giống như xương bên dưới, gây xói mòn thêm và thậm chí là sâu răng.
Giấm táo có thể làm hỏng cổ họng và da
Tính axit của giấm không chỉ có thể gây hại cho răng mà còn có thể làm hỏng cổ họng của bạn.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2021 trên Tạp chí Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thấy, rằng mặc dù giấm táo có thể an toàn cho chúng ta uống hàng ngày với số lượng nhỏ, nhưng uống một lượng lớn và bôi lên da có thể nguy hiểm.
Một số người tin rằng dùng giấm giúp cân bằng độ PH trên da và một số người còn sử dụng nó như một phương pháp điều trị tại chỗ.
Nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học Auckland cho biết, việc bôi trực tiếp lên da cũng đã được chứng minh là gây kích ứng da và bỏng hóa chất. Một đánh giá về các chất lỏng có hại mà trẻ em vô tình nuốt phải cho thấy axit axetic có trong giấm táo, là nguyên nhân phổ biến gây bỏng họng do axit ở trẻ em.
Giấm táo có thể gây buồn nôn và khó tiêu
Ngoài việc gây ra những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng, uống giấm táo nguyên chất có thể gây ra nhiều vấn đề hơn trong quá trình tiêu hóa.
Theo một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Middlesex, tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống thẳng giấm táo bao gồm trào ngược axit, buồn nôn và tiêu hóa chậm do nồng độ axit cao.
Một nghiên cứu có kiểm soát cho thấy, giấm có thể làm giảm lượng thức ăn ăn vào và do đó có thể giúp giảm cân một cách hợp lý, nhưng cũng cho thấy việc uống giấm làm tăng chứng khó tiêu.
Nghiên cứu năm 2014 báo cáo rằng, dù những người dùng 25 gam giấm táo cho biết, họ ít thèm ăn hơn nhưng điều này chủ yếu là do họ cảm thấy buồn nôn hơn.
Nên tránh uống giấm táo nếu bạn có vấn đề về thận
Nếu bạn mắc bệnh thận mãn tính, cơ thể bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc xử lý lượng axit dư thừa từ giấm táo. Điều này có thể gây ra sự tích tụ axit trong cơ thể bạn, được gọi là nhiễm toan chuyển hóa.
Khi axit này tích tụ, chức năng thận của bạn sẽ giảm xuống và khi chức năng thận giảm thì khả năng xử lý axit của nó cũng giảm, Tổ chức Thận Quốc gia cảnh báo.
Nhịp tim nhanh, cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa và cần hít thở sâu đều là những triệu chứng của nhiễm toan chuyển hóa.
Phản ứng dị ứng
Bất cứ ai bị dị ứng với táo hoặc pectin, một chất xơ có trong trái cây, cũng không nên dùng giấm táo. NHS cho biết, phản ứng dị ứng có thể gây sưng môi, sưng mí mắt, co thắt dạ dày, phát ban trên da và cảm giác ngứa ở cổ họng.
Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào sau khi dùng giấm táo, bạn nên đi khám ngay lập tức.