Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Thống kê cho thấy, ước tính cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Tại buổi tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 28/3, các chuyên gia nhấn mạnh việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp trẻ tự kỷ nâng cao chất lượng sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trong năm 2024, Khoa Tâm thần của bệnh viện tiếp nhận hơn 45.000 lượt khám, trong đó có khoảng 10.000 lượt khám vì nghi ngờ mắc tự kỷ.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp đúng cách và có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và chuyên gia, các ảnh hưởng của tự kỷ có thể được giảm thiểu đáng kể.
Giai đoạn can thiệp vàng được xác định là trước 4 tuổi, đặc biệt là trước 3 tuổi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ.
Luật Người khuyết tật và Luật Trẻ em đã quy định rõ các quyền lợi và chính sách dành cho nhóm đối tượng này, như giáo dục đặc biệt, dạy nghề và hỗ trợ xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt là về hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ khi trưởng thành.
Phần lớn trẻ tự kỷ khi đến tuổi trưởng thành gặp khó khăn trong việc tự lập và tham gia vào thị trường lao động. Điều này đặt ra bài toán lớn về an sinh xã hội khi cha mẹ các em ngày càng già yếu, trong khi chi phí chăm sóc lại rất cao.
Để cải thiện cuộc sống của trẻ tự kỷ, các chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn cho phụ huynh và đội ngũ cán bộ y tế.
Cần xây dựng các mô hình hướng nghiệp hiệu quả, giúp trẻ tự kỷ có cơ hội hòa nhập xã hội và có một tương lai tốt hơn.