Các tổ chức cứu trợ quốc tế và Liên Hợp Quốc cảnh báo thảm họa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở Myanmar, một quốc gia vốn đang đối mặt với những khó khăn nhân đạo nghiêm trọng ngay cả trước thảm họa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận được thông tin về việc ít nhất 3 bệnh viện bị phá hủy và 22 bệnh viện bị hư hại một phần trong số hơn 10.000 công trình bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng ở miền Trung và Tây Bắc Myanmar.
Quy mô thực sự của sự tàn phá vẫn chưa được làm rõ, đặc biệt là khi các khu vực gần Mandalay và một số vùng bị lở đất đang bị cô lập và gián đoạn thông tin viễn thông.
Theo một báo cáo từ Phòng thí nghiệm AI for Good của Microsoft, hình ảnh vệ tinh cho thấy tại thành phố Mandalay có tới 515 tòa nhà bị hư hại từ 80-100% và hơn 1.500 tòa nhà khác bị hư hại từ 20-80%.

Con số thiệt hại không ngừng tăng lên khi các cơ quan cứu trợ xác nhận thông tin gián đoạn và thiếu khả năng tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng.
Chính quyền quân sự Myanmar cho biết số người thiệt mạng lên tới 2.065 người với hơn 3.900 người bị thương và khoảng 270 người mất tích. Tuy nhiên, các cơ quan cứu trợ dự báo con số này có thể còn tăng mạnh do việc tiếp cận các khu vực hẻo lánh vẫn đang gặp khó khăn.
Ngay từ trước khi trận động đất xảy ra, Myanmar phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng y tế và các nguồn lực cần thiết để ứng phó với thảm họa.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, Myanmar thường gặp khó khăn trong công tác cứu trợ và phục hồi sau thảm họa, đặc biệt là do tình hình bất ổn chính trị và các cuộc giao tranh kéo dài.
Các nỗ lực cứu trợ hiện đang gặp phải nhiều trở ngại. Việc thiếu điện, nhiên liệu và thông tin liên lạc đã làm chậm quá trình cứu nạn. Sự thiếu hụt máy móc hạng nặng và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với nhiệt độ ban ngày lên đến 40 độ C, đã vắt kiệt sức lực của các lực lượng cứu hộ.
Trong bối cảnh này, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp cao nhất và kêu gọi viện trợ 8 triệu USD để hỗ trợ công tác cứu nạn.
Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cũng đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ 100 triệu USD để giúp Myanmar phục hồi trong vòng 24 tháng tới. Các tổ chức này lo ngại rằng trận động đất sẽ làm gia tăng nguy cơ đói nghèo và sự bùng phát của các dịch bệnh như dịch tả, trong khi hệ thống y tế vốn đã yếu kém không đủ khả năng đối phó.
Ngày 31/3, tình hình tại Mandalay có phần cải thiện khi giao thông bắt đầu lưu thông trở lại và một số cửa hàng đã mở cửa trở lại. Nhiều người dân vẫn phải ngủ ngoài trời vì nhà cửa bị phá hủy hoặc vì lo ngại các đợt dư chấn tiếp theo. Hàng trăm bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Mandalay vẫn phải điều trị ngoài trời, trong khi các hoạt động cứu hộ và tìm kiếm người sống sót vẫn đang tiếp tục.
Chính quyền Myanmar tuyên bố quốc tang kéo dài một tuần để tưởng niệm các nạn nhân của trận động đất với một phút mặc niệm được tổ chức vào ngày 1/4.