Tình trạng này đặc biệt rõ rệt tại một số thành phố nhỏ và trung bình ở khu vực địa phương, nơi đang đối mặt với tình trạng di dân kéo dài. Một trong số đó là thành phố Kushiro, một thành phố cảng ven Thái Bình Dương thuộc Hokkaido.
Việc các trung tâm thương mại dịch chuyển ra khu vực ngoại ô đã khiến khu vực xung quanh ga JR Kushiro mất dần sức sống, với nhiều tòa nhà bị bỏ hoang và xuống cấp do thiếu kinh phí phá dỡ.
Trong số đó, một tòa nhà 6 tầng từng là cửa hàng bách hóa Marui Imai Kushiro, biểu tượng phồn vinh một thời của thành phố, nay bị bỏ trống và xuống cấp nghiêm trọng.
Theo chính quyền địa phương, sau khi cửa hàng đóng cửa, một công ty tại thủ phủ Sapporo đã mua lại khu đất với kế hoạch mở trung tâm thương mại mới, nhưng dự án bị hủy bỏ do không tìm được khách thuê.

Bên cạnh việc làm mất mỹ quan đô thị, các tòa nhà bỏ hoang ở thành phố Kushiro còn tiềm ẩn nguy cơ lớn nếu thành phố ven biển này hứng chịu động đất hoặc sóng thần.
Theo dự báo, nếu xảy ra động đất tại rãnh Nhật Bản hoặc rãnh Kuril, nơi mảng Thái Bình Dương va chạm với mảng Á-Âu, số người thiệt mạng tại thành phố Kushiro có thể lên tới 84.000 người.
Theo chính quyền thành phố, tính đến tháng 3 năm nay, có 19 tòa nhà bỏ trống xung quanh ga Kushiro, trong đó, 2 công trình, bao gồm khu trung tâm thương mại cũ, được xếp vào diện “công trình đặc biệt nguy hiểm”.
Tuy nhiên, chính quyền chưa có kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ theo cơ chế “cưỡng chế hành chính”, biện pháp cho phép can thiệp nếu chủ sở hữu không tuân thủ lệnh xử lý.
Một quan chức thành phố cho biết: “Mọi thứ rất khó khăn khi liên quan đến tài sản tư nhân. Chúng tôi cần sự đồng thuận từ các bên liên quan trước khi có thể hành động”.
Chi phí tháo dỡ các công trình này cũng là một trở ngại lớn. Việc phá bỏ một tòa nhà có thể tiêu tốn hàng tỷ yên và ngay cả khi chính quyền yêu cầu chủ sở hữu thanh toán, nguy cơ không thu hồi được chi phí vẫn rất cao.
Tuy nhiên, Giáo sư Chie Nozawa, chuyên gia chính sách đô thị tại Đại học Meiji, nhấn mạnh rằng, cần có biện pháp ngăn chặn sự gia tăng các tòa nhà bị bỏ hoang.
Bà cảnh báo rằng, các công trình xuống cấp không chỉ gây nguy hiểm mà còn cản trở hoạt động cứu hộ, đặc biệt khi tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai ngày càng gia tăng.
Bà Nozawa đề xuất rằng, các quy định pháp lý không chỉ nên đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu mà còn cần ràng buộc họ với “nghĩa vụ quản lý”, như yêu cầu họ trích lập quỹ phá dỡ ngay từ khi xây dựng các tòa nhà lớn.